Trào lưu tự may vá quần áo tại nhà của nam giới

Việc vật lộn cùng máy khâu, vải vóc khiến phái mạnh thích thú và nhận ra giá trị của trang phục.

Ngày nay, thuật ngữ "sew bros" rất phổ biến trong cộng đồng yêu thủ công trên toàn thế giới. Cụm từ này dùng để chỉ những người đàn ông tìm hiểu và học may vá trong thời gian rảnh rỗi.

Không chỉ có nam giới trẻ tuổi, tài tử hàng đầu Hollywood - George Clooney - cũng khiến nhiều người bất ngờ khi thừa nhận là một sew bros thứ thiệt tại gia. Ngôi sao 59 tuổi thường tự tay may đồ cho con sinh đôi và sửa váy giúp vợ lúc phải ở nhà hàng tháng để tránh dịch bệnh.

"Tôi may rất nhiều quần áo cho bọn trẻ. Váy của vợ có vài lỗ thủng tôi cũng sửa luôn. Thời buổi kinh tế khó khăn nên cần biết cách sửa đồ chứ", George Clooney chia sẻ với tạp chí AARP.

 Tài tử George Clooney thường xuyên may quần áo cho con tại nhà. Ảnh: Metro.

Tài tử George Clooney thường xuyên may quần áo cho con tại nhà. Ảnh: Metro.

Quả thực, cách ly do dịch bệnh tại nhà khiến nhiều người có thời gian rảnh rỗi để tìm hiểu các bộ môn mới như may vá. Từ đó, ngày càng nhiều nam giới bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm tự làm quần áo trên mạng xã hội và thu hút số lượng lớn người theo dõi.

Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu rõ lý do khiến phái mạnh bị cuốn hút bởi lĩnh vực từ lâu vốn được cho rằng thuộc về nữ giới. Thậm chí, số đông nghe tới xu hướng này vẫn còn băn khoăn liệu trong mắt đàn ông, may vá có thực sự hấp dẫn hay thực chất cũng chỉ là trò tiêu khiển?

Máy khâu trở thành "hàng hot"

Theo The Guardian, kể từ khi dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, máy khâu cũng trở thành món hàng được săn lùng nhiều. Tại Mỹ, tần suất tìm kiếm cụm từ "máy khâu" trên Google đã tăng 400% vào năm 2020.

Máy khâu là món hàng được nhiều người tìm mua khi phải cách ly nhiều ngày tại nhà. Ảnh: John Lewis.

Thống kê từ cửa hàng bách hóa John Lewis tại Anh cho thấy doanh số bán máy khâu hàng tháng trong năm ngoái tăng 127%. Michel Zimmer - chủ cửa hàng vải Merchant & Mills ở Sussex, Anh - còn cảm thấy may mắn khi cửa hàng vẫn làm ăn tốt trong thời kỳ dịch bệnh.

Jonathan Simanjuntak (23 tuổi, sống tại Colorado, Mỹ) bắt đầu tìm đến may vá vào cuối tháng 3/2020. Tuy nhiên, mục đích ban đầu của chàng trai này không chỉ là một công việc gì đó giết thời gian.

"Thành thật mà nói, điều này liên quan rất nhiều đến việc tôi không đủ tiền mua quần áo hàng hiệu", Simanjuntak thừa nhận với Esquire.

Sau 3 tháng tìm tòi, làm thử rồi thất bại, anh mới hoàn thành chiếc áo khoác đầu tay của mình từ rèm hoa cũ. Sản phẩm của chàng trai 23 tuổi ngay lập tức thu hút nhiều bình luận trên Reddit.

Simanjuntak hoàn thành chiếc áo khoác đầu tay sau 3 tháng. Ảnh: Esquire.

Simanjuntak chỉ là một trong rất nhiều người đàn ông tìm thấy thú vui ở lĩnh vực may vá mỗi ngày. Họ không ngừng chia sẻ thành quả trên mạng xã hội. Với họ, cảm giác đầu tiên khi mặc sản phẩm của chính mình như "bị thôi miên và gây nghiện".

"Ngày càng nhiều thợ thủ công nam trong cộng đồng của chúng tôi. Họ chủ yếu thuộc độ tuổi 25-34. Khoảng 1/3 số người trong cộng đồng mới bắt đầu học may từ khi có dịch bệnh", Edward Griffith - giám đốc điều hành Cộng đồng thủ công LoveCrafts - cho biết.

Vượt qua định kiến về giới

Thabo Sabo (22 tuổi) thường chia sẻ hình ảnh về những chiếc áo tự làm trên mạng xã hội. Anh tiết lộ bản thân bị cười nhạo khi nói về chuyện may vá.

Peter Kanter - một trong những thí sinh của cuộc thi British Super Sewing - cũng nhận thấy phản ứng của mọi người chứa đựng sự khinh thường với đàn ông may vá.

"Thái độ của mọi người với nghề may thật kỳ lạ. Nhiều nhà thiết kế hoặc thợ may nam nổi tiếng thì được coi trọng. Trong khi đó, chúng tôi may ở nhà lại bị gọi là đàn bà", Kanter thẳng thắn.

Ngày càng nhiều nam giới tự may đồ và chia sẻ lên trang cá nhân. Ảnh: @ms.sew.

Tuy vậy, cái nhìn tiêu cực từ mọi người vẫn không thể ngăn cản các chàng trai dám hiện thực hóa mong muốn của mình. Sabo luôn tự hào mỗi khi có người hỏi anh về chiếc quần thể thao làm lại từ túi đựng đồ adidas.

Kanter cũng thường xuyên nhận được tin nhắn từ "hội anh em" chia sẻ về chuyện tự may trang phục. Ngoài nhu cầu sửa chữa và tái sử dụng, họ đều mong muốn được làm ra những bộ quần áo độc đáo.

Không chỉ đơn thuần để phục vụ bản thân, Ishmael Jasmin (20 tuổi, sống tại Los Angeles, Mỹ) còn bắt đầu bán các sản phẩm thời trang dạo phố của riêng mình từ chất liệu vải dệt.

Nhiều sew bros trên thế giới bất ngờ nhận ra sự bóc lột lao động và tác hại của ngành thời trang nhanh sau khi dành 6-8 tiếng may một chiếc áo. Năm 2020, tờ The Guardian từng phát hiện một nhà máy ở Leicester chuyên cung cấp quần áo cho Boohoo - công ty thời trang nhanh lớn nhất thế giới - trả cho người lao động chưa tới 5 USD/giờ làm việc.

Dành thời gian tự làm trang phục khiến nhiều người nhận ra giá trị thực của sức lao động. Ảnh: @corianton.

Làm trang phục từ chất liệu chất lượng cùng chiếc máy khâu chuyên dụng có thể đắt. Tuy nhiên, mục đích của xu hướng này là khuyến khích mọi người tận dụng tối đa những gì đang có. Bởi khi cố gắng tạo ra một món đồ, người ta không cần quan tâm đến bên ngoài. Chỉ bản thân và chiếc máy là đủ để tạo nên sự kết hợp hoàn hảo.

Với số đông nam giới tìm đến may vá, họ có thể chỉ cần đáp ứng nhu cầu của bản thân. Điều đó không có nghĩa họ sẽ sớm từ bỏ hoặc không cống hiến lớn hơn cho thời trang trong tương lai. Theo Esquire, đến năm 2024, thị trường thủ công toàn cầu sẽ đạt 51 tỷ USD và thợ thủ công nam là một trong những nguồn lực quan trọng.

Thu Trà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trao-luu-tu-may-va-quan-ao-tai-nha-cua-nam-gioi-post1185558.html