Trào lưu yoga - Kỳ 3: Bác sĩ Trần Văn Phúc: 'Đã có trường hợp tử vong vì yoga'

Yoga du nhập vào Việt Nam đã thêm cho người Việt một phương pháp luyện tâm, luyện thân, nó có những điểm ưu việt mà không ai có thể phủ định. Thế nhưng, cũng như khá nhiều các bộ môn khác, khi du nhập vào Việt Nam, ý thức được việc đón nhận hết sức nồng nhiệt của các 'tín đồ', yoga bị biến tướng trở thành một môn luyện tập bình dân và dễ dãi.

Dễ gặp chấn thương

Việc cho ra lò những huấn luyện viên kiểu “công nghiệp”, với những người học không thực sự thấu hiểu, yoga đôi khi mang lại những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là chết người, bác sĩ Trần Văn Phúc – BV Xanh Pôn cho biết. Bác sĩ Phúc kể lại, thời còn là sinh viên ĐH Y Hà Nội năm thứ 4, trong chương trình học chuyên khoa tâm thần, sinh viên các anh bắt buộc phải học nguyên lí yoga, thực hành 6 bài tập căn bản.

“Trải nghiệm từ thời sinh viên, cùng những tìm hiểu và quan sát riêng, tôi nhận thấy người phù hợp với yoga thì luyện tập môn này sẽ rất tốt, nhưng ngược lại sẽ cực kì nguy hiểm. Nhìn chung, yoga có cả lợi ích về thể chất và tinh thần. Nó nâng cao thể trạng, làm tăng cảm xúc và niềm vui”. Tuy nhiên, cũng theo anh: “Tôi cho rằng, tác dụng tiêu cực của yoga cũng không nằm ngoài sự hạn chế về hiểu biết đó. Yoga hoàn toàn có thể gây nên trầm cảm, tâm thần, các rối loạn làm tổn thương thực sự về thể chất, thậm chí là chết người".

Theo đó, người tập luyện yoga phải có tố chất “tuân thủ kỉ luật sắt” cả về cơ thể lẫn tinh thần. Bởi vậy mà trẻ em, người tăng động, không có tính kiên trì, người lười biếng, tư duy không sâu sắc, tính khí bốc đồng, bất mãn, cứng nhắc thì đều không phù hợp để thực hành yoga.

Người tập yoga luôn phải thực hiện 3 yếu tố là luyện thở, tập tư thế và luyện trí. Quá trình thực hành yoga phải trải qua 3 giai đoạn: Rèn luyện sức khỏe, làm chủ bản thân; thích ứng với môi trường; rèn luyện chân ngã, hòa đồng với vũ trụ. Nhiều người đã sai lầm khi tin rằng, ở giai đoạn 1 chỉ đơn giản là thực hành các động tác để rèn luyện sức khỏe, có thể bỏ qua triết học và tôn giáo, nên bất kì ai luyện tập cũng đều tốt.

Phong trào luyện tập yoga tự nó đã trở thành hình thức thiền. Không thể tách riêng bài tập chỉ có động tác. Chính thế, khi phát triển ở Việt Nam, khi mà yoga bị biến thành một bộ môn luyện tập bình dân, dễ dãi như bóng đá, chạy bộ… thì lẽ dĩ nhiên, việc gặp những chấn thương là dễ xảy ra.

Mặc dù chưa có trường hợp tử vong vì yoga tại Việt Nam được ghi nhận nhưng theo những tài liệu mà bác sĩ Phúc cung cấp thì trong cuốn “Những người tìm kiếm tâm linh - The Spiritual Seekers” xuất bản năm 1986, tác giả Richard Kieninger đã kể câu chuyện về một phụ nữ bị rối loạn nội tiết tuyến thượng thận sau một thời gian dài luyện tập yoga. Các bác sĩ đã không thể lập lại trạng thái cân bằng hormon, cuối cùng người phụ nữ đã chết.

Cuốn sách cũng cảnh báo, những hình thức tập thở và thiền có thể tự gây tổn thương không thể sửa chữa, làm cho y học hiện đại cũng phải bó tay.

Yoga là một phương pháp luyện tâm, luyện thân từ cổ xưa.

Yoga là một phương pháp luyện tâm, luyện thân từ cổ xưa.

