Trẻ 'ăn vạ' không chịu học vì bị cắt tiền thưởng

Năm ngoái, để khuyến khích con học, anh Phạm Tiến Minh (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) treo phần thưởng cho con bằng cách mỗi điểm 9 được 50 nghìn đồng, mỗi điểm 10 được 100 nghìn đồng. Đúng là khi có tiền, cô con gái học tiến bộ hẳn. Thế nhưng, năm học này, khi không được nhận tiền, cô con gái 'ăn vạ' không chịu học.

 Ảnh minh họa không phải nhân vật trong bài

Ảnh minh họa không phải nhân vật trong bài

Thấy cô con gái lớp 6 ham chơi, lúc nào cũng học quýnh quáng cho xong, anh Minh liền treo thưởng đạt điểm cao thì thưởng tiền. Ở tuổi cần tiền để mua nhiều thứ nên Bống (con gái anh Minh) rất hào hứng với phần thưởng này. Cô bé học chăm chỉ, chịu khó hẳn lên. Số điểm cao của Bống nhiều hẳn. Chỉ sau vài tháng, cô bé đã thoát ra khỏi top dưới của lớp và vươn lên top giữa.

Thấy con gái tiến bộ từng ngày, anh Minh vô cùng mừng rỡ. Anh cảm thấy việc dùng tiền để tạo động lực cho con học là rất đúng đắn. Khi con lên lớp 7, anh Minh tuyên bố sẽ dừng việc thưởng tiền cho con. Thế nhưng, từ ngày bố không thưởng tiền, Bống không chăm chỉ học nữa. Cô bé học nhanh nhanh chóng chóng cho xong bài còn vào mạng xã hội. Những thú vui ấy hấp dẫn Bống hơn việc học rất nhiều.

Việc treo phần thưởng cho con học không hiếm gặp ở các gia đình. Chị Hoàng Mai Phương (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) giờ cũng phải nhận hậu quả khi con gái lớp 3 chỉ đồng ý học bài nếu mẹ thưởng cho thứ gì đó. Chị Phương cho biết, khi con bắt đầu đi học, chị thường thưởng sticker khen ngợi con. Những sticker ấy đều được đổi bằng hiện vật như đồ ăn hay món đồ mà con yêu thích. Giờ lên lớp 3, mỗi lần học, con lại ra điều kiện với mẹ. Nếu không được mẹ đáp ứng, con giãy nảy không chịu học.

Giống như anh Minh, chị Phương, phần thưởng mà nhiều bố mẹ dành cho con khi con học chăm chỉ, khi con đạt kết quả tốt thường là những phần thưởng vật chất. Nhiều bố mẹ không sử dụng phần thưởng cảm xúc để khen ngợi con. Đó có thể là lời khen, là nụ cười rạng rỡ. Những phần thưởng thuộc về cảm xúc rất quan trọng. Khi học được thứ gì đó mới mẻ, ta sẽ có cảm giác như mình thông minh hơn, chăm tập thể thao sẽ khiến ta cảm thấy bản thân khỏe mạnh hơn. Giúp đỡ người khác xong, tâm trạng của ta cũng trở nên dễ chịu. Nói chuyện với người bạn giàu tình cảm, ta thấy lòng ấm lại. Tất cả những điều này đều là phần thưởng về mặt cảm xúc.

Bởi vậy, nếu trẻ chỉ có thể cảm nhận niềm vui khi thực sự có được món đồ chơi thì sẽ trở thành vấn đề. Bố mẹ phải giúp con kết nối niềm vui và cảm xúc tự hào, ý nghĩa khi làm tốt một việc nào đó. Bố mẹ hãy dành cho con phần thưởng cảm xúc thông qua những lời khen ngợi, đồng thời kết hợp với những phần thưởng vật chất. Khi đó, con sẽ không dừng lại ở những phần thưởng vật chất mà còn hình thành động lực để làm tốt hơn, khao khát phát triển bản thân.

Vì sức hút của phần thưởng vật chất khá lớn nên phụ huynh cần thường xuyên nói với con rằng với bố mẹ, phần thưởng vật chất là những thứ nhỏ nhoi, điều quan trọng nhất chính là phần thưởng cảm xúc. Có như vậy, trẻ mới không bị sa vào "cơn nghiện phần thưởng". Khi đem phần thưởng ra để làm mục tiêu cho con hoàn thành một việc gì đó, dường như bố mẹ chỉ tập trung vào việc phán xét con có đạt được không như một vị giám khảo.

Bố mẹ phải là những huấn luyện viên, luôn ở bên hỗ trợ quá trình trưởng thành của con, cùng chia sẻ cảm xúc, cùng chung niềm vui với con chứ không phải là người đánh giá, đem phần thưởng vật chất ra để dẫn dụ con.

Gia Linh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tre-an-va-khong-chiu-hoc-vi-bi-cat-tien-thuong-20201005192257206.htm