Trẻ bỏ nhà đi rồi nói dối bị bắt cóc: 'Lỗi lớn nhất thuộc về cha mẹ'

Liên tiếp những trẻ bỏ nhà đi vừa qua, mới đây nhất là hai vụ nữ sinh lớp 8 ở Thanh Hóa và 3 em nhỏ ở Nghệ An bỏ nhà đi rồi tung tin bị bắt cóc vì sợ bố mẹ mắng ở Nghệ An đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh các bậc làm cha, làm mẹ.

Từ đây, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, Trung tâm tư vấn tâm lý Tuổi trẻ Hạnh phúc để hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như cách giáo dục, xử trí khi con trẻ thường xuyên nói dối, chống đối cha mẹ.

Hãy lắng nghe con trẻ

Hãy lắng nghe con trẻ

“Bố mẹ thiếu dân chủ, chưa sòng phẳng”

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, cha mẹ nên biết ở độ tuổi 7-18 là lứa tuổi mà đứa trẻ có những biến động mạnh mẽ về tâm- sinh lý. Ở độ tuổi này bố mẹ nên hết sức quan tâm và lưu ý con cái để có những tác động kịp thời với những thay đổi cơ bản nhất của trẻ. “Tôi nhận thấy, việc một đứa trẻ thường xuyên nói dối hoặc bỏ nhà đi có 2 lý do khách quan và chủ quan”, chuyên gia Lê Thị Túy nhấn mạnh.

Vị chuyên gia phân tích, đầu tiên là nguyên nhân chủ quan, do những đứa trẻ đang ở trong độ tuổi tâm sinh lý có nhiều biến động, thiếu chín chắn trong vấn đề nhìn nhận cuộc sống xung quanh, trẻ muốn thể hiện cá tính và cái tôi của bản thân. Lúc này trẻ cần nhận được sự thấu hiểu cũng như sự quan tâm đúng mực của cha mẹ. “Nếu trong độ tuổi này, một đứa trẻ “bỗng” thường xuyên nói dối bố mẹ và bỏ nhà đi tức là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có “vấn đề”. Tôi nghiêng về vế bố mẹ hơn, bởi “vì sao con phải nói dối bố mẹ?”, chắc chắn bố mẹ chưa dân chủ và chưa sòng phẳng với con. Nhiều bố mẹ thường mắng chửi, lấn át khiến con cái sợ hãi nên trẻ phải nói dối để tránh đòn roi. Trong khi đó trẻ có rất nhiều nhu cầu của tuổi mới lớn, trẻ thích khám phá, thích tự do yêu đương, thích làm đẹp, thích vui chơi… Tôi ví dụ như trường hợp như hai đứa trẻ ở Bình Phước rủ nhau xuống Bình Dương “đi trốn” hồi tháng 5 vừa qua chẳng hạn. Chúng bỏ nhà đi đơn giản vì mâu thuẫn với bố mẹ, vì chúng không còn thích đi học. Trong trường hợp này, bố mẹ đã thực sự quan tâm và hiểu cho áp lực học hành của con hay chưa?. Nhiều bố mẹ chỉ biết quan tâm tới điểm số, ép con học cho bằng bạn, bằng bè trong khi đó đứa trẻ rất mệt mỏi. Có thể vì bài vở quá khó, vì năng lực của chúng chưa đủ lớn… Thay vì động viên con, nhiều bố mẹ lại so sánh với bạn bè, mắng chửi, thậm chí nói rằng: “Có mỗi việc học chẳng xong”. Đấy, tất cả khiến chúng chán nản, mệt mỏi và rồi chúng bỏ nhà đi để giải thoát bản thân”, chuyên gia Lê Thị Túy phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia, một số gia đình khi con trẻ nói lên nguyện vọng, ý kiến của mình liền bị bố mẹ gạt đi một cách hờ hững. “Các vị phụ huynh không đứng ra giúp trẻ giải quyết vấn đề mà còn “cấm” không cho chúng lên tiếng. Từ đó, trẻ cảm thấy bức bối, muốn bứt phá ra khỏi khuôn khổ của cha mẹ”, chuyên gia Lê Thị Túy cho hay.

Tiếp đó, lý do khách quan là trẻ bị tác động bởi bạn bè xấu. Khi một đứa trẻ lớn lên, chúng sẽ quan sát xung quanh. Chúng thấy nhiều bạn bè được tự do đi chơi còn chúng thì không. Từ đây, nếu bạn bè khích bác: “ Mày bị quản chặt thế”, “lớn rồi mà như trẻ con”,… Lúc này, trẻ nảy sinh ý đồ so sánh giữa mình và bạn “vì sao bạn được đi mà mình lại không?”, “giờ mình nên làm gì để đi chơi”,… Trẻ sẽ vùng lên và bứt phá khỏi sự quản lý của cha mẹ bằng cách “học nói dối” để thỏa mãn nhu cầu của mình.

