Trẻ bị viêm phổi có được tắm không?

Trẻ nhỏ rất dễ mắc phải bệnh viêm phổi nên để con nhanh khỏi bệnh, các bậc làm cha mẹ phải biết cách chăm sóc con đúng cách.

Thời tiết chuyển lạnh là khoảng thời gian trẻ sơ sinh dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp như ho, sổ mũi, cảm cúm... nặng hơn nữa có thể là bệnh viêm phổi. Nhiều mẹ băn khoăn rằng với thời tiết lạnh và nhiều gió như hiện nay, liệu trẻ bị viêm phổi có được tắm không? Những tư vấn dưới đây sẽ giúp các mẹ phần nào giải đáp được thắc mắc này.

Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh

Viêm phổi là gì?

Viêm phổi là căn bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng do vi khuẩn hoặc vi-rút làm nhiễm trùng ở phổi. Khi bị viêm phổi, các túi khí trong phổi sẽ chứa mủ và chất lỏng khiến bé khó thở. Dù trẻ bị viêm phổi do vi-rút hay vi khuẩn đều rất nguy hiểm và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không biết cách điều trị đúng, kịp thời.

Viêm phổi có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời. (Ảnh minh họa)

Triệu chứng và dấu hiệu:

- Sốt cao hơn 38 độ C đi kèm các cơn lạnh và co giật.

- Trẻ tỏ ra mệt mỏi, yếu, buồn ngủ thường xuyên, không hoạt bát như bình thường.

- Thở khó, khò khè: Bé có thể thở gấp nhưng hơi thở ngắn và có tiếng thở nặng nhọc.

- Ho nhiều: Khi bé ho, có thể đờm, dãi sẽ từ phổi sẽ đi theo lên mũi hoặc miệng. Những trường hợp nặng, đờm có thể chứa máu.

- Da tím tái: Da trẻ sẽ xanh xao, nhợt nhạt trông thấy, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, da sẽ xám xanh rất rõ ở vùng môi và mặt.

- Đau ngực hoặc đau bụng: điều này phụ thuộc vào vùng phổi bị viêm của trẻ.

- Dạ dày bị ảnh hưởng sẽ khiến trẻ buồn nôn, trớ và thậm chí là tiêu chảy.

Cách điều trị viêm phổi cho trẻ

Viêm phổi không thể điều trị tại nhà, khi thấy con mình có các triệu chứng bệnh, các bậc phụ huynh phải đưa con đi khám bác sĩ ngay. Tuy nhiên sau khi đi khám bác sĩ, khâu chăm sóc con ở nhà để giúp bé hồi phục nhanh và dứt bệnh cũng rất quan trọng.

Các mẹ nên tuyệt đối nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh việc tự ý cho con dùng thuốc. Nếu bé bị đau hoặc sốt quá, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau, hạ sốt phù hợp. Ngoài ra, bạn có thể đặt trong nhà một máy làm ẩm để giúp con dễ chịu hơn.

Trẻ bị viêm phổi có tắm được không?

Đây là một câu hỏi các bậc làm cha mẹ có con bị viêm phổi rất quan tâm vì rất nhiều người lo lắng việc tiếp xúc với nước sẽ làm con bệnh nặng, lâu khỏi hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tắm cho con để giúp cơ thể bé sạch sẽ, khô thoáng dễ chịu hơn. Điều bạn cần lưu ý là cách và thời gian tắm sao cho hợp lý.

Mẹ nên lâu khô người cho con ngay sau khi tắm xong. (Ảnh minh họa)

Các mẹ luôn tắm cho bé bằng nước ấm, không tắm lâu và tắm ở nơi kín gió. Vào mùa lạnh, mẹ có thể bật máy sưởi để giữ ấm cho con trong khi tắm. Khi tắm nước ấm, trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn và còn làm cho một số triệu chứng như trẻ bị ho, chảy nước mũi… giảm đi rõ rệt. Chỉ nên tắm 2-3 ngày/ lần.

Trong khi tắm, mẹ dùng tay mát-xa lưng và ngực của con. Bé có thể sẽ ho nhưng đây là dấu hiệu việc điều trị có tác dụng.

Ngay sau khi tắm, mẹ nên dùng khăn bông lau khô người cho bé và mặc quần áo ngay. Tuy nhiên, bạn không nên cho bé mặc quá nhiều quần áo và lựa chọn những trang phục có chất liệu mềm mại, thấm mồ hôi để tránh bé bị cảm lạnh vì bị hấp mồ hôi trở lại.

Theo bác sĩ Đỗ Kiều Hoa cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống:

Khi trẻ viêm phổi ở mức độ nhẹ, trẻ nên được điều trị tại tuyến y tế ban đầu: nhỏ mũi bằng dung dịch sát khuẩn nhẹ (natriclorit 9%o), súc miệng hằng ngày, có thể dùng một số loại kháng sinh nhưng tốt nhất nên dùng đường uống, dạng siro. Khi tình trạng bệnh không cải thiện thì nên chuyển lên tuyến trên.

Khi trẻ viêm phổi nặng: nên nằm điều trị nội trú tại bệnh viện, theo dõi sát diễn biến của bệnh và có biện pháp xử trí kịp thời. Chú ý khi dùng các thuốc kháng virut phải theo dõi chức năng gan, thận để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp. Sử dụng kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn.

Các biện pháp điều trị hỗ trợ như hạ nhiệt dùng paracetamol, chườm mát. Làm thông thoáng đường thở: hút sạch đờm dãi, nằm đầu cao, nới rộng quần áo. Khi trẻ có biểu hiện suy thở thì có thể đặt ống nội khí quản, hô hấp hỗ trợ. Truyền dịch khi trẻ sốt cao kéo dài, biểu hiện mất nước...

Chăm sóc khi trẻ bị bệnh: cần cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, đủ chất, số lượng vừa phải, tránh trào ngược, vệ sinh sạch sẽ, theo dõi sát tình trạng khó thở, tím tái.

Theo Ngọc Quỳnh (Dịch theo Parents) (Khám phá)

Nguồn Eva: http://eva.vn/lam-me/tre-bi-viem-phoi-co-duoc-tam-khong-c10a331853.html