Trẻ con Nhật Bản kém hạnh phúc

Trẻ con Nhật Bản được xếp hạng gần cuối về chỉ số hạnh phúc trong số 38 quốc gia phát triển do mức độ không hài lòng với cuộc sống và tự tử cao, một báo cáo của UNICEF cho hay.

Mặc dù trẻ em Nhật Bản xếp đầu bảng về sức khỏe thể chất và điều kiện sống nhưng nạn bắt nạt học đường và các khó khăn trong mối quan hệ giữa các thành viên gia đình dẫn tới việc chúng bị thiếu hạnh phúc, Quỹ Trẻ em Liên Hợp Quốc kết luận.

Trẻ em Nhật Bản chỉ xếp hạng cao hơn trẻ em New Zealand về mức độ hạnh phúc.

Được biết, báo cáo của UNICEF đánh giá 3 khía cạnh: sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất, các kỹ năng học tập và xã hội bằng cách sử dụng dữ liệu thu thập được trước đại dịch Covid-19.

Nếu tính cả 3 hạng mục, Hà Lan là quốc gia đứng đầu danh sách, sau đó tới Đan Mạch và Na Uy. Nhật Bản xếp hạng thứ 20, Mỹ thứ 36 và Chi-lê cuối cùng.

Những phát hiện của báo cáo này dựa trên số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc về các nước thành viên thuộc OECD và Liên minh châu Âu.

Năm 2018, Hà Lan có tỷ lệ trẻ em 15 tuổi hài lòng với cuộc sống cao nhất – 90%. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ xếp hạng cuối chỉ với 53%. Nhật Bản xếp gần cuối với 62%.

Ở Nhật Bản, trung bình có 7,5 trẻ trên 100.000 trẻ từ 15 đến 19 tuổi tự tử trong khoảng từ năm 2013-2015, so với 14,9% ở New Zealand. Tỷ lệ tự tử cao nhất thuộc về Lithuania với 18,2%, trong khi Hy Lạp có tỷ lệ thấp nhất – 1,4%.

Tuy nhiên, khi nói đến vấn đề béo phì ở trẻ, Nhật Bản có tỷ lệ thấp nhất chỉ với 14% ở trẻ từ 5 đến 19 tuổi – số liệu năm 2016. Mỹ có tỷ lệ béo phì cao nhất với 42%.

Về trình độ học vấn và kỹ năng xã hội, Nhật Bản đứng thứ 27/38.

Mặc dù xếp hạng thứ 5 ở môn Đọc và Toán, trẻ em nước này lại xếp gần cuối cùng về sự tự tin trong việc kết bạn. 69% trẻ 15 tuổi nói rằng chúng cảm thấy mình khó kết bạn.

Nhật Bản có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất năm 2019 trong số các quốc gia được khảo sát, nhưng tỷ lệ trẻ em sống trong cảnh nghèo đói của nước này ở mức thấp – 18,8%, thấp hơn mức trung bình là 20%.

Chuyên gia giáo dục Naoki Ogi cho rằng các trường học của Nhật Bản là “địa ngục của nạn bắt nạt”. Ông cho rằng sự cạnh tranh khốc liệt của học sinh Nhật Bản để vào được các ngôi trường danh tiếng là một tác động tiêu cực đối với sức khỏe tâm thần.

“Có lòng tự trọng thấp và thiếu cảm giác hạnh phúc là điều không thể tránh khỏi với trẻ em Nhật Bản", ông nói.

Trong tương lai, báo cáo của UNICEF cũng cho rằng cuộc khủng hoảng mà Covid-19 đang gây ra sẽ là một thách thức mà trẻ em nước này phải đối mặt.

“Trẻ em sẽ không chịu tác động trực tiếp về mặt sức khỏe. Nhưng như chúng ta đã biết từ các cuộc khủng hoảng trước, chúng sẽ là nhóm hứng chịu những tác động tiêu cực lâu dài một cách sâu sắc nhất”.

Đăng Dương(Theo Japan Times)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/tre-con-nhat-ban-kem-hanh-phuc-672105.html