Trật khớp thái dương hàm sau khi ngáp, có nguy hiểm không?
Trật khớp thái dương hàm là tình trạng bệnh lý do sự di lệch kéo dài, không hồi phục một hay cả hai bên. Bệnh xuất hiện với tỷ lệ cao ở bệnh nhân loạn năng thái dương hàm.
Không chỉ ngáp to... nằm sấp cũng có thể bị bệnh
Như đã đưa tin, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương Phú Thọ đã điều trị cho bệnh nhân N.T. S 56 tuổi, (Kim Xuyên, Phú Thọ) đã gặp phải một tình huống hi hữu khi chỉ đơn giản là... ngáp. Sau một cú ngáp to, cô đột ngột cảm thấy đau nhói ở vùng quai hàm và không thể ngậm miệng lại bình thường. Cô đến bệnh viện được chẩn đoán trật khớp thái dương hàm.
PGS.TS Phạm Như Hải, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Y Dược, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trật khớp thái dương hàm là tình trạng bệnh lý do sự di lệch kéo dài, không hồi phục một hay cả hai bên. Bệnh xuất hiện với tỷ lệ cao ở bệnh nhân loạn năng thái dương hàm (LNTDH).
Bệnh do nhiều nguyên nhân tại chỗ và toàn thân nhưng đôi khi chính những bất thường về tư thế lại dẫn tới bệnh hoặc làm nặng thêm bệnh này.
Tư thế dễ bị bệnh: Những tư thế có hại có thể được hóa giải từ từ trong ngày ta thấy hết đau nhưng không chỉnh sửa sẽ có hại và có thể dẫn tới bệnh LNTDH. Những tư thế nghề nghiệp có hại (nhạc sĩ violon, người trực tổng đài......) sẽ được hóa giải khi bệnh nhân ngủ.
Đặc biệt, khi ngủ nếu nằm sấp thì bắt buộc phải quay đầu sang một bên để thở, tì ép lên một bên hàm dưới, đẩy một bên hàm ra trước, làm chèn ép lên tổ chức sau đĩa khớp bên đối diện, dẫn đến co thắt phản xạ của cơ chân bướm ngoài và bị bệnh.
Những bất thường thực thể: Những bất thường về giải phẫu cổ (vẹo cột sống, gù lưng) tự phát hay thứ phát làm rối loạn tư thế đều có thể tạo điều kiện cho việc xuất hiện LNTDH.
Chấn thương: Khoảng 20% bệnh nhân có LNTDH có tiền sử. Chấn thương sẽ gây đụng dập ở khớp thái dương hàm. Những cú gập cổ đột ngột, gãy vùng lồi cầu, há miệng thụ động quá mức (khi gây mê đặt nội khí quản) hay gãy xương hàm mặt làm thay đổi khớp cắn.
Hoặc đụng đập khớp thái dương hàm gây bệnh do làm tổn thương tổ chức sau đĩa khớp, dây chằng đĩa khớp hay chính đĩa khớp. Nó cũng có thể gây LNTDH trên một khớp thái dương hàm đã yếu do làm giảm khả năng thích ứng của khớp.
Tổn thương tại khớp: Tổn thương vùng giữa các dây chằng (kèm theo viêm tổ chức sau đĩa khớp, đẩy lồi cầu về phía trước và gây phản xạ co thắt (chủ động) của tổ chức neo giữ đĩa khớp; Rách dây chằng đĩa khớp (dây chằng sau dưới và dây chằng ngoài, dây chằng trong; Rách, thủng đĩa khớp dễ dẫn đến xơ cứng khớp do làm mất tính trơn đàn hồi của khớp và để cho những mặt xương tiếp xúc trực tiếp với nhau. Các tổn thương này làm mất khả năng tái cân bằng trên một khớp đã yếu trước đó.
Gập cổ đột ngột: Chấn thương cột sống cổ do những cú gập cổ đột ngột có thể dẫn đến loạn năng thái dương hàm. Nếu sốc từ phía sau thì đầu tiên đầu ngửa ra sau làm cho miệng há to đột ngột (do quán tính của hàm dưới), kéo giãn tổ chức khớp.
Ở thì tiếp theo thì đầu gập về phía trước, miệng ngậm lại đột ngột (do đầu bị gập về phía trước, hay do hàm dưới bị ngực chặn lại, hay do hàm dưới bị chặn lại bởi volant xe....) làm cho lồi cầu nén lên tổ chức sau đĩa khớp.
Nếu sang chấn từ trước thì lồi cầu nén lên tổ chức sau đĩa khớp trước, rồi sau đó tổ chức khớp mới bị kéo giãn. Như vậy, khi bị gập cổ đột ngột thì chấn thương chấn thương cột sống thường kèm với tổn thương khớp thái dương hàm. Tổn thương này thường xuất hiện muộn, khoảng 4 tháng sau chấn thương. Nó đôi khi bị nhầm với chấn thương cột sống cổ.
Gãy vùng lồi cầu xương hàm dưới: Từ lâu người ta biết rằng những di chứng của gãy cổ lồi cầu, nhất là gãy một bên thường dẫn đến LNTDH (phía đối diện). Gãy lồi cầu thường do những sang chấn vào cằm. Gãy lồi cầu được chia làm 3 thể: gãy cổ lồi cầu thấp, cao và gãy trung tâm.
Tất cả những gãy vùng lồi cầu đều có thể dẫn đến: LNTDH cùng bên gãy do đĩa khớp bị kéo ra trước, tổn thương đĩa khớp, bề mặt lồi cầu, thái dương; LNTDH bên đối diện do giảm chiều cao cành lên hay do tăng vận động khớp bù trừ.
