Trao truyền giá trị di sản văn hóa quê hương cho thế hệ trẻ Hà Tĩnh

Trên hành trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, người cao tuổi luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ con cháu giá trị di sản văn hóa của cha ông là việc mà nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh coi là trách nhiệm phải làm.

Dân ca ví giặm là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Hà Tĩnh đang được gìn giữ và phát huy trong đời sống hiện đại.

Hà Tĩnh được coi là vùng đất nắng lửa mưa chan và từ trong lao động, nhiều nét văn hóa độc đáo đã được hình thành. Trong đó, dân ca ví, giặm, ca trù, trò Kiều là những di sản văn hóa độc đáo phản ánh đậm nét tính cách, tình cảm, trí tuệ của người Hà Tĩnh. Những di sản văn hóa đó tồn tại và đồng hành trong đời sống lao động, sản xuất, trong đời sống tình cảm của người Hà Tĩnh hàng trăm năm.

Tuy nhiên, dưới tác động của đời sống KT-XH, một thời gian dài, những loại hình văn hóa dân gian đó trở thành những giá trị “vang bóng một thời”. Trong công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, người cao tuổi đóng vai trò hết sức quan trọng. Họ chính là người gìn giữ các điệu hát cổ, là những người tích cực nhất trong công tác sưu tầm, truyền dạy cho các thế hệ trẻ.

Trò Kiều ở Nghi Xuân cũng là một trong những hình thức diễn xướng dân gian độc đáo đang được các cụ cao tuổi sưu tầm và bảo tồn.

Trải dài từ bờ Nam Bến Thủy đến Bắc Đèo Ngang, ở đâu cũng có những làng hát nổi tiếng, nhưng độc đáo nhất có lẽ là miền đất hát Nghi Xuân. Đây được coi là nơi hội tụ, nhiều nhất các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của Hà Tĩnh với ca trù, dân ca ví, giặm, trò Kiều.

Trong quá trình tiếp cận với các di sản, chúng tôi đã được biết rất nhiều gương mặt nghệ nhân cao tuổi tiêu biểu như cố nghệ nhân Phan Thị Mơn, Phan Thị Nga…, các nghệ nhân cao tuổi Phan Sáu, Nguyễn Ban, Nguyễn Huýnh… Mỗi người đều đã có những đóng góp vô cùng to lớn trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản trong đời sống hiện đại.

Là thế hệ sau nhưng ông Nguyễn Huýnh - Nghệ nhân ưu tú ở thôn Lâm Hoa, xã Xuân Liên cũng không hề kém cạnh gì thế hệ cha anh về niềm đam mê và trách nhiệm với các di sản văn hóa của cha ông. Sinh ra giữa miền đất hát nổi tiếng của nghệ thuật trò Kiều, 20 tuổi, ông Huýnh đã thuộc nhiều vở trò Kiều và đã vào vai Kim Trọng rất “ngọt”. Ấy thế mà, một thời gian dài sau chiến tranh, ông Huýnh và bao nhiêu người con Xuân Liên cũng bận bịu với việc mưu sinh, lãng quên đi những vở trò Kiều và những đêm diễn.

Sự đồng hành của vợ đã tạo thêm sức mạnh cho nghệ nhân Nguyễn Huýnh dành nhiều thời gian cho việc bảo tồn, phục dựng các vở diễn trò Kiều.

Về sau, khi có chủ trương khôi phục lại trò Kiều, niềm đam mê, trách nhiệm với vốn quý của cha ông lại như lửa rừng rực trong tâm hồn ông Huýnh. Ông cùng với vợ mình, cần mẫn đến từng nhà các cụ ông, cụ bà cao tuổi am hiểu về trò Kiều ở trong và ngoài xã rồi sưu tầm, biên soạn lại các vở diễn.

Không chỉ có thế, ông Huýnh còn mày mò tự làm các đạo cụ, trang phục cho các diễn viên. Và khi CLB Trò Kiều Xuân Liên được thành lập, ông Huýnh cũng trở thành chủ nhiệm CLB, nhà ông trở thành trụ sở sinh hoạt của CLB.

Ông Nguyễn Huýnh với trang phục tự làm để phục vụ các vở diễn trò Kiều.

