Trào lưu mặc cổ phục Việt ngày càng được Gen Z 'thả tim', có thêm nhiều thiết kế ấn tượng

Mặc cổ phục Việt đang nhận được sự hưởng ứng, lan tỏa và dần phát triển thành trào lưu trong thế hệ Z.

Sức sống mới của trang phục cũ

Khi nhắc tới trang phục truyền thống của Việt Nam, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến áo dài. Thế nhưng trong suốt chiều dài lịch sử, ở mỗi thời kỳ đất nước ta đều có loại trang phục riêng mang dấu ấn văn hóa của thời đại đó. Với sự quan tâm của nhiều bạn trẻ đến phong trào cổ phong, cùng sự phát triển của các bộ phim, dự án nghệ thuật lịch sử, những bộ cổ phục Việt đã trở lại với một đời sống mới trong xã hội hiện đại.

Ảnh: V'style - Việt Cổ Phục Cách Tân.

Ảnh: V'style - Việt Cổ Phục Cách Tân.

Có thể kể đến việc các trang fanpage nghiên cứu và tái hiện những văn vật xưa của Việt Nam như Đại Việt Cổ Phong, Vietnam Center thu hút hàng chục ngàn lượt thích; group Việt Phục Hội có hơn 71K thành viên với nhiều bài chia sẻ kiến thức, thảo luận về cổ phục Việt,…

Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu cổ phục với phong cách khác nhau đã mang những bộ trang phục của người xưa “quen mặt” hơn với người trẻ, như V’style - Việt Cổ Phục Cách Tân phát triển cả 2 dòng sản phẩm cổ phục truyền thống và cổ phục cách tân, Tons - Áo dài ngũ thân truyền thống thiên về dáng ngũ thân Huế, Great Vietnam hay Đông Phong tỉ mỉ, tuân thủ kiểu dáng và lối nhuộm vải xưa,…

Các bạn trẻ Việt Nam hiện nay cũng đã quen thuộc hơn với những chiếc áo Nhật Bình, áo tấc, áo giao lĩnh,… trong các lễ hội, ngày Tết cổ truyền và cuộc sống thường ngày.

Ảnh: Vietnam Centre.

Chị Trần Thị Trang (founder của V'style - Việt Cổ Phục Cách Tân) chia sẻ: “Trong suốt 4 năm phát triển, chúng mình thấy được một sự chuyển đổi mạnh mẽ doanh số bán ra từ các sản phẩm cách tân sang các sản phẩm truyền thống. Điều này có lẽ là minh chứng cho việc sự phát triển của Việt Phục gần đây đã giải tỏa được những mặc cảm vô hình đối với Việt Phục của các bạn trẻ mà V’style thấy tồn tại trước đó. Đây quả là một tín hiệu đáng mừng cho Việt Phục”.

Với teen mình, phong trào tìm hiểu và mặc những bộ cổ phục cũng được “bắt sóng” và lan tỏa rất nhanh. Chắc hẳn bạn chưa quên bộ ảnh kỷ yếu lấy ý tưởng từ cổ phục Việt Nam của các bạn học sinh lớp 12 Pháp, THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), nhận được tới 11K lượt thích vì sự độc đáo, tôn vinh văn hóa Việt.

Ảnh: Cộng Studio.

Tại Vietnam - Japan Comic Fes tổ chức vào tháng 11/2020, các thành viên CLB Văn hóa Việt Nam THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã diện những bộ cổ phục để trình diễn Lễ Sách phong Hoàng Thái Hậu. Gần đây nhất, các bạn teen của Trạm Vẽ PHC (trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) vừa kết thúc dự án “Việt phục tinh hoa” để giới thiệu 7 bộ cổ phục quen thuộc trong suốt chiều dài lịch sử.

Dấu tích ngàn năm đằng sau vạt áo

Để lưu giữ những giá trị của cổ phục Việt, các nhà thiết kế đến từ các thương hiệu đã phải trải qua nhiều giai đoạn công phu để hoàn thành sản phẩm một cách chỉn chu nhất.

Ảnh: Ỷ Vân Hiên.

Chị Trần Trang cho biết, để làm nên một bộ trang phục truyền thống ưng ý, thời gian phải tính cả năm trời. “Ý tưởng của một người thiết kế luôn rất dồi dào, nhưng để hiện thực hóa nó thành một sản phẩm hữu hình, đảm bảo tính thực dụng và cân bằng với sự sáng tạo, quả thật rất khó. Chưa kể sự giới hạn đến từ chi phí của các thành phần nguyên liệu như công nghệ in, chất vải, hoặc độ khó trong quá trình may để có thể đào tạo cho thợ may trong xưởng, đảm bảo sản xuất đại trà”, chị Trang chia sẻ thêm.

Cũng bởi hiểu được sự kỳ công để tạo ra một sản phẩm trong khi tư liệu về các loại trang phục không nhiều, mà với những teen yêu mến cổ phục, việc khoác lên mình mỗi bộ đồ đều khiến các bạn yêu và tự hào hơn về trang phục đất nước mình.

Ảnh: Trạm vẽ PHC.

“Từ ngày biết đến cổ phục, mình mới thấy nó có nhiều ý nghĩa, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Ví dụ như áo dài ngũ (năm) thân tượng trưng phụ mẫu hai bên và chính người mang áo. Năm hạt nút cài áo mang ý nghĩa ngũ thường là nhân-lễ-nghĩa-trí-tín. Càng tìm hiểu lại càng thấy đẹp và trân trọng hơn những giá trị văn hóa mà người xưa để lại, dù là chỉ qua những chiếc áo mặc hằng ngày thôi”, bạn Hồng Thanh (Hà Nội) chia sẻ.

“Nhập môn” cổ phục Việt

Những cuốn sách “nhập môn” cổ phục Việt có thể kể đến Ngàn năm áo mũ, nghiên cứu về trang phục Việt Nam trong dân gian và cung đình từ thời Lý đến thời Nguyễn; sách ảnh song ngữ Dệt nên triều đại phỏng dựng trang phục thời Lê sơ thế kỷ 15, với sự miêu tả chi tiết từ lịch sử hình thành đến cách đo, cách mặc của từng loại trang phục.

Ảnh: Vietnam Centre.

Có rất nhiều địa chỉ nhận đặt may, cho thuê cổ phục teen có thể tham khảo như Đông Phong, V’style - Việt Cổ Phục Cách Tân, Thủy Trung Nguyệt, Ỷ Vân Hiên, Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp… Chi phí cho mỗi bộ Việt phục đặt may sẽ khoảng vài triệu đồng, còn mức giá thuê trong ngày sẽ dao động từ 300.000 - 600.000 đồng/ bộ. Bạn cũng có thể thuê kèm các phụ kiện như kiềng đeo cổ, nón để khiến bộ cổ phục trở nên long lanh hơn.

Để có một bộ ảnh “xuyên không” đẹp thì những di tích lịch sử, đình chùa với không gian cổ kính là một lựa chọn rất phù hợp. Tuy nhiên, cũng cần chú ý giữ trật tự để không ảnh hưởng đến những người xung quanh và cần xin phép ban quản lý ở một số nơi nếu bạn muốn chụp hình nhé!

Hiền Vũ

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/trao-luu-mac-co-phuc-viet-ngay-cang-duoc-gen-z-tha-tim-co-them-nhieu-thiet-ke-an-tuong-post1324652.tpo