Trẻ bị chân tay miệng cần kiêng những gì để nhanh khỏi bệnh?

Để điều trị và phòng ngừa bệnh tay chận miệng ở trẻ, việc tuân thủ theo các chế độ ăn uống và kiêng kỵ là việc làm vô cùng cần thiết để bé nhanh chóng lành bệnh.

Tay chân miệng là một trong những căn bệnh khá phổ biến ở trẻ. Bệnh gây ra bởi một số vi khuẩn thuộc nhóm đường ruột, thường là virus Coxsackie A16 và virus đường ruột tuýp 71 (EV71). Trong đó virus EV71 có thể dẫn đến các biến chứng nặng, thậm chí gây tử vong.

Bệnh tay chân miệng có biểu hiện sớm là mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó, sẽ xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm trẻ khó ăn uống.

Bệnh chân tay miệng thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi do hệ miễn dịch của các bé còn non yếu. (Ảnh minh họa: Internet)

Thông thường, bệnh tay chân miệng sẽ bùng phát vào mùa xuân, hè và thu và bệnh có khả năng dẫn đến viêm màng não hoặc viêm não, viêm cơ tim và phù phổi. Do vậy, bố mẹ cần chú ý và phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh để chăm sóc cũng kiêng kỵ giúp con nhanh chóng lành bệnh.

Cách ly trẻ

Khi phát hiện con bị chân tay miệng, bố mẹ cần sớm cách ly con với những người xung quanh. Đồng thời, giữ vệ sinh, khử khuẩn môi trường xung quanh hạn chế khả năng lây truyền bệnh tạo ra ổ dịch. Bên cạnh đó, cần có một chế độ chăm sóc phù hợp để bé hồi phục sức khỏe nhanh chóng.

Không cho trẻ ăn thức ăn đặc, cay nóng

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng đầy đủ để sức đề kháng chống chọi với bệnh tật của con tốt hơn thì bố mẹ không nên cho bé ăn đồ ăn đặc hoặc cay nóng vì sẽ khiến miệng con bị đau rát, khó chịu. Các loại thực phẩm chua nhiều axit như cam, chanh cũng nên hạn chế. Bởi những cơn đau sẽ gây ra tâm lý sợ hãi, bỏ ăn khiến sức khỏe của bé suy giảm.

Mẹ không nên cho bé ăn đồ đặc, cay và nóng. (Ảnh minh họa: Internet)

Do vậy, bố mẹ nên nấu mềm thức ăn và để nguội rồi mới cho bé ăn. Sau khi ăn, súc miệng trẻ sạch sẽ và để nghỉ ngơi (nhịn hoàn toàn) trong 3 – 4 giờ, rồi mới cho ăn bữa khác. Bên cạnh đó, cho con uống thêm khoáng chất và vitamin theo chỉ định của bác sĩ.

Không kiêng nước

Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, bố mẹ vẫn nên tắm gội cho bé bình thường bằng nước ấm ở những nơi kín gió và sử dụng xà phòng sát khuẩn. Nhẹ nhàng lau rửa cho con để không làm vỡ các bọng nước. Việc này sẽ góp phần hạn chế sự phát triển của vi khuẩn mang bệnh.

Không cho trẻ dùng chung đồ chơi, đồ ăn

Bố mẹ tuyệt đối không cho trẻ chơi chung đồ chơi với các bé khác để phòng tránh lây lan bệnh. Khi bé mẹ chân tay miệng cũng không nên ngậm đồ chơi hay núm vú cao su. Đồng thời, những thứ đồ chơi và muỗng, chén của bé phải rửa sạch mỗi ngày và không nên cho trẻ chơi chung, ăn chung với những trẻ khác, tránh việc lây lan bệnh sang những đứa trẻ khác.

Khi trẻ bị chân tay miệng, bố mẹ cần đảm bảo cho con một chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để bé nhanh chóng khỏi bệnh. (Ảnh minh họa: Internet)

Không ép trẻ ăn

Không nên ép trẻ ăn vì điều đó sẽ gây nên tâm lý sợ ăn ở bé. Thay vào đó có thể cho con uống sữa hoặc ăn sữa chua để bù lại. Đồng thời, bố mẹ nên cho con ăn thêm nhiều hoa quả trái cây để tăng cường vitamin. Với trẻ sơ sinh đang bú mẹ thì cần cho bé bú thành nhiều lần trong ngày.

Nam Phong (TH)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/tre-bi-chan-tay-mieng-can-kieng-nhung-gi-de-nhanh-khoi-benh-c21a293593.html