Há miệng thụ động quá mức: Khi banh miệng để đặt nội khí quản trong 1 thời gian ngắn thì thường ít gây sang chấn. Ngược lại khi banh miệng kéo dài (cắt Amydale, mổ hàm ếch, nhổ răng .....) thì thường gây sang chấn khớp. Vì vậy, nên đo độ há miệng trước khi mổ. Và khi mổ thì không nên banh miệng quá giới hạn này.
Gãy xương hàm không được điều trị tốt: Những trường hợp gãy xương hàm (ngoài khớp TDH) liền xương xấu đều có thể gây LNTDH. Vì vậy khi điều trị gãy xương hàm thì cần phải tìm lại khớp răng đúng.
Không chỉ đơn giản tại hàm mà còn ở sọ - cổ - mặt
PGS.TS Phạm Như Hải cho biết, LNTDH không chỉ gây khó khăn trong hoạt động nhai, nuốt, nói của bệnh nhân mà còn phá hủy các cấu trúc của khớp thái dương hàm, làm đau khớp, đau cơ…gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống.
Ngoài những biểu hiện tại hàm, loạn năng thái dương hàm (LNTDH) còn có những rối loạn ở sọ - cổ - mặt.
LNTDH có nguyên nhân chính là rối loạn khớp cắn, thường gặp ở người khỏe mạnh với những bất thường cắn khớp gây rối loạn sự thăng bằng và hoạt động chức năng của bộ máy nhai theo 3 cơ chế:
- Làm hàm dưới bị lệch sang bên khi khép hàm về tư thế lồng múi tối đa (tư thế lồng múi tối đa không trùng với khớp cắn ở tương quan trung tâm), do có điểm chạm sớm.
- Làm cho hàm dưới không thăng bằng ở tư thế lồng múi tối đa (do mất răng, hàn kênh hay do làm răng giả không đúng).
- Làm giảm biên độ hoạt động chức năng (cản trở nhai), do phản ứng tránh răng đau (viêm tủy, viêm quanh cuống, viêm quanh răng...) hay do cản trở cắn (mọc răng khôn, răng số 6 bị nhổ sớm làm cho làm răng số 7 bị lệch gần và răng đối diện thòng xuống).
Những bất thường cắn khớp thì rất có hại nhất là khi có sự mất cân xứng tư thế (hàm dưới bị lệch sang bên khi cắn lại) hay mất cân xứng chức năng (khi nhai, nói) của hàm dưới. Ngoài biểu hiện ở hàm, ở sọ, người bệnh thường thấy:
Đau đầu: đau đầu đơn thuần, Migran (đau nửa đầu), đau dây thần kinh mặt. Đau thường xuất phát từ cơ thái dương. Vì vậy, những đau cơ thái dương một hoặc hai bên đều phải nghĩ đến LNTDH nhất là khi nó xảy ra liên tục (1 lần/tuần) kết hợp với những rối loạn chức năng (nghiến răng).
Đau tai: Thường gây đau tai một bên, đôi khi đi kèm với những rối loạn khác. Đau tai, ù tai, cảm giác tai bị bịt kín nhưng khi khám tai thì không thấy các tổn thương thực thể. Đau tai gặp trong 15% trường hợp bị LNBMN có thể do bó sâu của cơ cắn, cơ ức đòn chũm, cơ chân bướm ngoài, cơ chân bướm trong, bó sau của cơ thái dương.
Khi bệnh nhân có cảm giác bị ù tai và bị bịt tai (đôi khi thay bằng tăng thính lực) thì ta phải chú ý, vì đôi khi cũng có thể có tổn thương tai giữa do cơ chân bướm ngoài và cơ căng màng nhĩ đều được vận động bởi dây thần kinh tam thoa, nên khi co thắt cơ chân bướm ngoài có thể dẫn đến co thắt cơ căng màng nhĩ.
Ở ổ mắt: Đau: thường đau dưới hay sau ổ mắt, làm chẩn đoán nhầm với viêm xoang hàm trên. Đau ở đây là do cơ chân bướm ngoài hay do đau răng cối nhỏ trên sau chấn thương khớp cắn. Đau có thể đi kèm với rối loạn vận nhãn như: Mỏi mắt (xuất hiện thành từng cơn, không đáp ứng với chỉnh kính); cảm giác có ám điểm ngoại vi; Không nhìn tập trung vào một vật thể trong không gian được.
Đau kiểu mạch máu ở mặt: Có thể gặp trong một vài trường hợp loạn năng bộ máy nhai, làm chẩn đoán nhầm với đau kiểu mạch máu mặt.
Đau dây thần kinh mặt: Bệnh nhân loạn năng bộ máy nhai đôi khi có thể bị những cơn đau kiểu thần kinh mặt, xuất phát từ đau cơ nhai.
Đau do tâm lý: Chứng tỏ bệnh nhân có cơ địa tâm thần yếu, nó thường kết hợp trong loạn năng bộ máy nhai .
Viêm tuyến giả: Sưng ở gần tuyến nước bọt (phì đại cơ cắn, cơ nhị thân, cơ hàm móng, cơ chân bướm trong) làm cho bệnh cảnh giống với viêm tuyến dưới hàm.
Ở lưỡi: Rát lưỡi rất hay gặp trong loạn năng bộ máy nhai, co cơ thắt của các cơ lưỡi. Rát lưỡi nặng thêm do dùng không đúng và kéo dài thuốc ngủ và thuốc tâm thần. Rối loạn vị giác do chèn ép dây thừng nhĩ và đĩa khớp.
Ở họng: Loạn cảm họng do rối loạn nuốt.