Trẻ 1 tuổi đã phải đóng 960.000 đồng xây dựng nông thôn mới

Người dân cho rằng thôn yêu cầu đóng góp 960.000 đồng/người áp dụng từ trẻ 1 tuổi đến người già 72 tuổi để xây dựng nông thôn mới là không phù hợp.

Người dân thôn Mỹ Lợi, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phản ánh việc cán bộ thôn yêu cầu đóng 960.000 đồng/người, áp dụng từ trẻ 12 tháng đến cụ già 72 tuổi, để xây dựng nông thôn mới là quá cao và thiếu hợp lý, nhiều người dân mong chủ trương được điều chỉnh lại.

Cố gom góp tiền để nộp

Cuối tháng 2, ông Nguyễn Văn Lừng, Trưởng thôn Mỹ Lợi (xã Kỳ Sơn), tổ chức họp thôn và đưa ra ý kiến về việc xây dựng đoạn đường liên thôn dài hơn 500 m cạnh khu vực UBND xã. Việc xây dựng theo hình thức Nhà nước hỗ trợ xi măng, phần kinh phí còn lại do người dân đóng góp.

Tuyến đường liên thôn dài hơn 500 m của thôn Mỹ Lợi đang được triển khai xây dựng. Ảnh: Phạm Trường.

Tuyến đường liên thôn dài hơn 500 m của thôn Mỹ Lợi đang được triển khai xây dựng. Ảnh: Phạm Trường.

Sau khi tính toán, ban cán sự thôn dự toán kinh phí làm đường hơn 1 tỷ đồng, trừ khoản hỗ trợ đã có, thôn còn thiếu hơn 700 triệu đồng. Số tiền này sau đó được chia đều cho 238 hộ dân với hơn 650 nhân khẩu, mỗi người sẽ đóng mức tiền 960.000 đồng, chỉ miễn giảm cho trẻ dưới 1 tuổi và người già trên 72 tuổi.

Cho rằng khoản đóng góp xây dựng nông thôn mới quá lớn, đặc biệt với những hộ đông con trong tuổi đến trường, nhiều người mong chủ trương thay đổi để có mức đóng phù hợp.

“Thực sự 960.000 đồng/người để xây dựng nông thôn mới là quá cao. Những gia đình đông con sẽ rất khó khăn vì các cháu đều ở độ tuổi đến trường, kinh tế gia đình không phải là khá giả”, một người dân cho hay.

Anh Nguyễn Văn Tình (45 tuổi, thôn Mỹ Lợi, đã đổi tên) cho biết gia đình có 5 người con, cả vợ chồng là 7 nhân khẩu, với suất đóng thôn đề ra thì vợ chồng anh phải gom gần 7 triệu đồng để nộp tiền làm đường và công trình nông thôn mới.

“5 đứa con tôi đều đang trong độ tuổi đi học thì lấy đâu ra tiền để đóng, hai vợ chồng làm lụng khắp cũng chưa đủ tiền ăn học cho lũ nhỏ, giờ mà thế này không biết làm sao có thể gánh nổi”, anh Tình lo lắng.

Người đàn ông 45 tuổi cho biết từng nhiều lần đóng tiền làm đường nông thôn, song đây là lần đầu tiên thôn đưa ra mức đóng cao đến vậy.

Ông Nguyễn Văn Lừng, Trưởng thôn Mỹ Lợi, xã Kỳ Sơn. Ảnh: Phạm Trường.

Họ cho rằng mức tiền đóng nộp theo chủ trương của thôn là quá cao song không dám phản đối trong các cuộc họp thôn mà cố gom góp tiền để nộp vì nếu không nộp sợ cán bộ xã gây “khó dễ” khi làm các thủ tục, chứng nhận giấy tờ khi cần.

"Trẻ em lớn lên cũng được hưởng"

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Lừng, Trưởng thôn Mỹ Lợi (xã Kỳ Sơn) khẳng định thôn đang triển khai làm tuyến đường mẫu là trục chính của thôn và một số tuyến đường nhỏ, nhà văn hóa, khu tưởng niệm nên việc đóng nộp là điều bình thường.

Việc bắt buộc người dân đóng nộp khoản phí 960.000 đồng/người là chính sách của thôn và đã được UBND xã Kỳ Sơn cũng như người dân thông qua, đồng ý.

“Thôn tổ chức 4 lần họp các cụm trưởng cụm dân cư rồi đến họp toàn thôn, dân họ đều thống nhất nên triển khai. Ban cán sự thôn hạch toán các khoản chi phí, sau đó chia bình quân cho nhân khẩu trong thôn, trừ người già trên 72 tuổi và trẻ em dưới 1 tuổi, mỗi nhân khẩu phải nộp 960.000 đồng”, ông Lừng khẳng định.

Vị trưởng thôn cho hay khoản phí này sẽ được thu trong 3 đợt, hiện các cụm trưởng đang bắt đầu thu tiền. Việc thu tiền sẽ có ghi danh sách, còn hóa đơn thì có thể có hoặc không.

Ông Hồ Sỹ Quý, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn, cho biết theo lộ trình, tháng 10/2019 xã sẽ về đích nông thôn mới. Thôn Mỹ Lợi được chỉ định xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Việc thu 960.000 đồng/người cũng thực tế, tuy nhiên cao hơn so với năm trước vì có thêm một số công trình xuống cấp phải sửa chữa.

Trụ sở UBND xã Kỳ Sơn. Ảnh: Phạm Trường.

“Các khoản đóng đều được bàn bạc với người dân và mức tiền này được chia thành 3 đợt, thu trong 2 năm. Xã cũng đồng tình với chủ trương này của thôn. Vì điều kiện ngân sách của xã khó khăn nên vận động bà con nhân dân đóng”, ông Quý nói.

Ông Quý cho rằng việc áp dụng mức thu đồng đều đối với trẻ em và người già, mỗi thôn áp dụng mỗi khác chứ xã không áp đặt. Làm công trình thì dân thụ hưởng, các cụ quá sức lao động thì chỉ một số cụ khó khăn, còn trẻ em khi lớn lên sẽ được hưởng.

Ông Phạm Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, cho biết chưa nắm được thông tin về chủ trương trên và hứa sẽ cử cán bộ phòng chuyên môn xuống kiểm tra, xem xét tính hợp lý trong việc huy động tiền từ nhân dân.

Phạm Trường

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tre-1-tuoi-da-phai-dong-960-000-dong-xay-dung-nong-thon-moi-post931840.html