Trẻ đào vàng: Sự hồn nhiên bị đánh mất trong lòng đất

Khoảng 20.000 trẻ em đang làm việc tại các mỏ vàng lậu ở Burkina Faso. Các em phải đối mặt với nhiều hiểm nguy: 1/4 số trẻ em đào vàng gặp tai nạn lao động, trong đó nhiều em bị sang chấn tâm lý.

Góc tối của xung đột và thảm họa

Burkina Faso, quốc gia nhỏ bé thuộc dải Sahel của Tây Phi, luôn là nạn nhân của các cuộc đảo chính quân sự và tình trạng hạn hán kéo dài. Cuộc sống nghèo khó đang đẩy người dân Burkina Faso đi vào lối mòn và đào vàng là nguồn sống duy nhất của nhiều người.

Những bé gái đội quặng ở mỏ vàng

Những bé gái đội quặng ở mỏ vàng

Tại ngôi làng Nobsin cách Thủ đô Ougadougou khoảng 100km, hàng trăm thợ đào vàng đang bất chấp hiểm nguy để tìm kiếm một cơ hội sống sót. Một sự thật đáng buồn là phần lớn thợ đào vàng ở đây lại là trẻ em. Mỗi ngày, các em phải liều mình chui xuống các hầm đào vàng tự chế để kiếm tiền sống qua ngày.

Công việc bắt đầu lúc mặt trời mọc và kết thúc vào buổi hoàng hôn. Hầu hết những đứa trẻ ở mỏ vàng đều phải tự nấu ăn, giặt giũ, gánh nước và đào mỏ đá tìm vàng, thường xuyên phải làm việc liên tục suốt 11 giờ. Những bé gái, có em chỉ mới 8 tuổi, đội quặng ở mỏ vàng. Mỗi em phải đội trên 20 kg quặng, đi một đoạn đường dốc gần 3 km để tới nơi tập kết quặng. Đây là cơ hội duy nhất để các em tồn tại.

Bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn đói nghèo, hàng nghìn trẻ em đang làm việc tại các mỏ vàng trái phép ở Burkina Faso trong điều kiện khắc nghiệt. Cách nơi này chưa đầy 8 km, các chiến binh Jama’at Nasr al-Islam wal Muslimin (JNIM), một nhánh của tổ chức khủng bố Al Qaeda, thường giết thường dân, đốt phá, cướp bóc cửa hàng và bắt cóc người trẻ tuổi. Ngồi trên một gò đất, cậu bé Oumarou Ouedraogo (14 tuổi) nói: "Em nghe tin tức về những kẻ khủng bố giết người xung quanh tổng Kaya và tại một mỏ vàng như thế này trên tivi suốt. Chúng mặc đồ đen và bịt kín mặt. Mọi người ở đây đều sợ chúng".

Một cậu bé chuẩn bị đi xuống hầm mỏ nhờ sợi dây được gắn vào trục

Burkina Faso hiện là trung tâm của cuộc xung đột trong khu vực Tây Phi. Nơi đây được coi là mặt trận mới trong cuộc chiến chống khủng bố khi những nhóm có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và tổ chức khủng bố al Qaeda lợi dụng căng thẳng sắc tộc cùng sự bất hòa với các chính phủ để tuyển mộ chiến binh.

Khi xung đột lan từ nước láng giềng Mali đến Burkina Faso năm 2015, quốc gia này ở giữa cơn sốt vàng. Các mỏ vàng thương mại do những công ty nước ngoài điều hành mọc lên ở khắp đất nước. Phần lớn số vàng mà các thợ mỏ tìm thấy được chuyển đến Dubai, nơi chúng có thể thâm nhập vào các chuỗi cung ứng quốc tế. Tại Burkina Faso, trong số 9,5 tấn vàng khai thác lậu mỗi năm, chỉ 200- 400kg được báo cáo với chính quyền.

Theo báo cáo của hãng thông tấn Reuters và tổ chức Crisis Group, các nhóm khủng bố đang nhằm vào 400-800 mỏ vàng rải rác khắp Burkina Faso. Chúng đánh thuế đối với người khai thác và buộc họ phải bán vàng độc quyền cho mình. Trong những trường hợp khác, chúng đập phá, giết người bừa bãi. Tháng 10/2019, những kẻ khủng bố đã giết khoảng 20 thợ mỏ và làm bị thương nhiều người khác tại một khu mỏ lậu ở tỉnh Soum. Rõ ràng, không có biện pháp an ninh nào được triển khai để bảo vệ trẻ em và thợ mỏ khỏi bị tấn công.

