Trẻ bị bỏ quên trong xe ô tô đối diện với nguy cơ sốc nhiệt, nguy kịch

Trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô thì nguy cơ sốc nhiệt cao. Bởi vì, trong môi trường bị đóng kín, nhiệt độ trong xe ô tô tăng cao, sự tích lũy nhiệt trong ô tô rất lớn và rất nhanh…

Cháu bé 19 tháng tuổi bị bỏ quên trên xe ô tô đã qua cơn nguy kịch

Cháu bé 19 tháng tuổi bị bỏ quên trên xe ô tô đã qua cơn nguy kịch

Liên tiếp phát hiện trẻ bị bỏ quên trên ô tô

Khoảng 12 giờ trưa ngày 8/6, khi bé trai 19 tháng tuổi ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc đang chơi trên ôtô thì bố mẹ khóa sập cửa xe. Lúc đó, ôtô không nổ máy, để dưới ánh nắng ngoài trời khoảng hơn 40 độ C. Sau khoảng hơn 2 tiếng, gia đình không thấy cháu đâu mới đi tìm thì tá hỏa phát hiện cháu đang nằm vật trong ôtô, rơi vào hôn mê.

Gia đình đã lập tức đưa cháu đến trung tâm y tế huyện cấp cứu sau đó được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Sau nỗ lực cứu chữa, hiện cháu bé đã qua cơn nguy kịch…

Sự việc khiến dư luận chưa hết bàng hoàng thì ngày 10/6, lãnh đạo trường Tiểu học Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xác nhận thông tin một học sinh lớp 4 của trường cũng bị tài xế bỏ quên trên xe ô tô đưa đón.

Vụ việc xảy ra vào khoảng 7h20 sáng 9/6, nhà trường nhận được tin báo của người dân địa phương về việc phát hiện học sinh này bị bỏ quên trên xe ô tô BKS 29B-061… do em này đã ngủ quên nhưng không thấy ai gọi dậy. Khi tỉnh dậy, thấy bị nhốt trong xe học sinh này đã tự đập cửa, nhờ người dân gần đó hỗ trợ đưa ra ngoài.

Dường như câu chuyện bỏ quên trẻ trên xe ô tô không còn là “hiếm gặp”. Trước đó, một học sinh trường Gateway cũng đã được cơ quan điều tra kết luận tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô sau nhiều giờ đồng hồ. Đây là điều vô cùng nguy hiểm, đặc biệt dưới thời tiết nắng nóng như hiện nay.

Trẻ rất dễ bị sốc nhiệt

GS, TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai từng khuyến cáo trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô thì nguy cơ sốc nhiệt được đặt lên hàng đầu.

Chiếc xe nơi học sinh lớp 4 trường Tiểu học Nam Từ Liêm bị bỏ quên

Bởi vì, trong môi trường bị đóng kín, nhiệt độ trong xe ô tô tăng cao, sự tích lũy nhiệt trong ô tô rất lớn và rất nhanh, vì vật liệu của xe bằng sắt, các dụng cụ bằng ghế da màu đen. Dù xe có được dán kính cách nhiệt nhưng vẫn hấp thụ nhiệt.

Đặc biệt các tế bào trong cơ thể cần có môi trường nhiệt độ nhất định, duy trì khoảng 37 độ C. nếu quá giảm dưới 35 độ C hoặc hơn 39 độ C sẽ ảnh hưởng tới chuyển hóa của các tế bào. Khi nhiệt độ tăng cơ thể đào thải nhiệt bằng cách bay hơi nước qua mồ hôi hoặc qua đường thở, hơi nước bay đi sẽ mang theo một lượng nhiệt làm giảm nhiệt độ toàn thân, ngược lại khi bị hạ thân nhiệt cơ thể sẽ co mạch ngoại vị, run … để giữ lại nhiệt cho cơ thể.

Theo đó, sốc nhiệt là khi nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 39-40 độ. Lúc này cơ chế điều hòa nhiệt không còn tác dụng, cơ thể sẽ mệt, mất nước, cô đặc máu, sốc, rối loạn đông máu dẫn đến rối loạn chuyển hóa trong tế bào ở tất cả các cơ quan.

Tương tự, Bác sĩ Nguyễn Văn Huy- Trưởng khoa Cấp cứu- Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc) cũng cảnh báo, đối với xe ôtô dù loại nào và có khởi động hay không khởi động thì khi không có người lớn ở cùng, tuyệt đối không để trẻ ở trong xe một mình.

Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng vừa qua, các bậc phụ huynh cần hạn chế cho trẻ chơi ngoài trời, đi lại ngoài nắng nóng vì rất dễ bị say nắng, say nóng (sốc nhiệt).

Khi gặp trường hợp trẻ bị lơ mơ, hôn mê do ở trong xe ôtô lâu, cần đưa trẻ ngay ra nơi mát, thoáng gió. Sau đó, nếu uống được thì cho trẻ uống nước điện giải, cần hạ thân nhiệt bằng cách chườm mát bằng khăn ướt, nới rộng quần áo để thoáng khí. Nếu ở nhà có thuốc hạ sốt (paracetamol) thì cho trẻ uống để hạ sốt trước mắt.

Trường hợp trẻ không uống được có thể đặt hậu môn cho trẻ theo liều lượng quy định. Điều quan trọng nhất, theo BS Huy là phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Huyền Anh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/tre-doi-dien-nhung-nguy-co-gi-khi-bi-bo-quen-tren-o-to-254906.html