'Trâu nước' - vật nuôi phổ biến nhất hành tinh

Trâu nước là loài động vật có nguồn gốc từ Đông Nam Á và gắn bó với người nông dân. Bên cạnh những đặc tính quen thuộc, có lẽ, không ít người sẽ bất ngờ trước những điều thú vị về loài vật này.

Trâu nước có cùng tổ tiên với cá voi lưng gù.

Trâu nước có cùng tổ tiên với cá voi lưng gù.

Bên bờ vực… tuyệt chủng

Tên gọi chung “trâu nước” mô tả 5 loài khác nhau trong chi Bubalus, có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Mặc dù, trâu nước có thể là một trong những loài vật nuôi phổ biến nhất trên hành tinh, nhưng những người “anh em” hoang dã của chúng đều đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng.

“Họ hàng” hoang dã của trâu bao gồm một số loài được coi là nhỏ nhất thế giới: Trâu Anoa, trâu rừng Philippines và trâu núi.

Thuật ngữ “trâu nước” được sử dụng không thích hợp để mô tả trâu rừng châu Phi. Loại trâu này hung tợn và có thể giết nhiều người mỗi năm bởi cặp sừng khổng lồ. Trong khi đó, trâu nước có một mảng lông giữa hai chiếc sừng lớn. Trong khi trâu rừng châu Phi di chuyển theo đàn, trâu nước dễ dàng thích nghi với điều kiện nhiệt đới ẩm của Đông Nam Á.

Trâu nước dành khá nhiều thời gian ở dưới nước. Do bản tính hiền lành, trâu nước đã được thuần hóa khoảng từ 5.000 năm trước. Trâu nước hoang dã (Bubalus arnee) là họ hàng gần nhất của trâu nước thuần hóa. Tuy nhiên, loài động vật này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tới nay, trâu nước hoang dã chỉ còn vài nghìn cá thể.

Trong điều kiện nuôi nhốt, trâu cái cần mang thai gần một năm - 330 ngày! Nghé con mất 3 năm để trưởng thành về mặt giới tính. Nông dân ở nhiều nước châu Á dễ dàng sử dụng trâu nước để cày ruộng, mang vác nặng và làm các công việc nông nghiệp cơ bản khác.

Trong khi trâu rừng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, trâu nước không hề gặp tình trạng tương tự. Giống như các loài vật nuôi khác, trâu nước đã thay đổi qua hàng nghìn năm tiến hóa. Mặc dù có một số đặc điểm giống đồng loại hoang dã, nhưng do bản tính hiền hơn, trâu nước là người bạn của nhiều nông dân trên khắp các khu vực châu Á và Trung Đông.

Trâu nước không chỉ là nguồn cung cấp lương thực cho con người, mà còn là nguồn sức mạnh - tài sản to lớn trong việc cày ruộng, vận chuyển người và hoa màu. Nhờ những đặc tính này, trâu nước được gọi là “máy kéo của phương Đông”.

Đối với những người nông dân nghèo ở Việt Nam, trâu nước vô cùng quý giá và được coi trọng. Chúng thường được coi như thành viên trong gia đình. Người dân Việt Nam có câu: “Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”.

Trâu nước có bộ lông xám, ngắn và cứng. Trong tự nhiên, trâu nước cao trung bình khoảng hơn 2m và nặng khoảng 1.100 kg. Tuy nhiên, những con trâu được nuôi có kích thước nhỏ hơn. Trâu nước được biết đến là loài có tốc độ vô cùng nhanh trong trường hợp bị đe dọa. Chúng có thể đạt tốc độ trung bình là hơn 48 km/giờ. Tốc độ này chỉ chậm hơn một chút so với một trong những kẻ săn mồi “khét tiếng” - hổ.

