Trẻ con có bị cảm cúm không?

BS CK2 Nguyễn Trần Nam, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, TP.HCM, cho biết thời tiết hiện nay là môi trường lý tưởng khiến cho bệnh truyền nhiễm do virus phát triển.

Bác sĩ Nam cho biết thời tiết những ngày này thất thường khiến cho cơ thể rất khó chịu gây nên tình trạng ho, sốt, cảm cúm. Đây đều là biểu hiện của nhiễm virus đường hô hấp thường xảy ra ở mùa thay đổi thời tiết. Các loại virus lây lan qua đường hô hấp khi ho, hắt hơi ra.

Theo BS Nam cảm cúm là biểu hiện tổn thương đường hô hấp và có tính lây lan. Người bệnh cảm giác thấy ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, nước mũi trong, khàn tiếng, người mệt mỏi, triệu chứng này sẽ lây lan trong gia đình.

Khoảng 2 – 3 tuần gần đây, tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tổng số bệnh nhân đến khám có tới 60 % trẻ bị viêm đường hô hấp với các triệu chứng như trên. Có nhiều trẻ diễn tiến nặng trên viêm hô hấp như suy hô hấp, viêm phổi nặng phải thở máy.

Những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất đó là trẻ sơ sinh, trẻ bị bệnh mãn tính, trẻ bị bội nhiễm (có sẵn vi trùng trong người) và thường khi mắc thêm virus tình trạng sẽ rất nặng.

Trẻ con có bị cảm cúm không?

Trẻ con có bị cảm cúm không?

Có nhiều trẻ nhỏ dưới 3 tháng đến khám do viêm tiểu phế quản. Trong khi đó, các bé đều nằm trong bệnh cảnh trong nhà có người ho, sổ mũi, hắt hơi nhưng không cách ly và lây cho bé. 3-4 ngày sau bé ho, khò khè, sốt cao và nếu không theo dõi điều trị kịp thời trẻ nhanh chóng bị suy hô hấp.

Dấu hiệu của trẻ bị cảm cúm, đầu tiên trẻ có thể bị ho, khởi đầu là ho khan, sau 1-3 ngày có thể ho có đờm. Ở trẻ lớn thì ngạt mũi, nói giọng mũi, há miệng thở, ngủ ngáy.

Trẻ nhỏ thì quấy khóc, lăn lộn khó ngủ, đang bú thì buông ra để thở hổn hển đó là dấu hiệu của tắc mũi. Dịch xuất tiết lúc đầu trong, loãng nhưng nếu không được vệ sinh sạch sẽ để ứ đọng nhiều hoặc bị bội nhiễm vi khuẩn thì dịch có thể trở nên đục, xanh hoặc vàng.

Trẻ nhỏ thường không đi ra ngoài nên không thể lây nhiễm cúm mà chủ yếu người lớn đi làm, trẻ lớn đi học và lây bệnh mang về nhà. Vì thế, dù ở bất cứ đâu mọi người đều cần rửa tay thường xuyên.

Việc tiêm phòng cúm cho trẻ, bác sĩ Nam cho rằng có thể tiêm cho trẻ hàng năm và không phải tiêm một lần là không lo bị cúm vì có nhiều chủng cúm. Do đó, nhiều phụ huynh thường thắc mắc tại sao con đã tiêm phòng vẫn bị cảm cúm.

Đặc biệt, bác sĩ Nam cho biết nguyên nhân khiến trẻ nhỏ dễ lây cúm từ người lớn nữa đó là hôn hít vào mặt trẻ. Vì vậy, vị bác sĩ này nhấn mạnh dù bạn yêu thương trẻ đến đâu nếu muốn hôn hãy hôn vào lưng, vào tay của trẻ đừng hôn lên mặt trẻ. Bởi vì mũi họng của mình dễ nhiễm siêu vi nếu ta hôn vào mặt đứa trẻ thì rất dễ đưa virus sang mặt, mũi của trẻ.

Khi trẻ có các dấu hiệu của viêm đường hô hấp, cha mẹ cần thường theo dõi xem trẻ có nhịp tim bất thường không. Nếu trẻ có biểu hiện sốt cao kéo dài trên 2 ngày, bỏ bú, nôn, ngủ li bì, khó thở, thở lõm ngực... cần nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu. Với những dấu hiệu này, trẻ không những mắc các bệnh lý hô hấp nặng mà có thể có các bệnh nguy hiểm khác.

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần linh hoạt bảo vệ trẻ trước thay đổi xấu của thời tiết (khi trời lạnh, cần tránh mưa, gió lùa, mặc ấm cho trẻ; khi trời nóng cần sử dụng các phương tiện giải nhiệt hợp lý như không để luồng gió quạt máy, máy lạnh thổi thẳng vào người trẻ).

Bên cạnh đó, người chăm sóc trẻ và trẻ cần rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế nơi đông người, tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, cần chăm sóc và theo dõi sát sao, chỉ cho trẻ đi học lại khi điều trị hết bệnh.

Về biện pháp lâu dài cần đưa trẻ tiêm chủng đầy đủ, nâng cao sức đề kháng bằng cách tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin, uống nhiều nước, tránh khói thuốc lá...

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/tre-con-co-bi-cam-cum-khong-267923.html