Trầu cánh phượng và tấm lòng của người Quan họ

Từ bao đời nay, trong phong tục, văn hóa giao tiếp của người Việt, miếng trầu đã là 'đầu câu chuyện'. Với người dân quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc, miếng trầu têm cánh phượng còn hàm chứa, biểu đạt cách đối nhân xử thế trọn nghĩa vẹn tình của người Quan họ, nhất là trong các canh hát giao duyên hay sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm hướng dẫn học sinh têm trầu cánh phượng tại Bảo tàng tỉnh

Hình ảnh nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm, hướng dẫn học sinh têm trầu cánh phượng tại Bảo tàng tỉnh dịp đầu xuân cứ theo tôi mãi. Đôi tay khéo léo của bà tỉ mỉ trong từng khâu đoạn, từ bổ cau, tạo hình cánh phượng ở lá trầu… Thế mới thấy, người Quan họ tinh tế, sâu sắc, gửi gắm tâm tư, tình cảm từ những việc nhỏ nhất trong đời sống hàng ngày, Bà chia sẻ: Việc têm trầu đón khách của người Quan họ luôn được thực hiện hết sức khéo léo, công phu. Mỗi miếng trầu cánh phượng được têm ẩn chứa cả tấm lòng của gia chủ. Chính vì vậy mà việc chọn lựa cau già hay non nhất thiết phải được xem xét kỹ lưỡng. Với lá trầu cũng vậy, phải là lá bánh tẻ, vì lá già quá khi cuộn gập sẽ dễ gãy, non thì mềm khó têm. Chọn vỏ phải chọn khúc to, mầu cánh sen để có thể phức hợp tạo ra một miếng trầu cánh phượng với sự hài hòa về sắc mầu, tôn lên vẻ đẹp của “Trầu xanh, cau trắng, vỏ hồng”.

Được chứng kiến tài khéo léo của nghệ nhân khi têm trầu cánh phượng, em Nguyễn Phương Anh, Trường THCS Vệ An cho biết: Đây là lần đầu tiên em được hướng dẫn cách têm trầu cánh phượng. Miếng trầu thực hành dù không được đẹp nhưng em rất tâm đắc với sản phẩm của mình tạo ra.
Những ngày xuân trên quê hương Quan họ, du khách không chỉ say đắm cùng làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm với áo tứ thân tha thướt dịu dàng mà còn quyến luyến hơn khi được mời miếng trầu têm cánh phượng và chứng kiến liền anh lịch thiệp tình tứ mời Quan họ liền chị xơi trầu bằng những lời giao tiếp vừa tinh tế vừa trân trọng, khiêm nhường: “Nhất niên nhất lệ, năm mới tháng xuân anh em chúng tôi đi hội cầu may, tình cờ lại gặp người đây. Xin mời đương Quan họ xơi khẩu giầu rồi cất lên đôi câu. Trước là để ngày xuân gặp nhiều may mắn, sau là để anh em chúng tôi được học đòi đôi lối, đôi câu đấy ạ…”. Việc nhận trầu chỉ được thực hiện khi giữa liền anh, liền chị dường như đã tìm thấy sự “tâm đầu ý hợp”, mở đầu cho canh hát giao duyên mê đắm lòng người nơi đông hội.
Theo liền anh Nguyễn Sỹ Yên, làng Hoài Thị, xã Liên Bão (Tiên Du) thì không phải tất cả các lần mời trầu của đương Quan họ liền anh đều nhận được sự đồng ý của liền chị để mở ra canh hát hội. Thực tế ở nhiều lễ hội miền Quan họ xưa, không hiếm trường hợp đương Quan họ liền chị khéo léo từ chối lời mời trầu của đương Quan họ liền anh, lý do không nhận trầu thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Cùng đi du xuân trẩy hội, Quan họ liền chị đã có bạn hẹn hò, đang đi tìm mà chưa gặp; các liền chị không muốn đón nhận “Đầu câu chuyện” khi thấy liền anh bên ấy hát hay đàn giỏi, lắm vốn nhiều bài, tài năng khó bề sánh kịp hoặc ngược lại... Dù đương Quan họ liền anh có nhiều câu hay ít vốn, thì khi từ chối nhận trầu, đương Quan họ liền chị vẫn khiêm nhường, trọng bạn mà rằng:“Chị em chúng em còn cả sữa non măng, ăn giầu đã vậy, biết nói năng thế nào”. Chỉ đến với quê hương Kinh Bắc, du khách mới lưu luyến, dùng dằng khi được liền chị dịu dàng mời trầu cánh phượng “Trầu này trầu tính trầu tình/Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta”, miếng trầu có sức hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc với du khách, dù chỉ một lần được mời. Đó chính là nét duyên dáng, ý nhị nhưng không kém phần sâu sắc trong lối giao tiếp, đạo xử thế thường thấy của các liền chị nơi miền quê Quan họ.
Với người dân miền quê Quan họ, miếng trầu cánh phượng và văn hóa mời trầu thấm đượm tình người, giàu giá trị thẩm mĩ và nhân văn sâu sắc đã trở thành nét văn hóa đặc sắc từ bao đời nay và luôn được gìn giữ, phát huy trong đời sống đương đại.

Minh Hường

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/trau-canh-phuong-va-tam-long-cua-nguoi-quan-ho-78884