Ông Huýnh cho biết: “Ban đầu, người dân còn e ngại, không nhiệt huyết với việc khôi phục thì tôi vận động con cháu trong gia đình tham gia. Bây giờ thì CLB lúc nào cũng duy trì 18 thành viên, trong đó, người cao tuổi chiếm 50%. Trong sinh hoạt CLB, không đơn thuần chỉ có biểu diễn mà còn có sự trao truyền giữa người già với người trẻ. Tôi bây giờ cũng không còn biểu diễn được nữa, chỉ mong sao con cháu đủ đam mê, tâm huyết và trách nhiệm để gìn giữ vốn quý của cha ông”.

Đồng hành cùng công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian là rất nhiều nghệ nhân cao tuổi tài hoa. Đó là Nghệ nhân nhân dân Trần Khánh Cẩm, các nghệ nhân ưu tú: Nguyễn Ban, Nguyễn Thanh Minh, Vũ Thị Thanh Minh, Phạm Thế Nhuần, Trương Quốc Đính… và rất nhiều những nghệ nhân dân gian thầm lặng khác.

Họ là người hát, là người truyền dạy cũng là người sưu tầm, biên soạn lời mới cho các các làn điệu cổ. Trong những điệu thức của quê hương, xứ sở, họ như quên đi tuổi tác, chỉ còn lại niềm đam mê và trách nhiệm với di sản văn hóa của quê hương.

Đều đặn mỗi tuần 2 buổi, tại tư gia, nghệ nhân Đặng Thị Nguyệt lại say sưa dạy những tiết mục mới cho các thành viên Câu lạc bộ.

Trong căn nhà nhỏ thuộc tổ dân phố 1, phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh), mỗi ngày, Nghệ nhân dân gian Đặng Thị Nguyệt vẫn luôn trăn trở với từng con chữ để sáng tác nên những bài ví giặm mới, phù hợp với thời đại, với tính chất của các sự kiện trên địa bàn. Làm Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm phường Tân Giang đã 5 năm, đó cũng là chừng ấy thời gian, bà Nguyệt hy sinh thời gian, công sức và cả vật chất của riêng mình để xây dựng CLB.

Bà Nguyệt cho biết: “CLB Dân ca ví, giặm phường Tân Giang hiện có 16 thành viên đủ các lứa tuổi. Đặc biệt, có rất nhiều thành viên là dân cư thuộc địa bàn khác đến xin gia nhập. Trong suốt 5 năm qua, chúng tôi đã cùng nhau tập luyện và biểu diễn ở rất nhiều sân khấu, hội diễn lớn nhỏ và gặt hái được khá nhiều thành công. Nhưng thành công lớn nhất của chúng tôi có lẽ chính là việc tập luyện, sinh hoạt đều đặn của các thành viên”.

Những giải thưởng tại các cuộc liên hoan, hội diễn lớn nhỏ đã tạo động lực để nghệ nhân Đặng Thị Nguyệt thêm say mê nghệ thuật truyền thống của quê hương.

Nhiều năm nay, tư gia của bà Nguyệt chính là địa điểm tập luyện của các thành viên. Khi đông, khi ít nhưng đều đặn mỗi tuần 2 buổi, tại đây luôn rộn vang tiếng hát. Em Nguyễn Thị Linh - học sinh lớp 9D Trường THCS Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Em ở Thạch Linh nhưng lại xin tham gia CLB của bà Nguyệt bởi em biết bà luôn có bài mới và duy trì sinh hoạt, tập luyện đều đặn. Không chỉ học hát, bà còn dạy em sáng tác các đoạn ví, giặm để đưa vào những tiết mục mới của CLB. Đó chính là động lực để em nuôi dưỡng niềm đam mê với ví, giặm”.

Trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa, người cao tuổi đóng vai chính trong quá trình kiến tạo và trao truyền các di sản văn hóa của dân tộc. Chính người cao tuổi đã thắp sáng ngọn lửa đam mê, tinh thần nhiệt huyết cho các thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của ông cha. Nhờ đó, các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Tĩnh vẫn luôn tỏa sáng trong đời sống hiện đại…

Phong Linh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/trao-truyen-gia-tri-di-san-van-hoa-que-huong-cho-the-he-tre-ha-tinh/179775.htm