Có những người bị trầm cảm vì yoga

Cũng theo bác sĩ Phúc: “Việt Nam chưa có con số thống kê bao nhiêu người theo tập yoga. Nhưng trong số rất nhiều người tập yoga mà tôi biết, thì họ đang coi yoga chỉ đơn giản là niềm vui, thư giãn tinh thần và nâng cao thể trạng, thậm chí với duy nhất mục đích là giảm cân. Trong số những người mà tôi biết ấy, đa số mang lại hiệu quả tích cực và tốt thực sự, nhưng vẫn có một số người mắc trầm cảm, hay những rối loạn cơ thể làm tôi băn khoăn nghĩ tới sự liên quan đến việc không phù hợp với yoga ". Bởi với anh, yoga không bao giờ đơn giản là một bộ môn bình dân. Anh dẫn chứng một câu chuyện có thật trên thế giới.

Đó là câu chuyện được viết trong cuốn sách của 2 tác giả là John Ankerberg và John Weldon, có tựa đề “Sự xuất hiện của bóng tối: Đứng trước sự lừa dối sâu xa”, xuất bản năm 1993. Nội dung có kể về trường hợp một cô gái là Carole, bị mắc bệnh khá nặng và các bác sĩ không tìm ra nguyên nhân. Chuyện của Carole bắt đầu bằng việc cô đi khám bác sĩ dinh dưỡng, sau đó được giới thiệu đến một người bạn của bác sĩ.

Người bạn này lại giới thiệu Carole đến Viện Hymalaya, là một viện nghiên cứu sinh học nổi tiếng của Ấn Độ do Tiến sĩ Elmer Green thực hiện các nghiên cứu. Cuối cùng, Carole quyết định theo học yoga tại Viện này. Quá trình luyện tập yoga, Carole được học những mật chú, được tiếp cận với những điều huyền bí từ người thầy có tên Swami Rama.

Nhưng đến tuần thứ 2, Carole đã chìm vào những cơn ác mộng và sợ hãi. Những tiếng nói xuất hiện trong đầu, những vị thần, thậm chí là ma quỷ hiện về đe dọa. Trong lúc thiền định, cô bị hành hạ cả về tinh thần lẫn thể xác. Cô cảm thấy có một thứ năng lượng cá nhân, cố tách cô ra khỏi thể xác, gây nên nỗi đau đớn quá độ, tạo những vết rách ứa máu trong tinh thần.

Nỗi sợ hãi của Carole tăng lên, khi cô nhận ra rằng không ai có thể giúp đỡ cô. Chồng Carole bất lực. Cha cô đã đi gặp bác sĩ tâm thần. Người thân nghi ngờ vào sự tỉnh táo của Carole. Trong cơn tuyệt vọng, Carole đã tìm đến những bác sĩ, đến những chuyên gia tâm linh… nhưng tất cả đều vô ích.

Cho đến khi, Carole gặp được Robert Leichtman, một bác sĩ tâm thần. Leichtman khẳng định trường hợp của Carole không phải là chuyện hiếm gặp với những tín đồ của các chuyên gia phương Đông. Ông thậm chí còn nói Carole có thể chết vì những cuộc tấn công tâm linh tương tự. Nhưng Leichtman cũng không thể giúp đỡ. Được điều trị bằng thuốc và các liệu pháp tâm lí, Carole cũng đỡ dần. Nhưng khi trở về nhà, các cuộc tấn công bắt đầu trở lại. Nỗi đau khổ không thể tưởng tượng được.

Mặc dù Carole rất sợ chết, nhưng cái chết lại là điều Carole mong muốn để cô được giải thoát. Quay trở lại BV, Carole được bác sĩ cho vào một căn phòng, bên ngoài có khóa cửa. Ban đầu, Carole cảm thấy rằng cô sẽ chết ở đây, chết trong cô đơn và đau khổ". Nhưng thật kì lạ, Carole vẫn sống và tốt dần lên. Bác sĩ tâm thần của cô rất ngạc nhiên trước sự biến đổi kỳ diệu. Cô ấy đang ở trong tình trạng sức khỏe hoàn hảo, cả tinh thần lẫn thể chất.

Carole ngộ ra một điều rằng, những phá hủy tinh thần và thể xác một cách khủng khiếp như vậy, có thể đã được thực hiện bằng một hình thức đơn giản, được cho là vô hại của việc tập luyện yoga thiền không phù hợp với cơ thể.

Và để kết câu chuyện, bác sĩ Phúc chia sẻ: “Tôi yêu thích yoga và muốn các bạn cũng yêu thích nó. Nhưng tôi lại muốn nói với các bạn rằng, chúng ta phải sáng suốt khi lựa chọn cho mình một phương pháp rèn luyện cơ thể thật sự phù hợp.”

(Còn nữa)

Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/trao-luu-yoga-ky-3-bac-si-tran-van-phuc-da-co-truong-hop-tu-vong-vi-yoga-113903.html