Trâu núi - biểu tượng sức mạnh của đồng bào Cơ Tu

Khác với nhiều dân tộc gắn bó với nghề nông và văn minh lúa nước ở vùng đồng bằng hoặc đồi thoải bậc thang, các dân tộc Tây Nguyên không coi con trâu là 'đầu cơ nghiệp'. Với họ, con trâu đen bóng, nở nang; bộ sừng trâu khỏe khoắn, cân đối là biểu tượng của sức mạnh, mang nỗi khát khao chế ngự thiên nhiên, khẳng định bản lĩnh trai tráng giữa đại ngàn.

Bậc cửa khắc hình con trâu ở nhà Gươl của người Cơ Tu trên đại ngàn Tây Nguyên. Ảnh: Thụy Văn

Bậc cửa khắc hình con trâu ở nhà Gươl của người Cơ Tu trên đại ngàn Tây Nguyên. Ảnh: Thụy Văn

Nguyên bản Lễ hội đâm trâu của người Cơ Tu bao gồm rất nhiều nghi lễ thiêng liêng chồng lớp lên nhau. Trong mỗi cộng đồng Cơ Tu, không phải lúc nào Lễ hội đâm trâu cũng được diễn ra một cách tùy tiện. Thời gian gần đây, không gian đời sống của các bản làng Tây Nguyên bị xâm phạm, chiều sâu văn hóa không còn giữ được, người ta hiểu sai và làm sai đi Lễ hội đâm trâu.

Lẽ ra, Lễ hội đâm trâu chỉ được tổ chức ở cộng đồng, mang tính tập thể và tổ chức vào các dịp lễ quan trọng, khi săn bắn được đàn thú rừng lớn, trúng vụ mùa... chứ không phải được tổ chức ở các gia đình, nhân dịp người ta nổi hứng... ăn nhậu, hay là mừng thôi nôi, mừng tân gia. Vì vậy, gần đây, Lễ hội đâm trâu bị lược bỏ phần văn hóa, chỉ còn phần phô diễn bản năng của con người, nó trở nên thô tục và ghê sợ, khiến người ta lên án đòi triệt tiêu. Vậy con trâu trong đời sống Cơ Tu có phải đơn thuần chỉ là thực phẩm, là gia súc, là vật hiến tế hay không?

Ông Zơ Râm Nu - một người dân sống lâu năm cạnh căn nhà Gươl rất đẹp của dân tộc Cơ Tu ở bản Tr’Hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đưa chúng tôi đi thăm thú bản làng và giảng giải về phong tục đâm trâu của dân tộc mình. Bản thân ông năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng những dịp được tham dự một Lễ hội đâm trâu đúng nghĩa không nhiều.

Từ khi người Cơ Tu không còn săn bắn thú rừng thì Lễ hội đâm trâu cũng không còn được tổ chức thường xuyên nữa, chỉ diễn ra trong ngày lễ, Tết. Là một dân tộc tựa lưng vào đại ngàn, săn được thú lớn và chế ngự được tự nhiên hoang dã là niềm tự hào của họ.

Sau nhiều năm, đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang, Quảng Nam được sắp xếp ổn định cuộc sống, bảo vệ cánh rừng nguyên sinh với những cây pơmu lớn, văn hóa đời sống của họ có phần thay đổi. Đó là một sự đánh đổi, thay vì bám trụ ở các khu đất có nguy cơ trượt lở, ở trong khu bảo tồn rừng, hoặc ven suối chảy thì họ đồng thuận di dời về sống tập trung ở các thung lũng.

UBND huyện Tây Giang quyết tâm sắp xếp lại các bản Cơ Tu thành từng cụm dân cư sát nhau đi kèm các thiết chế văn hóa. Trên một khu đất phẳng và các bản thực hiện xây dựng nông thôn mới theo phương án dồn lại nguồn lực và luân phiên nhau. Vì vậy, mỗi bản Cơ Tu bây giờ đều có một nhà Gươl ở giữa bản. Chỉ có một điều không thay đổi được là những ngôi nhà Guơl dù cũ, dù mới đều có khắc hình con trâu ở bậc cửa.

