Trẻ bị bạo lực bởi người thân, Chủ tịch xã sẽ ra quyết định tạm thời cách ly trẻ

Chủ tịch UBND cấp xã nơi trẻ em bị xâm hại, bạo lực ra quyết định tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và bố trí nơi tạm trú an toàn trong vòng 12 giờ.

Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật trẻ em 2018, quy định hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bở rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp xã nơi trẻ em bị xâm hại, bạo lực có thẩm quyền ra quyết định tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và bố trí nơi tạm trú an toàn và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế trong vòng 12 giờ.

Về kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Nghị định 56 quy định: Sau khi đánh giá ban đầu về nguy cơ và mức độ tổn hại của trẻ em, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã thực hiện hoặc yêu cầu Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em và các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hỗ trợ thực hiện việc thu thập thông tin, đánh giá nguy cơ cụ thể.

Dạy trẻ em các kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo lực.

Dạy trẻ em các kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo lực.

Theo đó, cần đánh giá tình trạng thể chất, tâm lý, tình cảm của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ của trẻ em và năng lực bảo vệ trẻ em của cha, mẹ, các thành viên trong gia đình. Các yếu tố làm trẻ em có thể bị xâm hại hoặc tiếp tục bị xâm hại hoặc các yếu tố dẫn đến trẻ em tiếp tục rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Điều kiện, khả năng học tập và khả năng tự bảo vệ của trẻ em. Mức độ an toàn và khả năng hỗ trợ của cộng đồng dân cư nơi trẻ em sinh sống. Nhu cầu chăm sóc y tế, chữa trị các tổn hại về thể chất và tinh thần của trẻ em; nhu cầu trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác. Ý kiến, nguyện vọng của trẻ em được hỗ trợ, can thiệp. Ý kiến, nguyện vọng của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em trừ trường hợp cha, mẹ, người chăm sóc là người gây tổn hại cho trẻ em.

Nghị định 56 cũng quy định, trường hợp trẻ em cần được áp dụng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp, Chủ tịch UBND cấp xã chủ trì cuộc họp với các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, đại diện địa bàn dân cư nơi trẻ em cư trú, sinh sống hoặc nơi xảy ra vụ việc, cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em để xác định các biện pháp bảo vệ trẻ em.

Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp cần căn cứ mức độ tổn hại và nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em, trong thời hạn 5 ngày làm việc, trừ trường hợp khẩn cấp, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trình Chủ tịch UBND xã phê duyệt. Hồ sơ trình Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp bao gồm: Báo cáo tiếp nhận thông tin trẻ em và đánh giá nguy cơ ban đầu về tình trạng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Báo cáo thu thập thông tin, đánh giá nguy cơ cụ thể tình hình trẻ em, biên bản cuộc họp xác định nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em; Dự thảo Quyết định phê duyệt và kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

Kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm: Các dịch vụ, công việc cần thực hiện, thời điểm bắt đầu và dự kiến kết thúc; Phân công trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn cấp xã thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp; Các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cần huy động cung cấp dịch vụ cụ thể; Dự toán kinh phí cho từng dịch vụ, công việc.

Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trong thời hạn 2 ngày làm việc trừ trường hợp khẩn cấp.

Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trực tiếp thực hiện một số hoạt động hỗ trợ, can thiệp và chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp cho trẻ: Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các dịch vụ, hoạt động hỗ trợ, can thiệp; Kết nối dịch vụ hoặc yêu cầu sự hỗ trợ của cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em các cấp, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ngoài địa bàn; Vận động cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia hỗ trợ.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, cơ quan công an, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em tham gia thực hiện, hỗ trợ việc thực hiện kế hoạch. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã.

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em có trách nhiệm giới thiệu, kết nối các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cần thiết trong trường hợp cấp tỉnh không có dịch vụ hoặc theo đề nghị của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã.

Trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp, Nghị định 56 cũng quy định rõ trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cơ quan công an, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nghị định 56 cũng quy định những trường hợp trẻ em tạm thời cách ly khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế. Việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế thực hiện đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp hoặc trẻ em bị xâm hại có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em. Những trường hợp trên, Chủ tịch UBND xã nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra xâm hại, bạo lực có thẩm quyền ra quyết định tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và bố trí nơi tạm trú an toàn và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế trong vòng 12 giờ tính từ thời điểm tiếp nhận thông tin.

Thời hạn tạm thời cách ly được quyết định căn cứ vào đánh giá nhu cầu và môi trường an toàn của trẻ em, được gia hạn, nhưng thời hạn cách ly tối đa không quá 15 ngày trừ trường hợp phải tiếp tục cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em được đánh giá bảo đảm điều kiện an toàn cho trẻ em thì Chủ tịch UBND cấp xã hủy bỏ quyết định tạm thời cách ly. Trẻ em được tạm thời cách ly khẩn cấp khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần được thực hiện ngay việc giao chăm sóc thay thế trước khi thực hiện các thủ tục nhận chăm sóc thay thế.

KHÁNH VÂN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tre-bi-bao-luc-boi-nguoi-than-chu-tich-xa-se-ra-quyet-dinh-tam-thoi-cach-ly-tre-d83590.html