Trao nhầm trẻ sơ sinh ở Ba Vì: Chỉ đạo nóng

Vợ chồng anh Sơn đã phải làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Ba Vì để được xác định cha, mẹ cho con.

Liên quan đến vụ trao nhầm trẻ sơ sinh ở Ba Vì, ngày 10/7, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em cho biết, Bộ Y tế đã nhận được đơn kiến nghị của anh Phùng Giang Sơn (thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) phản ánh về vụ việc.

Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) của kíp trực tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì gây sự cố giao nhầm 2 bé sơ sinh; chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, các đơn vị liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài..., báo cáo kết quả về Bộ Y tế trước ngày 30/7/2018.

Nói về việc này, chị Phùng Thị Thu Hiền (ở thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng chị chỉ mong được ôm con, đưa con về nhà để chăm sóc. Nhưng mọi sự không dễ dàng gì. Bởi, cũng như chị, mẹ của bé H bị sốc và chưa sẵn sàng để làm các thủ tục, trao trả lại con theo quy định.

Để chuẩn bị cho cuộc đoàn tụ sau này, chị Hiền và anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, chồng chị Hiền) dành thời gian qua lại và mời mẹ con chị Vũ Thị H sang nhà chơi. Chị H chấp thuận, tạo điều kiện để cháu M có cơ hội tiếp xúc với gia đình mình. Đây cũng là cơ hội để chị níu gần khoảng cách với con đẻ của mình.

Viện Khoa học hình sự, Tổng Cục cảnh sát, trả lời kết quả giám định theo trưng cầu của anh Sơn.

“Lạ lắm, khi cả nhà đến thăm 3 mẹ con chị H (vợ chồng chị H sinh thêm một bé trai, năm nay 3 tuổi), cháu H nhìn thấy em đã sà ngay vào, tặng cho đồ chơi. Cháu M cũng tìm đến em trai nô đùa. Đúng là máu mủ dễ tìm đến nhau. Nhìn cảnh đó, ai cũng xúc động, thương chúng nó”, anh Sơn nói.

Tuy nhiên, theo lời anh Sơn, trong khi gia đình anh xác định được tư tưởng và mong mỏi nhận con thì chị H dường như chưa sẵn sàng. Có lẽ, chăm và nuôi cháu M 6 năm với nhiều vất vả nên lúc này, chị chưa thể trao lại con và đón nhận bé H. Chính điều đó khiến gia đình anh Sơn sốt ruột.

"Đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Gia đình tôi mong muốn khẩn trương giải quyết sự việc để 2 gia đình có thể nhận con. Đồng thời, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì phải có trách nhiệm bồi thường tổn thất về tinh thần và vật chất theo yêu cầu và các chi phí khác để khắc phục hậu quả thời gian trao nhầm con chúng tôi; có hình thức xử lý về hành vi vi phạm việc trao nhầm trẻ sơ sinh của BV, cá nhân...", anh Sơn bức xúc.

Vì thế vợ chồng anh Sơn quyết định làm đơn gửi đến TAND huyện Ba Vì. Trong đơn, anh Sơn trình bày, khoảng 7h10 ngày 1/11/2012, tại khoa Sản, BVĐK huyện Ba Vì, vợ anh sinh con trai.

Cùng ngày, lúc 6h50, chị Vũ Thị H cũng sinh một bé trai. Quá trình đỡ đẻ, làm công tác y tế sau sinh, bác sĩ khoa Sản của BV đã xác định nhầm và giao nhầm con của anh cho chị H. Với kết quả giám định AND mà gia đình trưng cầu thì cháu M đúng là con của anh chị, cháu H là con đẻ của chị H. Do đó, anh Sơn, chị Hiền yêu cầu tòa xác định anh và vợ là cha mẹ đẻ của cháu M, tuyên chị H, anh D trả lại con.

Để thụ lý vụ án, tòa đã mời hai bên để tiến hành các thủ tục nhưng chị H thường xuyên vắng mặt. Việc nhờ tòa phân xử thêm khó khăn khi cán bộ tòa án cho anh Sơn hay, chị H đã ly hôn và chị H nuôi cả 2 đứa con. Do đó, để giải quyết được vụ khởi kiện của anh Sơn thì tòa phải xin ý kiến của tòa cấp trên liên quan đến bản án ly hôn của chị H và chồng, phần phán quyết về con chung.

Nói về vụ việc, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Ba Vì xác nhận có sự việc trao nhầm con giữa gia đình anh Phùng Giang Sơn và chị Vũ Thị H.

Bệnh viện đã xử lý kỷ luật nhân sự trong kíp trực dẫn tới sự việc trao nhầm con và đang tích cực phối hợp với gia đình hai bên, cơ quan chức năng để sớm đưa hai cháu về với bố mẹ của mình.

Thùy Dung (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/trao-nham-tre-so-sinh-o-ba-vi-chi-dao-nong-3361613/