Điều đặc biệt là, loài vật này sở hữu hàm trên mà... không có răng. Các nhà khoa học đã nghiên cứu lịch sử tiến hóa cách đây hơn 20 triệu năm ở loài trâu và bò cũng như các loài nhai lại. Theo đó, hàm răng trên của chúng đã dần biến thành một tấm đệm tạo bởi một chất sừng rất cứng. Nhờ đó, các răng của hàm dưới dễ dàng cọ xát, chà xát, nghiền nát lá hay cỏ trong giai đoạn nhai lại.

Bởi, trâu có dạ dày 4 ngăn. Điều đó cho phép chúng tiêu hóa và hấp thụ các loại thức ăn nghèo dinh dưỡng, trong đó chủ yếu là những loại cỏ mềm. Không có động vật bậc cao nào có thể trực tiếp tiêu hóa xenluloza. Tuy nhiên, các loài họ trâu bò có thể. Chúng dựa vào các vi sinh vật trong dạ dày để phân hủy xenluloza bằng cách lên men.

Chính vì vậy, trâu tuân thủ quy luật thích nghi môi trường sống. Và, các răng nanh, răng cửa của hàm trên dần biến mất. Ngoài ra, các răng hàm của trâu có dạng móc (dạng liềm) và cách biệt với các răng phía trước bằng một khoảng hở rộng (kẽ răng).

Ngay cả cách lông trâu mọc trên da cũng có ý nghĩa đối với người Việt Nam. Nếu lông mọc đều, tạo thành hình đối xứng trên mình trâu, điều đó tượng trưng cho sự may mắn và sức khỏe tốt.

Những điều gây ngạc nhiên

Trâu nước không chỉ là một sinh vật hiền hòa từ châu Á, mà còn là ví dụ hoàn hảo cho một số khái niệm sinh học quan trọng. Trâu nước dường như không liên quan gì đến cá voi lưng gù. Đáng ngạc nhiên, chúng đều là loài có bộ móng chẵn.

Artiodactyla - còn được gọi là “Động vật có móng chẵn” - bao gồm tất cả các loài có móng guốc từ trâu bò, lợn đến lạc đà không bướu. Bằng chứng ADN và các đặc điểm hình thái ở cá voi và cá heo cho thấy, những loài động vật có vú này có cùng tổ tiên với trâu nước cũng như sinh vật có móng khác.

Trong khi sự phân chia xảy ra hàng triệu hoặc hàng trăm triệu năm trước, cá voi ban đầu là loài vật bốn chân trên cạn. Tuy nhiên, sau nhiều năm, trâu nước vẫn là loài vật chủ yếu ở trên mặt nước để tận hưởng thảm thực vật phong phú.

Chắc hẳn, hình ảnh thường thấy của trâu nước là khi chúng hoàn toàn chìm trong bùn. Hành động này xuất hiện ở nhiều loại động vật bao gồm lợn, voi, trâu nước và nhiều loài khác. Thông thường, hành vi này được cho là phục vụ nhiều mục đích.

Đầu tiên, bùn đóng vai trò như một rào cản vật lý để bảo vệ trâu nước không bị côn trùng cắn. Côn trùng cắn không chỉ mang nhiều bệnh mà còn gây ngứa và viêm.

Ngoài ra, bùn ướt giúp giảm tác động của cái nóng tại vùng nhiệt đới. Trâu nước sẽ lăn trong bùn, tự phủ bùn lên mình một cách hiệu quả. Khi nước bốc hơi khỏi bùn, phần bùn còn lại sẽ nguội bớt. Ngoài ra, bùn cũng giúp da trâu tránh được ánh nắng trực tiếp. Điều này bảo vệ trâu khỏi hơi nóng và tác hại của tia cực tím.

Một điều thú vị khác là phô mai mozzarella được làm từ sữa trâu. Món ăn này nổi tiếng đến mức, không ít nhà hàng pizza và mì Ý tại Việt Nam sử dụng loại phô mai được sản xuất từ loài vật nuôi trong nước này.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/trau-nuoc-vat-nuoi-pho-bien-nhat-hanh-tinh-gv8dPUYMR.html