Trao vũ khí bảo bối cho kẻ thù của Syria, Nga khiến Assad gặp nguy?

Nga vừa bàn giao những hệ thống tên lửa phòng không S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ – nước đang tham chiến ở Syria và đang ủng hộ cho phe đối lập chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Liệu động thái của Nga có đẩy đồng minh Assad vào tình trạng nguy hiểm hay không?

Tên lửa S-400

Tên lửa S-400

Hoạt đồng bàn giao tên lửa S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ chính thức bắt đầu từ ngày 12/7. Theo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, riêng trong ngày hôm đó, đã có ba chiếc máy bay chở hàng chở theo tên lửa S-400 đến cho Ankara. Tính đến thời điểm này, đã có 8 chuyến bay chở hệ thống phòng không S-400 của Nga hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã có trong tay một trong những vũ khí mạnh nhất của Nga. Giới chức ở Ankara tuyên bố, họ sẽ dùng các tên lửa S-400 cho mục đích bảo vệ đất nước và thứ vũ khí này sẽ được kích hoạt khi có bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ vốn được xem là kẻ thù của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong suốt cuộc nội chiến kéo dài hơn 8 năm qua ở Syria, Ankara luôn tích cực ra sức giúp đỡ các phe nhóm đối lập ở Syria trong mục tiêu lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad. Thậm chí sau này, ngay cả khi đã bắt tay với Nga, Ankara vẫn tuyên bố kiên quyết theo đuổi mục tiêu loại bỏ ông Assad ra khỏi chính quyền ở Damascus.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến chính quyền của ông Assad khó chịu khi liên tục phát động chiến dịch tấn công vào Syria từ hồi tháng 8 năm 2016 với mục đích được thông báo là nhằm đánh đuổi lực lượng IS ra khỏi biên giới của họ. Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, mục đích chính của chiến dịch quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ phát động ở Syria là nhằm ngăn chặn viễn cảnh đội quân người Kurd ở Syria tiến lại ngày một gần đến biên giới của họ. Sự tham chiến của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria đã làm cuộc nội chiến ở đây thêm phần hỗn loạn, phức tạp và đẫm máu. Sau này, Thổ Nhĩ Kỳ công khai mục tiêu chống lại người Kurd trên chiến trường Syria.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ở trạng thái đối đầu và Ankara không che giấu mong muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad, việc Nga bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ khiến Damascus lo ngại.

Tuy nhiên, Đại sứ Syria tại Nga – ông Riad Haddad hôm qua (15/7) đã nói rằng, Damascus không lo ngại về hợp đồng S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

"Không" là câu trả lời mà ông Haddad đưa ra khi nhận được câu hỏi về việc liệu Syria có lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua được các tên lửa phòng không đình đám S-400 từ Nga.

"Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng vai trò là nước bảo trợ cho lệnh ngừng bắn ở Syria, cùng với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ đang phối hợp với giới lãnh đạo Nga và đó là lý do tại sao hợp đồng đó (hợp đồng S-400) nằm ngoài sự chú ý của chúng tôi”, Đại sứ Haddad cho hay.

Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017 đã ký hợp đồng mua các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga sau tiến trình đàm phán kéo dài. Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua các tên lửa S-400 của Nga đã nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích gay gắt và phản đối quyết liệt từ các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ. Phương Tây tin rằng, hệ thống S-400 không tương thích với mạng lưới phòng thủ của NATO và S-400 của Nga có thể gây nguy hiểm đối với chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới F-35 của họ.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201907/trao-vu-khi-bao-boi-cho-ke-thu-cua-syria-nga-khien-assad-gap-nguy-636855/