Trật tự hòa bình được thiết lập từ năm 1945 không được phép tan thành mây khói

Ngày 8-5, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Thủ tướng Angela Merkel đã tới đặt vòng hoa tại Neue Wache-Đài tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh và chế độ độc tài ở Đức. Trước đó, Tổng thống Steinmeier đã kêu gọi tổ chức một buổi lễ cấp quốc gia nhằm kỷ niệm ngày 8-5 lần đầu tiên kể từ năm 1995 và gọi đây là ngày 'biết ơn'.

Phát biểu tại Neue Wache, Tổng thống Steinmeier nhấn mạnh: “Hôm nay, người Đức được phép nói: Ngày giải phóng là ngày của lòng biết ơn”. Tổng thống Đức cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không được phép để trật tự hòa bình được thiết lập từ năm 1945 tan thành mây khói trước mắt chúng ta” và “Đức muốn hợp tác với các nước nhiều hơn, kể cả trong cuộc chiến chống đại dịch”.

Không giống như những nước khác ở châu Âu, nơi ngày 8-5 hằng năm thường được tiến hành kỷ niệm với tên gọi là Ngày Chiến thắng ở châu Âu, ngày đánh dấu nước Đức Quốc xã ký văn bản đầu hàng vô điều kiện trước đại diện Liên Xô và các nước đồng minh luôn luôn chỉ là một ngày làm việc bình thường tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Tuy nhiên, năm nay, thành phố Berlin đã tuyên bố một ngày nghỉ lễ 1 lần để ghi nhớ ngày mà cách đây 75 năm cuộc chiến tranh vốn cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người đã kết thúc tại châu Âu.

 Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Steinmeier đặt vòng hoa tại Neue Wache ngày 8-5. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Steinmeier đặt vòng hoa tại Neue Wache ngày 8-5. Ảnh: Reuters

Trước đó, trong bức thư bày tỏ lòng biết ơn, sự cảm ơn chân thành đến các cựu chiến binh nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng ở châu Âu, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng, chiến đấu với đại dịch Covid-19 cần quả cảm quốc gia như trong cuộc chiến chống phát xít Đức và Hitler. “Chúng ta đã sống sót và chiến thắng nhờ tinh thần anh hùng của vô số những người bình thường, những người đã trở thành thế hệ cao tuổi ngày hôm nay nhưng từng mang số phận của tự do trên vai mình. Tất cả những người sinh ra kể từ năm 1945-chúng ta nợ thế hệ những người đã chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai tất cả những gì chúng ta coi trọng nhất”, Thủ tướng Johnson bày tỏ.

Năm nay, do đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới nên nhiều nước châu Âu tiến hành kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh thế giới làn thứ hai trong bầu không khí ảm đạm. Hầu hết các cuộc duyệt binh quy mô lớn ở khắp châu Âu đã bị hủy bỏ, thu nhỏ quy mô hoặc chuyển sang tổ chức các hoạt động trực tuyến. Nga ban đầu có kế hoạch tiến hành lễ duyệt binh quy mô lớn trên Quảng trường Đỏ vào ngày 9-5 mà Nga và các nước Đông Âu gọi là Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong đó các nhà lãnh đạo thế giới bao gồm Tổng thống Emmanuel Macron là khách mời. Tuy nhiên, Nga đã thay thế buổi lễ quy mô này bằng phần trình diễn máy bay của không quân sau khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo kế hoạch, hôm nay (9-5) Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đặt hoa tại đài tưởng niệm các chiến sĩ vô danh trước khi có bài phát biểu trên truyền hình.

Tại các nước khác, như CH Séc, nơi lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ hoàn toàn, nhưng các chính trị gia chỉ đến đặt vòng hoa trên đồi Vitkov ở Praha chỉ trong vòng 10 phút nhằm giảm tối đa thời gian tiếp xúc. Hoạt động kỷ niệm trên khắp nước Pháp cũng giảm quy mô đáng kể dù Tổng thống Macron vẫn tham gia một sự kiện ở đại lộ Champs-Elysees.

Nhân dịp này, báo chí châu Âu đồng loạt nhắc nhở về tội ác của chủ nghĩa phát xít, kêu gọi cảnh giác, loại trừ nguồn gốc làm nảy sinh và dung dưỡng sự phát triển của tư tưởng phát xít trong thế giới hiện nay. Trả lời phỏng vấn Báo Le Soir của Bỉ, nhà sử học người Anh Ian Kershaw đã đề cập đến sự hồi sinh của chủ nghĩa phát xít và sự phát triển của chủ nghĩa dân túy ngày nay. Theo nhà sử học, sự mê hoặc của một số người đối với hệ tư tưởng Đức Quốc xã đã không hoàn toàn biến mất sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Nhà sử học Ian Kershaw cho rằng, thế giới đã và đang bước vào thời đại toàn cầu hóa, lợi ích quốc gia và quốc tế được xây dựng trên nền tảng các mối quan hệ đa phương, với mong muốn cùng sống trong hòa bình và phát triển. Tuy nhiên, tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc cùng với sản phẩm của nó là chủ nghĩa phát xít mới đã biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau như xung đột sắc tộc, tôn giáo và khủng bố. Những bài học của cuộc chiến chống phát xít vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa thiết thực đối với thế giới đương đại, sẽ luôn được mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới bảo vệ và phát huy.

NGUYÊN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/trat-tu-hoa-binh-duoc-thiet-lap-tu-nam-1945-khong-duoc-phep-tan-thanh-may-khoi-617397