Trẻ bị xâm hại tình dục chịu ám ảnh tâm lý nặng nề, lâu dài

Vụ bé gái bị sàm sỡ trong thang máy khiến nhiều người phẫn nộ. Đã có những vụ xâm hại tình dục trẻ em từng được thông tin. Sau việc bị sàm sỡ, xâm hại tình dục, trẻ sẽ chịu ám ảnh tâm lý nặng nề, lâu dài.

Trẻ bị sàm sỡ, xâm hại tình dục chịu ám ảnh tâm lý nặng nề, lâu dài - Ảnh minh họa: Shutterstock

“Trẻ bị xâm hại tình dục sẽ để lại nhiều hậu quả xấu về thể chất và tâm lý cấp và mạn tính”, thạc sĩ - bác sĩ Phạm Minh Triết, nghiên cứu sinh Ngành tâm lý lâm sàng trẻ em, Trường Nghiên cứu Tâm lý, Đại học Quốc gia Úc (Úc), khẳng định.

Theo bác sĩ Triết: Mức độ ảnh hưởng đến trẻ nặng hay nhẹ thường tùy thuộc vào mức độ nhận thức về vấn đề bị xâm hại của trẻ và mức độ trầm trọng của sự xâm hại.

Trẻ có thể có rối loạn lo âu cấp, biểu hiện qua những triệu chứng thoái lùi như: bú ngón tay hoặc tiểu dầm vào ban đêm; hoặc cũng có thể lãng tránh mọi người, bạn bè; sợ đi học hoặc có thể biểu hiện ham mê tình dục một cách lệch lạc.

Một số trẻ có thể có rối loạn cư xử như hung hăng, độc ác với vật nuôi, không tập trung hoặc có hành vi tự hại bản thân.

Việc bị xâm hại tình dục, dâm ô để lại những hậu quả nặng nề, “đè nặng” trên tâm lý, cuộc sống của trẻ. Đó là nỗi ám ảnh lâu dài cho cả quá trình phát triển tâm sinh lý.

“Trẻ bị xâm hại tình dục bị ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý. Con trẻ có thể bị rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ, rối loạn chuyển dạng (trẻ kêu đau một bộ phận trên cơ thể nhưng khám y khoa không tìm thấy bệnh lý thực thể), rối loạn gắn bó, tự trọng thấp. Đặc biệt thường gặp ở những trường hợp nặng là rối loạn stress sau sang chấn (Post Traumatic Stress Disorder - PTSD)”, bác sĩ Triết thông tin.

Theo bác sĩ Triết, những trẻ bị PTSD sẽ thường bị những cơn gợi nhớ về vấn đề bị xâm hại không kiểm soát được, mỗi lần cơn xuất hiện, bệnh nhân thường có rối loạn cảm xúc ở mức độ cao.

Bác sĩ Triết đánh giá rộng hơn, việc xâm hại tình dục với trẻ còn gây hậu quả về mặt xã hội.

“Nhiều nghiên cứu, thống kê khoa học cho thấy trẻ bị xâm hại có nguy cơ cao liên quan đến việc sử dụng chất gây nghiện, nghiện rượu, tự tử, tội phạm”, bác sĩ Triết nói.

Về mặt thể chất, trẻ bị xâm hại tình dục có thể bị tổn thương tùy mức độ, từ không có tổn thương hoặc xây xát nhẹ cho đến những tổn thương nặng. Bên cạnh đó là tình trạng nhiễm trùng các vết thương, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khá nguy hiểm.

Nâng đỡ trẻ sau cú sốc

Trẻ bị xâm hại bị ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý. Con trẻ có thể bị rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ, rối loạn chuyển dạng (trẻ kêu đau một bộ phận trên cơ thể nhưng khám y khoa không tìm thấy bệnh lý thực thể), rối loạn gắn bó, tự trọng thấp. Đặc biệt thường gặp ở những trường hợp nặng là rối loạn stress sau sang chấn

Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Minh Triết

Bác sĩ Triết khuyến cáo, các nghiên cứu và cảnh báo của quốc tế cho thấy, những người lạm dụng tình dục trẻ em thường nhất là những người thân, sống gần gũi xung quanh. Tâm lý trẻ lại sợ hãi, rụt rè không dám nói cho phụ huynh biết việc mình bị lạm dụng. Phụ huynh cần quan tâm, chú ý đến những biểu hiện, thay đổi tâm lý của trẻ.

Theo bác sĩ Triết, với trẻ bị xâm hại: Nếu con có biểu hiện rối loạn hành vi hoặc rối loạn cảm xúc rõ (thường là có ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, hoặc công việc của con và mọi người xung quanh) thì cần được đi khám tâm lý hoặc tâm thần.

Nếu có biểu hiện nhẹ hơn thì khám tâm lý thôi, chủ yếu để tâm lý gia giúp con nói về cảm xúc và vấn đề lo lắng của con.

“Phụ huynh, những người xung quanh không chê bai, chửi bới hay hỏi đi hỏi lại chuyện con bị xâm hại”, bác sĩ Triết nhấn mạnh.

Phụ huynh cần lắng nghe con nói (khi con muốn nói), tôn trọng suy nghĩ và cảm xúc của con, cho con thấy là phụ huynh muốn và có thể giúp đỡ con chứ không phải muốn phạt con.

Sau đó, phụ huynh có thể tế nhị dạy hoặc cho con học, đọc về cách tự bảo vệ bản thân.

“Tóm lại thì ở giai đoạn mới, phụ huynh cần giữ thái độ bình tĩnh, cho con thấy là con được ba mẹ thông cảm và sẵn sàng giúp đỡ, cho con khám khi cần, dạy con tự bảo vệ (nếu thuận tiện). Về lâu dài, hãy dạy con tự bảo vệ (một cách tế nhị, không nhắc lại hoặc răn đe chuyện cũ), quan sát những biểu hiện của con (như trên) để cho trẻ điều trị sớm”, bác sĩ Triết khuyên.

Mặt khác: “Xét về tâm lý, việc “lấy lời khai của trẻ”, yêu cầu trẻ kể về chuyện bị xâm hại càng lặp đi lặp lại thì đứa trẻ càng có nguy cơ diễn biến nặng hơn vì phải nhớ đi nhớ lại nhiều lần”, bác sĩ Triết khuyến cáo.

Theo bác sĩ Triết, tại nhiều nước tiên tiến, khi điều tra những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ, cơ quan chức năng sẽ cố gắng sắp xếp để hỏi một lần, có sự chứng kiến của các bên luật sư, nhân viên xã hội chuyên trách về vấn đề xâm hại và cả chuyên viên tâm lý; cùng tạo không gian riêng tư, an toàn cho trẻ.

Viên An

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/tre-bi-xam-hai-tinh-duc-chiu-am-anh-tam-ly-nang-ne-lau-dai-1067554.html