Trẻ bị tiêu chảy uống oresol như thế nào để không gặp phải biến chứng thần kinh nguy hiểm?

Hô hấp và tiêu chảy là những căn bệnh hàng đầu khiến trẻ phải nhập viện khi thời tiết giao mùa. Vậy cha mẹ nên chăm sóc trẻ bị tiêu chảy như thế nào cho đúng?

Tiêu chảy là tình trạng bé đi ngoài trên 3 lần 1 ngày, phân dạng lỏng hoặc nhiều nước hơn bình thường. Tiêu chảy kéo dài sẽ khiến bé mất nước, giảm cân, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, khiến không ít cha mẹ lo lắng.

Vậy cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị tiêu chảy? Những lời khuyên hữu ích từ bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm kinh nghiệm để chăm sóc trẻ bị tiêu chảy.

Chăm sóc khi trẻ bị tiêu chảyTrẻ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ

Trao đổi với báo Phụ nữ Sức khỏe, BS Khanh cho biết, với những trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi thì mẹ nên tiếp tục cho trẻ bú bình thường và tăng số lần bú trong ngày. Trong sữa mẹ có chứa lượng đường lactoza nên trẻ bú mẹ thì sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy, đồng thời sẽ giúp trẻ nhanh khỏi hơn.

Trẻ bị tiêu chảy được bú sữa mẹ giúp trẻ nhanh khỏi hơn. Ảnh internet.

Trẻ bị tiêu chảy được bú sữa mẹ giúp trẻ nhanh khỏi hơn. Ảnh internet.

Nếu trẻ đang bú sữa ngoài thì mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ dùng loại sữa mà trước đó trẻ vẫn hay dùng và nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày, ít nhất cách 3 giờ một lần.

Trẻ trên 6 tháng tuổi

Cha mẹ nên đưa vào thực đơn của trẻ những thực phẩm dễ tiêu hóa như khoai tây, thịt nạc, sữa chua, sữa đậu nành, cà rốt… Bổ sung thêm chất béo vào thực đơn của trẻ để tăng lượng khẩu phần, bạn nên thay mỡ bằng dầu ăn.

Trong thời gian trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ chỉ nên cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, các món hầm, cơm nát. Một gợi ý từ các chuyên gia dinh dưỡng đó là món cháo thịt gà băm nhỏ, đây là món ăn có tác dụng tốt trong quá trình điều trị tiêu chảy.

Cha mẹ cần thêm vào thực đơn hàng ngày của trẻ những thực phẩm hỗ trợ điều trị tiêu chảy. Ảnh internet.

Trước khi chế biến thức ăn cho con, cha mẹ cần nên rửa tay sạch bằng xà phòng, sơ chế thức ăn phải đảm bảo vệ sinh. Thức ăn cho trẻ cần được nấu chín, nấu kỹ và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn.

Nên cho trẻ ăn thêm quả chín, hoặc nước quả chín như chuối, cam, xoài, hồng xiêm để tăng lượng kali. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể bổ sung nước, chất điện giải cho trẻ bằng oresol nhưng cần cẩn trọng khi sử dụng.

Lưu ý khi sử dụng oresol cho trẻ bị tiêu chảy

Theo BS Khanh, điều quan trọng nhất với các bé bị tiêu chảy là cần bù nước và chất điện giải bị mất do đi ngoài. Cha mẹ nên cho bé uống nhiều nước như nước rau, nước cháo, nước trái cây để bù nước, khi cần thiết có thể cho bé uống thêm các dung dịch bù điện giải như oresol.

Khi pha oresol, cha mẹ không nên pha nửa gói, pha nguyên gói uống không hết thì bỏ, không để quá 24h, không bảo quản trong tủ lạnh để cho trẻ uống dần. Cần đọc kĩ hướng dẫn cách pha oresol, tuyệt đối tuân thủ theo liều lượng quy định.

Ví dụ, nếu bé tiêu chảy nhiều và dưới 2 tuổi thì uống 50ml sau 1 lần đi tiêu và 100ml nếu trẻ trên 2 tuổi, không ước lượng, áng chừng hoặc đong bằng các dụng cụ đo lường không chính xác.

Phải tuân thủ đúng tuyệt đối liều lượng khi pha oresol để tránh biến chứng nguy hiểm. Ảnh internet.

Một số cha mẹ do sợ thuốc có mùi, vị khó chịu nên chỉ pha oresol với một chút nước để trẻ dễ uống. Nhưng theo BS Khanh, đây là một việc hết sức nguy hiểm bởi oresol nếu được pha quá đặc sẽ vô tình khiến trẻ nạp thêm nhiều muối (natri) từ thuốc.

Hàm lượng muối trong máu quá cao sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm cho trẻ như co giật, hôn mê và thậm chí là các tổn thương não nguy hiểm, trẻ có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, nếu cha mẹ pha oresol quá loãng sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc. Vì vậy khi pha dung dịch bù điện giải cho trẻm cha mẹ cần tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

Ths.BS Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, oresol là loại thuốc giúp bù nước rất hiệu quả, được khuyến cáo cho những trường hợp trẻ bị mất nước và chất điện giải do tiêu chảy, sốt cao… Oresol được pha đúng và uống đúng cách sẽ giúp bù lại lượng nước đã mất, giúp trẻ phục hồi. Tuy nhiên, tình trạng trẻ nhập viện vào khoa Cấp cứu – Chống độc do pha oresol không đúng cách vì cha mẹ chủ quan, thiếu hiểu biết lại khá thường gặp.

Phù Dung

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/tre-bi-tieu-chay-uong-oresol-nhu-the-nao-de-khong-gap-phai-bien-chung-than-kinh-nguy-hiem-c21a291157.html