Trật tự thế giới mới ông Biden được thừa hưởng một khi nắm quyền

Nhiều tín hiệu cho thấy ông Joe Biden sẽ có những bước đi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại nhằm khôi phục hình ảnh cho Mỹ, hướng đến một cách tiếp cận hòa nhã, dễ đoán định hơn trong quan hệ quốc tế.

Ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ xác định là Tổng thống đắc cử. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ xác định là Tổng thống đắc cử. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông điệp về quay trở lại những nguyên tắc thông thường trên đây được nhiều nước trên thế giới tán thưởng sau khi ông Joe Biden được truyền thông Mỹ xác định là người đã có chiến thắng quyết định trước đương kim Tổng thống Donald Trump.

Có nhiều thứ ông Biden có thể thực hiện ngay trong 100 ngày đầu nắm quyền. Ông từng cam kết sẽ nhanh chóng đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, biến hành động chống biến đổi khí hậu thành điểm trung tâm của chính quyền mới một khi ông thắng cử. Ứng cử viên đảng Dân chủ cũng từng tuyên bố ý định phục hồi quan hệ giữa Mỹ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Ông Biden cũng được cho là sẽ sớm tìm ra cách thức nhằm cứu sống Thỏa thuận hạt nhân Iran, hợp tác cùng với Nga để gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược Mới (New START) sẽ hết hạn vào tháng 2/2021. Liên quan đến tình hình Trung Đông, rất có thể ông Biden sẽ ngừng hỗ trợ Saudi Arabia trong cuộc chiến ở Yemen.

Khi ông Biden lên nắm quyền, dự báo nội các mới tại Nhà Trắng sẽ bao gồm nhiều gương mặt kỳ cựu dưới thời các chính quyền tiền nhiệm, cùng với số thành viên am hiểu về chính sách đối ngoại dòng truyền thống. Nhưng nếu phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát tại Quốc hội, việc đề cử, phê chuẩn nhân sự cho những vị trí chủ chốt có thể gặp khó khăn và ông sẽ cần phải dựa nhiều hơn vào sắc lệnh hành pháp trong vận hành guồng máy chính sách.

Ngay cả trong trường hợp đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện, ít có khả năng ông Biden sẽ dứt bỏ hoàn toàn các chính sách và chiến lược của Mỹ. Ông Joe Biden có thể giảm giọng điệu chỉ trích Trung Quốc về thương mại, nhưng Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đối đầu căng thẳng về nhiều vấn đề khác, như mạng 5G hay yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Bất kể Tổng thống Vladimir Putin có tác động ảnh hưởng tới ông Trump ở mức độ ra sao, sẽ không có việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt, cấm vận chống Nga. Nước Mỹ dưới quyền lãnh đạo của đảng Dân chủ cũng sẽ không có ý định “cài đặt lại” quan hệ với Moskva.

Mối quan hệ không mấy yên ả giữa Tổng thống Mỹ với lãnh đạo nhiều nước đồng minh. Ảnh: AFP

Cách tiếp cận của ông Trump đối với xung đột Israel-Palestines mang tính thiên vị rõ nét. Nhưng trước khi ông Trump lên nắm quyền, chẳng có phong trào nào lên tiếng ủng hộ, thúc đẩy giải pháp hai nhà nước. Cũng không thể kỳ vọng về một xu hướng tương tự như vậy dù bất kể người lên nắm quyền tại Nhà Trắng tới đây là ai.

Ông Biden nếu thắng cử nhiều khả năng sẽ tiếp tục các bước đi của người tiền nhiệm để rút nước Mỹ ra khỏi các cuộc chiến tranh ở nước ngoài, không mạo hiểm tham gia các cuộc xung đột mới. Ông Biden sẽ không tuyệt đối dập khuôn cách tiếp cận “tôi được, anh mất” rõ ràng trong thương mại, với các đòn thuế trừng phạt áp đặt cho cả đồng minh lẫn đối tác, nhưng tự do thương mại chưa bao giờ là điều mà các cử tri Dân chủ ưu thích.

Đa số đồng minh trong Tổ chức Hợp tác Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đều sẽ hân hoan trước sự ra đi của ông Trump. Nhưng nước Mỹ dưới thời ông Biden vẫn sẽ tiếp tục thúc ép đồng minh NATO phải gánh khoản đóng góp công bằng hơn đối với phòng thủ chung. Về phần mình, EU đã nhận ra rằng Mỹ không còn là ông chủ vô tư của thế giới tự do.

Nói tóm lại, thế giới ngày nay không phải là thế giới của năm 2016 và cũng không thể quay trở lại thực trạng như xưa. Trung Quốc đang ngày một mạnh bạo hơn, Mỹ cần một chiến lược ngăn cản nhưng vẫn phải thừa nhận những yêu sách hợp pháp của Bắc Kinh. Việc tìm kiếm sự hỗ trợ trong kiểm soát vấn đề Triều Tiên hay cắt giảm hiệu ứng khí nhà kính đều đòi hỏi một cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn.

Đó cũng là yêu cầu đặt ra đối với ông chủ Nhà Trắng khi xử lý mối quan hệ với Tổng thống cánh hữu tại Brazil hay chính quyền ông Maduro ở Venezuela, hoặc đàm phán gia hạn New START với Nga khi vẫn giữ đòn trừng phạt...

Đó là một thế giới không yên ả, cần có sự thích ứng và can dự liên tục từ Mỹ. Nhưng vai trò của tầm nhìn, sự uyên bác, thực tâm, đứng đắn là điều không thể bỏ qua trong điều phối các vấn đề thế giới. Không khó hiểu khi nhiều đồng minh nghi ngờ chủ nghĩa Trump rốt cuộc đã tới hồi kết hay chưa. Nhưng đây cũng chính là những nước hân hoan kỳ vọng bộ đôi Biden-Harris sẽ chấm dứt bốn năm cầm quyền đầy bất ổn và khó đoán định vừa qua.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (NYT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/trat-tu-the-gioi-moi-ong-biden-duoc-thua-huong-mot-khi-nam-quyen-20201116152156635.htm