Hãy nhớ, đứa trẻ chắc chắn sẽ giấu thật kín lý do đi chơi, nếu bị phát hiện chúng sẽ lái vấn đề sang hướng khác. Chẳng hạn như 3 đứa trẻ ở Nghệ An, chúng quan niệm “nói thật sẽ bị bố mẹ mắng, thôi thì ta nói dối vậy”. Chúng có tâm lý sợ bố mẹ, sợ sự chỉ trích của nhà trường…Từ đây, cha mẹ không còn kiểm soát được tâm trạng của đứa con nữa, chúng sẽ bị đám bạn xấu lôi kéo rồi trượt vào vòng xoáy của xã hội, của sự lừa đảo. Nên mới có hiện tượng những đứa trẻ, cụ thể là bé gái bị người xấu dụ dỗ rồi rơi vào “lưới tình” của kẻ xấu, tiếp đó là bị “yêu râu xanh” lừa gạt, bị bọn buôn người lôi kéo… Khi đó, chúng không còn tìm được đường quay lại nữa.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, Trung tâm tư vấn tâm lý Tuổi trẻ Hạnh phúc

Cha mẹ phải làm sao?

Theo chuyên gia Lê Thị Túy, để xử lý tình huống, cha mẹ nên thường xuyên tổ chức các cuộc họp gia đình, qua đó cùng con cái thảo luận, tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống. Cần thẳng thắn, quyết liệt nhưng không được áp đặt.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình là rất quan trọng và có mối quan hệ mật thiết với nhau. “GS Hồ Ngọc Đại từng nói, đào tạo một đứa trẻ tốt, trở thành một thợ sửa xe máy chân chính, biết nhìn trước ngó sau, lấy giá phải chăng, làm gia đình hạnh phúc, biết làm việc thiện… là một điều tốt. Để giáo dục được một đứa trẻ tốt, làm người tử tế là rất khó. Bởi vậy, hãy học cách tin đứa trẻ, nếu chúng có lệch lạc một chút cũng phải uốn nắn.

Tôi từng được nghe một câu chuyện của chị bạn, khi con gái chị 7 tuổi. Cả gia đình chuyển sang Úc sinh sống. Ngày đó, đứa trẻ mới bập bõm nói tiếng Anh nhưng chỉ sau vài tháng đi học, bé tiến bộ không ngừng. Có được điều đó là bởi sự quan tâm, khích lệ của thầy cô giáo. Cứ một tuần, cô giáo lại tuyên dương, khen ngợi sự tiến bộ của bé gái một lần, từ đó, tạo động lực để bé vươn lên, nỗ lực học tốt. Vậy đó, lời khen đúng lúc của thầy cô và gia đình rất quan trọng, nó là động lực là chất xúc tác để một đứa trẻ vươn lên không ngừng”, vị chuyên gia chia sẻ.

Còn theo cô giáo Trần Ly (Vũng Tàu) khi con trẻ trở về cha mẹ không nên chì chiết mà hãy động viên con trẻ. Có thể thông qua các mối quan hệ khác nhau tìm hiểu thông tin của cháu và đến tận chỗ cháu làm hay sống để tác động, khuyên giải cháu phải trái, đúng sai. Nếu cháu cương quyết không muốn gặp cha mẹ thì ta cần sắp xếp một “sứ giả” là người thân thiết, tin cậy của cháu để thuyết phục. Nếu như tình hình phức tạp hơn thì gia đình mình có thể nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp để đưa cháu về với gì đình và làm lại cuộc đời. Khi cháu đã về nhà, mọi người không nên trách mắng hay đánh đập gì cháu mà hãy tìn mọi cách làm dịu tinh thần của cháu. Lúc này đây chúng ta nên cư xử với trẻ nhẹ nhàng, chân thành.

Cần xây dựng mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ - con cái cần phải làm thường xuyên, liên tục chứ không chỉ là trước mắt. Chính vì bố mẹ mải mê làm ăn không có thời gian dành cho con khiến tình cảm giữa các thành viên không được gần gũi, gắn bó. Và con cái thì luôn khao khát được sống trong một gia đình hạnh phúc, hưởng trọn vẹn tình yêu thương của bố mẹ và khi ấy con cái sẽ biết nâng niu trân trọng những gì mình đang có.

Thanh Lam

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/tam-su-go-roi/tre-bo-nha-di-roi-noi-doi-bi-bat-coc-loi-lon-nhat-thuoc-ve-cha-me-a288534.html