Trào lưu sơn cờ Tổ quốc: 'Trend' lành mạnh nhưng đừng tùy tiện
Hình ảnh cờ Tổ quốc được sơn tràn ngập trên các mái nhà, một trào lưu mới thể hiện tinh thần yêu nước bằng hành động cụ thể. Tuy nhiên, trào lưu lành mạnh, truyền cảm hứng nhưng cũng cần cẩn trọng khi sử dụng hình ảnh Quốc kỳ.
Những ngày gần đây trên các nền tảng mạng xã hội tràn ngập hình ảnh và video vẽ và sơn cờ Tổ quốc trên tường, mái nhà… khắp mọi miền đất nước. Người bắt đầu trào lưu ý nghĩa này là Lê Quang Vũ (29 tuổi) hiện sống ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi xây xong căn nhà tặng bố mẹ, thấy mái lợp tôn đỏ, anh Vũ nảy ra ý tưởng vẽ ngôi sao vàng 5 cánh lên trên, tạo thành hình lá cờ Tổ quốc có diện tích 150m2 với mong muốn thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và chào mừng ngày Quốc khánh 2/9. Anh Vũ đã truyền tải video về hình ảnh này trên mạng xã hội, đến nay đã có 3 triệu lượt truy cập và được lan truyền rộng rãi.
Giờ đây xu hướng sơn cờ trên mái nhà đã lan ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Nam, Tây Ninh… Nhiều người thậm chí còn vẽ cờ lên mái ngói, cửa cuốn, tạo nên một phong trào rộng khắp cả nước. Hàng trăm video, hình ảnh về lá cờ Tổ quốc liên tục được đăng tải lên mạng xã hội cho thấy sức lan tỏa của trào lưu này. Có những video thu về hàng triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt tương tác.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý nghĩa tích cực, trào lưu này cũng gây nhiều lo ngại. Đại tá Vũ Quốc Bình băn khoăn vì đây là một trào lưu nên sẽ dẫn tới thoái trào: “Tôi đánh giá cao những hành động này. Mỗi lá cờ được vẽ ra sẽ là một lời nhắc nhở về tình yêu quê hương đất nước, rất đáng quý. Nhưng nếu vẽ tràn lan và không đúng vị trí sẽ làm giảm giá trị thiêng liêng của lá Quốc kỳ”.
Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội nhiều người cũng nghi ngại, bởi cũng như các trào lưu khác đã xuất hiện trước đây, rồi “trend” sơn cờ Tổ quốc cũng sẽ thoái trào và đi vào dĩ vãng. Có lẽ chỉ một thời gian nữa, không ai còn hăm hở trèo lên mái nhà để bỏ công sức, thời gian đo đạc, vẽ một lá cờ đỏ sao vàng sao cho đúng tỷ lệ, màu sắc. Với những người đã theo “trend”, có thể họ sẽ không đủ kiên nhẫn và nhiệt huyết để sơn lại lá cờ đã bạc màu do thời tiết hết lần này đến lần khác, nhất là khi lá cờ chiếm một diện tích tương đối lớn. Có những người rồi sẽ phải trả lại màu sơn cũ cho mái nhà, cửa cuốn vì không thể giữ gìn cho lá cờ trên mái nhà mãi thắm sắc đỏ và vàng tươi cánh sao.
Chưa hết, nhiều người còn lo ngại về một số vấn đề phát sinh như việc sơn cờ không cẩn thận, có thể bị coi là thiếu tôn trọng, đặc biệt khi hình cờ Tổ quốc bị phai màu, bẩn hoặc hư hại theo thời gian. Hoặc việc sơn cờ Tổ quốc trên các bề mặt công cộng có thể không tạo hiệu ứng thẩm mỹ và không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, hay mất an toàn khi leo trèo sơn vẽ trên mái nhà….Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, dù chỉ là theo “trend” nhưng cũng cần phải tìm cách để tránh bị rơi vào những tình huống không hay, nhất là khi “trend” đó lại liên quan tới một hình ảnh thiêng liêng như Quốc kỳ.
Bên cạnh những ý kiến cho rằng hành động này có phần chưa phù hợp, thì cũng có người bày tỏ băn khoăn liệu rằng vẽ cờ Tổ quốc trên mái nhà như vậy có đúng quy định của pháp luật hay không? Về câu hỏi này Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội nêu quan điểm: “Tôi cho rằng đây là việc làm tự phát, nhưng theo quy định pháp luật thì chưa có quy định nào cấm. Vì đây họ không cố ý xúc phạm hay làm xấu đi hình ảnh của quốc kỳ mà chỉ là muốn thể hiện tinh thần yêu nước. Hiện tại, chúng ta mới có hướng dẫn việc treo cờ thôi, tôi nghĩ cần sớm bổ sung ngay việc hướng dẫn việc sơn vẽ cờ Tổ quốc”.
Đồng tình với ý kiến này, nhà báo Việt Văn cũng cho rằng, trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật đã quy định chặt chẽ về việc treo Quốc kỳ - một biểu tượng thiêng liêng của quốc gia. Nhưng các hình thức thể hiện mới như vẽ, sơn trên các bề mặt khác nhau lại chưa được quy định rõ ràng. "Còn một khoảng trống pháp lý và quản lý văn hóa, khiến những hành động xuất phát từ lòng yêu nước có thể vô tình trở thành những biểu hiện không phù hợp hoặc thiếu tôn nghiêm. Vì vậy cần thiết phải bổ sung những quy định cụ thể hơn về sử dụng Quốc kỳ để tránh những hệ quả xấu từ những trào lưu dù ban đầu xuất phát điểm là tốt".
Cũng theo nhà báo Việt Văn, mọi quy định sẽ chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ và quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của mỗi công dân. Mỗi người đều có thể thể hiện trách nhiệm và lòng yêu nước, tự hào dân tộc của mình bằng cách trân trọng lá Quốc kỳ.
Hơn nữa, trách nhiệm, lòng yêu nước, tự hào dân tộc sẽ không chỉ được nhìn nhận thông qua cách mỗi người ứng xử với Quốc kỳ, mà còn có thể bằng nhiều hình thức, việc làm cụ thể khác nhau, như nhà văn Liên Xô Ilya Ehrenburg đã viết trong tùy bút của mình: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh”.
Sự sáng tạo rất đáng quý, nhưng hãy đảm bảo tính trang nghiêm của Quốc kỳ, để những lá cờ không chỉ đẹp trong mắt bạn mà còn bền vững theo thời gian, là niềm tự hào, kiêu hãnh của dân tộc.