Ước mơ thoát nghèo

Ngồi bên hầm mỏ, Oumarou Ouedraogo nói rằng, cậu mong muốn một ngày nào đó sở hữu một ngôi nhà và lập gia đình riêng. Cậu luôn đeo chiếc vòng cổ có hình thánh giá.

Có hàng nghìn trẻ em làm việc trên các mỏ vàng ở Burkina Faso

Còn Firmin Tiendrebeogo (16 tuổi) sống ở khu mỏ mà không có cha mẹ hoặc anh chị em ở bên cạnh. Gia đình Tiendrebeogo sống trong ngôi làng cách mỏ vài cây số và sẽ nhận được tiền khi cậu bé kiếm ra. Thế nhưng, Tiendrebeogo chưa tìm thấy chút vàng nào kể từ khi đến mỏ. Tiendrebeogo chia sẻ: "Em làm việc ở đây được 2 tháng. Em xuống mỏ mỗi ngày một lần bằng dây thừng. Em sử dụng cuốc để tìm vàng. Em háo hức đến mỏ mỗi ngày với mơ ước tìm được vàng và có tiền hỗ trợ gia đình".

Trước khi xuống dưới mỏ sâu, Tiendrebeogo để đôi giày ở cạnh trục. Tất cả phu vàng đều để lại giày trên mặt đất để nếu các thành viên cùng nhóm chuyển sang nơi khác làm việc, họ cũng không quên quay lại và kéo đồng đội của mình ra ngoài. Bên cạnh một số trục là quạt được gắn vào ống nhựa dẻo polythene kéo dài đến đáy hố giúp thông gió.

Thực tế, các trục này rất nguy hiểm khi dễ bị sập hoặc lũ cuốn trôi. Khi xuống độ sâu 200m, 1/4 số trẻ em ở đây gặp tai nạn lao động, trong đó nhiều em bị sang chấn tâm lý. Trước khi đi xuống lòng đất, một số thợ mỏ nhí buộc đèn pin vào đầu. Được làm từ nhựa có màu sắc rực rỡ, chúng như lời nhắc nhở về sự hồn nhiên của trẻ thơ bị đánh mất trong các mỏ vàng lậu ở Burkina Faso.

Một cậu bé đào vàng lấm lem bụi đất

Đối với các biện pháp an toàn, khai thác khoáng sản bị cấm trong mùa mưa, kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9. Thời gian mùa mưa, các hố có nhiều khả năng sụp lún trong khi các công nhân vẫn làm việc bên trong. Tuy nhiên, các thợ mỏ ở Bani dường như không tuân theo lệnh cấm này. Thủy ngân còn được sử dụng tại nơi khai thác vàng. Theo thời gian, hóa chất này gây ra các vấn đề về hô hấp và ung thư cho phu vàng. Thông thường, số tiền các thợ đào vàng kiếm được không đủ nuôi sống bản thân, chưa nói đến việc cho phép họ tìm đường thoát nghèo.

Nhiều năm qua, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp với chính phủ Burkina Faso để đưa trẻ em thoát khỏi các hầm mỏ. Nhiều đứa trẻ đã được cứu khỏi những nơi này và học nghề để làm việc ở nơi ít nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, UNICEF không thể tiếp cận những đứa trẻ ở các khu vực bị khủng bố chiếm đóng. Xung đột cũng làm cho vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn theo nhiều cách khác.

Karim Sankara, nhân viên của UNICEF, nói: "Nhiều trường học phải đóng cửa dẫn đến việc số lượng lớn trẻ em phải đến các khu mỏ làm việc". Theo Sankara, kể từ khi xung đột bắt đầu, 2.512 trường học ngừng hoạt động, 350.000 trẻ em không được tiếp cận giáo dục. Một số lượng lớn trong đó tới làm việc ở các hầm mỏ, bất chấp nguy cơ bị tấn công khủng bố ngày càng tăng.

Trở về làng sau một ngày làm việc ở mỏ vàng Djuga

Chính phủ Burkina Faso có Luật lao động trẻ em, được ban hành nhằm ngăn trẻ làm việc trong các mỏ vàng. Tuy nhiên, do xung đột, sự kiểm soát của nhà nước đã không được thực hiện ở nhiều khu vực nông thôn. Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) cũng kêu gọi các nước thành viên và các đối tác hợp tác cùng nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em.

Nguồn: Vice News, VOA, Face2faceafrica

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tre-dao-vang-su-hon-nhien-bi-danh-mat-trong-long-dat-20200910185929562.htm