Trao tặng danh hiệu Anh hùng cho Viện Khoa học và Công nghệ quân sự

Sáng 11/10, tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (12/10/1960 - 12/10/2020), Viện Khoa học và Công nghệ quân sự đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong 10 năm qua.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, sáng 11/10

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, sáng 11/10

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, đại tá Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (KH&CNQS) khẳng định: Sự ra đời của Cục Nghiên cứu kỹ thuật vào ngày 12/10/1960 - tiền thân của Viện KH&CNQS ngày nay có ý nghĩa to lớn, phản ánh tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Tổng Quân ủy, thủ trưởng Bộ Quốc phòng về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật đối với quá trình xây dựng quân đội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng như cho lâu dài.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đội ngũ cán bộ khoa học của Viện đã bám sát chiến trường, tiên phong nghiên cứu, làm chủ các loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại do Liên Xô và các nước viện trợ; tổ chức nghiên cứu vũ khí và cách đánh của địch, đề xuất nhiều giải pháp vô hiệu hóa, phòng tránh, đánh trả có hiệu quả; nghiên cứu, thiết kế chế tạo nhiều loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới, phù hợp với cách đánh của ta...

Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 2010, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Viện KH&CNQS; 4 công trình nghiên cứu của Viện giai đoạn này được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 2 tập thể và 2 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương các loại.

Tham dự lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trường Hòa Bình; Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương…

Ngay sau khi miền Nam được giải phóng, cán bộ của Viện có mặt ở hầu hết các địa bàn trọng điểm thực hiện nhiệm vụ tiếp quản, phục hồi, khai thác hiệu quả hệ thống thông tin liên lạc của Hải quân chế độ cũ, hệ thống thông tin mật và trinh sát trên máy bay EC- 47, hệ thống khí tài trinh sát điện tử Bas III; hệ thống máy tính ở lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt...

Từ năm 1979, theo mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Quốc phòng, Viện đã cử. nhiều đoàn với hàng trăm cán bộ mang khí tài, vũ khí tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới; trực tiếp huấn luyện cách sử dụng các loại vũ khí, khí tài cho hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sỹ… Giai đoạn này, Viện cũng đẩy mạnh các đề tài nghiên cứu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, điển hình như mặt nạ cỡ nhỏ phòng bụi và hơi khí độc công nghiệp; công nghệ mạ nhúng kẽm nóng chảy phục vụ xây dựng đường dây tải điện 500KV Bắc- Nam; kỹ thuật tự động hóa trong các công nghệ nung luyện; dây chuyền xử lý nước mặn, nước ngầm, nước thải công nghiệp; các thiết bị laser y tế chuyên dụng, tác nhân vật lý trong điều trị lâm sàng.

Lãnh đạo Viện KH&CNQS giới thiệu với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình một số sản phẩm công nghệ do đơn vị nghiên cứu, chế tạo

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là những năm gần đây, bám sát thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của toàn quân, Viện tập trung tham mưu hiệu quả cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ nghiên cứu KH&CNQS; đề xuất, tổ chức nghiên cứu thành công, ứng dụng hàng trăm đề tài, dự án. Qua đó góp phần nâng cao tính năng kỹ chiến thuật của vũ khí, khí tài trang bị, nhất là khả năng tác chiến ban đêm, độ chính xác, hiệu quả chỉ huy, khả năng hiệp đồng quân, binh chủng…

Theo đại tá Nguyễn Trung Kiên, bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, bắt đầu từ năm 1979, Viện được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học. Đây là dấu mốc ghi nhận sự trưởng thành về khả năng chuyên môn và uy tín khoa học của Viện.

Hiện nay, Viện KH&CNQS được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ với 13 chuyên ngành. Từ năm 1979 đến nay, Viện đã đào tạo được 270 tiến sĩ; giai đoạn 1994-2010 đào tạo được 113 thạc sĩ, trong đó nhiều người đã trở thành cán bộ chủ chốt, nhà khoa học có chuyên môn và uy tín cao trong các cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang.

Chỉ tính riêng từ năm 1986 đến nay, Viện được tặng thưởng 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Quân công hạng Nhất, 1 Huân chương Quân công hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác; hàng trăm tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng. Nhiều công trình, đề tài, sản phẩm của Viện đã được khen thưởng các cấp, trong đó có 1 Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN; 4 Giải thưởng Nhà nước về khoa học kỹ thuật; 4 Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Viện KH&CNQS, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định: “Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, dù ở thời kỳ nào, dù trong hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Viện KH&CNQS đều tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, phấn đấu, lao động, cống hiến hết mình cho khoa học; có nhiều đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc; xây dựng quân đội ngày càng hiện đại, góp phần thiết thực củng cố quốc phòng - an ninh và phát triển đất nước”.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, để khẳng định được vị thế, vai trò là một Viện nghiên cứu khoa học công nghệ đa ngành, lớn nhất của quân đội, quan trọng của quốc gia, trong thời gian tới, Viện KH&CNQS cần thường xuyên quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về quốc phòng - an ninh và phát triển khoa học công nghệ trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm

Thường xuyên bám sát thực tiễn hoạt động của các đơn vị cơ sở, nắm bắt nhu cầu của cơ sở và xu thế của thế giới để chủ động tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích khoa học công nghệ phát triển nhanh, mạnh; tham mưu về phương hướng, nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ; trong lựa chọn đối tác, lựa chọn công nghệ và mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân đội đảm bảo đúng, trúng và hiệu quả.

Đi đầu tham gia có hiệu quả vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để góp phần làm cho nền khoa học công nghệ quân sự nói riêng, khoa học công nghệ của Việt Nam nói chung không bị tụt hậu so với thế giới, thúc đẩy đất nước phát triển, nâng cao vị thế, tiềm lực của quốc gia. Tập trung nghiên cứu thiết kế, chế tạo cho được một số sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao, mang tầm quốc gia.

Đồng thời, cần quan tâm đến xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học. Tạo ra những chuyên gia đầu ngành trên một số lĩnh vực; các công trình sự, tổng công trình sư có đủ khả năng đảm đương những đề án, chương trình lớn của Nhà nước về nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí. Tập trung xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và đơn vị; làm tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng đảng bộ Viện thật sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu cao…

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm tham quan một số thiết bị, khí tài quân sự do Viện KH&CNQS nghiên cứu, chế tạo, cải tiến

Nguyễn Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/trao-tang-danh-hieu-anh-hung-cho-vien-khoa-hoc-va-cong-nghe-quan-su-1733631.tpo