Trao sinh kế cho người dân biên giới

Nhằm chia sẻ khó khăn với người dân biên giới, 'không để ai bị bỏ lại phía sau', trong nhiều năm qua, các đơn vị BĐBP đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội và các chương trình, mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua đó đã giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đại tá Cà Văn Lập, Chính ủy BĐBP Sơn La và lãnh đạo Huyện ủy Yên Châu (Sơn La) tặng quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Thanh Thuận

Đại tá Cà Văn Lập, Chính ủy BĐBP Sơn La và lãnh đạo Huyện ủy Yên Châu (Sơn La) tặng quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Thanh Thuận

Trao “cần câu” cho người nghèo

“Gia đình tôi luôn coi những người lính của Đồn Biên phòng Mỹ Lý (BĐBP Nghệ An) là người anh em thân thiết, bởi lẽ họ luôn động viên, giúp đỡ chúng tôi. Trong mấy năm vừa qua, vợ chồng tôi được Đồn Biên phòng Mỹ Lý tặng một cặp lợn giống và dê giống để phát triển kinh tế. Ngoài ra, các anh còn hỗ trợ gia đình tôi giống cây ăn quả, cây lấy gỗ và cá giống để xây dựng mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng-rừng. Đến nay, gia đình tôi đã có thêm 4 con dê con. 2 con lợn giống sinh trưởng tốt; vườn cây ăn quả xanh mướt. Tôi tin là trong thời gian tới, cuộc sống của gia đình tôi sẽ no đủ hơn”. Đó là chia sẻ của ông Cụt Văn Quyết, dân tộc Khơ Mú, ở bản Huồi Cáng, xã Bắc Lý với chúng tôi, khi nói về những người lính Biên phòng ở tuyến biên giới phía Tây Nghệ An.

Ông Quyết chỉ là một trong số hàng trăm gia đình đã nhận được sự giúp đỡ của BĐBP Nghệ An trong nhiều năm qua. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, để tạo sinh kế giúp người dân biên giới có nguồn giống phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập, từ năm 2015, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện đề án xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản cung cấp con giống cho các hộ nghèo nơi biên giới, với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Đây là mô hình được thực hiện thí điểm đầu tiên trong cả nước và đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực trong việc phát triển kinh tế cho các hộ dân trên địa bàn biên giới.

Đến nay, trên tuyến biên giới phía Tây của tỉnh Nghệ An đã có 18 cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản tại 18 đồn Biên phòng, cung cấp được 330 con giống cho 147 hộ dân nghèo ở khu vực biên giới. Đề án đã góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi cả về tổng đàn và chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình nghèo trên địa bàn biên giới.

Bên cạnh việc thực hiện đề án này, từ năm 2014 đến nay, BĐBP Nghệ An còn thực hiện Kế hoạch số 624/KH-BCH, giúp đỡ 3 xã: Môn Sơn, huyện Con Cuông; Tam Hợp, huyện Tương Dương và Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện kế hoạch này, bên cạnh việc giúp đỡ các xã củng cố cơ sở chính trị, bảo tồn văn hóa dân tộc, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An còn trích một phần tiền lương, phụ cấp mua con giống, nhu yếu phẩm tặng người nghèo.

Hướng dẫn người dân thay đổi tập quán canh tác

Cũng với mục đích tạo sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số, BĐBP Quảng Bình còn phối hợp với MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện mô hình “ngân hàng bò”, hỗ trợ hàng trăm con bò cho người dân. Không chỉ vậy, BĐBP Quảng Bình còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động, tập huấn, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Kết quả, đồng bào Rục, Khùa, Mày, Ma Coong, Mã Liềng... ở khu vực biên giới đã chuyển đổi tập quán canh tác nương rẫy từ “phát đốt, cốt trỉa” sang sản xuất thâm canh lúa nước 2 vụ. Đến năm 2018, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 290ha sản xuất 2 vụ lúa nước/năm với sản lượng bình quân đạt 40 tạ/ha. Nhiều hộ đã biết cải tạo vườn đồi, trồng rừng kinh tế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo thành các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp.

Với những kết quả đạt được, trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, số hộ làm ăn khá, giỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình tăng khá nhanh. Hiện, toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 700 hộ làm ăn khá, giỏi (tăng hơn 9,2 lần so với năm 2012), trong đó có trên 500 hộ cho thu nhập 30 triệu đồng/năm, gần 200 hộ có thu nhập 70 triệu đồng/năm.

Tại tỉnh Sơn La, việc tham gia phát triển kinh tế, xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng ở khu vực biên giới đã được lực lượng BĐBP tỉnh hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả. Trong năm 2018, 1 trạm xá quân dân y tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập đã được khánh thành phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân khu vực biên giới. Bên cạnh đó, BĐBP Sơn La đã phối hợp với các cơ quan khác tổ chức khảo sát và tặng 100 con bò giống cho hộ nghèo ở các xã biên giới của tỉnh Sơn La và 50 con bò giống cho các huyện nghèo khu vực biên giới huyện Sốp Bâu (Lào).

Cán bộ BĐBP Nghệ An hướng dẫn người dân phát triển mô hình chăn nuôi bò. Ảnh: Hải Thượng

Không chỉ có vậy, hướng về người nghèo nơi biên giới, trong nhiều năm qua, những người lính mang quân hàm xanh ở Sơn La đã duy trì có hiệu quả mô hình “Bữa sáng cho em” và “Hũ gạo tiết kiệm”. Các đơn vị ủng hộ nhân dân được 3 tấn gạo, đồng thời đỡ đầu 59 cháu có hoàn ảnh đặc biệt khó khăn theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, với tổng số tiền đã trao tặng gần 270 triệu đồng.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sơn La cũng đóng góp hơn 2.200 ngày công giúp nhân dân lao động sản xuất; tham gia tu sửa đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi; thu hoạch và chăm sóc hoa màu. Những người lính mang quân hàm xanh cũng góp sức sửa chữa, làm mới 52 ngôi nhà và hỗ trợ vốn sản xuất cho 169 hộ nghèo.

Có thể khẳng định, những việc làm thiết thực và ý nghĩa trên của các đơn vị BĐBP đã giúp cho hàng ngàn hộ dân trên biên giới cải thiện cuộc sống, hàng ngàn học sinh có cơ hội tới trường học tập hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/trao-sinh-ke-cho-nguoi-dan-bien-gioi/