Những đứa trẻ Cơ Tu lớn lên ở bản đều có cả tuổi thơ lê la, vui đùa bên cái bậc cửa ấy. Chúng ngồi trên sừng trâu để ăn uống, vui đùa, bám vào những chiếc sừng cong nhô ra ở góc nhà để đu đưa. Nếu để ý sẽ thấy bậc cửa và hình khắc trâu càng mòn, chứng tỏ căn nhà Guơl đã dựng khá lâu và bản làng đã định cư lâu đời ở đây. Vẻ đẹp mỹ thuật của hình cong sừng trâu được sử dụng hầu hết ở các hình khắc và vì kèo, đầu cột và hai mái của nhà Gươl.

Phía bên trong ngôi nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng này còn có các tấm khắc và vẽ ở 4 bên cột nhà, đều có hình khắc vẽ lễ đâm trâu, hoặc hình vẽ con trâu, mặc dù người Cơ Tu không phải cộng đồng người gắn bó với nông nghiệp lúa nước. Thế hệ người Cơ Tu bây giờ chỉ hiểu phần nào ý nghĩa những hình khắc đó, nhưng chính họ dùng nó như một quy tắc cộng đồng khiến nó trở nên quen thuộc, trở thành mã văn hóa Cơ Tu.

Đôi lúc, hình ảnh con trâu được dùng như biểu tượng giá trị vật chất, của cải, được dùng như sính lễ, nguồn thực phẩm dự trữ, vật nuôi thể hiện sự giàu có. Lúc này, con trâu có thể coi là con vật trung gian, là sứ giả đại diện, là vật hiến tế. Nếu trâu được dùng trong lễ cầu mùa, cầu mưa thì xem như lễ vật để cúng tế thần linh. Lễ hội đâm trâu hằng năm vào mùa trỉa lúa và trước hết phải cúng Yang (trời), sau đó, cả làng bản mới cùng nhau nhảy múa quanh con trâu đã bị cột vào cọc.

Những người có công với cộng đồng mới được cho trâu uống nước, rồi đánh dấu vòng tròn tâm trên mình trâu và cũng là người đứng ra chia phần thịt cho tất cả mọi người. Con trâu không chỉ là hình ảnh sức mạnh mà còn là biểu tượng của đoàn kết, đồng lòng và tính tập thể của làng bản các dân tộc. Dân tộc Cơ Tu có điệu hát lý (dân ca Cơ Tu) khóc trâu, tiễn trâu sau khi nghi lễ đâm trâu kết thúc. Con trâu được hóa kiếp để đi gặp thần linh, cầu xin sự no ấm, bội thu. Vì vậy, nghi lễ đâm trâu là một chuỗi các lễ cúng, hiến tế, đối thoại với thần linh một cách kính cẩn.

Bản Tr’hy được mùa lúa rẫy. Ảnh: Thụy Văn

Cùng một hình tượng con trâu trong đời sống, nhưng những dân tộc làm lúa nước và sống cùng đại ngàn rừng sâu lại có cách sử dụng hình tượng này vào đời sống khác nhau. Dân tộc La Chí sống tại Hà Giang lại dùng trâu hiến tế và bắt buộc phải giết trâu trong lễ tang người thân. Con cái phải báo hiếu bố mẹ bằng việc tế trâu trong lễ ma khô (lễ cúng chay sau lễ tang) và sau đó bêu bộ xương sọ trâu lên cọc trên mộ cho đến khi bộ xương tiêu tán đi và không ai xâm phạm vào đó.

Dù theo cách nào thì con trâu gắn bó với đời sống đồng bào từ khi những đứa trẻ sinh ra và những người già về với tổ tiên. Đó là một vòng tròn luân hồi và hình tượng trâu đã đi vào đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc từ xa xưa cho đến bây giờ và mãi mãi về sau.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trau-nui-bieu-tuong-suc-manh-cua-dong-bao-co-tu-post436311.html