Trào lưu khoe giàu, khoe sang: Ít tiền bị coi thường?

Giàu có nhờ tài năng, trí, đức thì phải biết phân biệt được bản chất với hiện tượng, không bị choáng ngợp bởi những giá trị vật chất ảo...

Một lãnh đạo doanh nghiệp BĐS chia sẻ lòng thương cảm, khi phải chứng kiến nhiều người khoe giàu, khoe tiền nhưng ít khoe đạo hạnh. Vị này cho biết, những người thích khoe có thể lại là những người cô độc, không hạnh phúc.

Khoe giàu, khoe sang nhưng ít khoe đạo hạnh. Ảnh: minh họa

Khoe giàu, khoe sang nhưng ít khoe đạo hạnh. Ảnh: minh họa

Đồng cảm với nhận định trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại thừa nhận, đây là hệ quả của thời kỳ chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang thị trường của Việt Nam.

Theo đó, khi thị trường được mở cửa, đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam thì cũng kéo theo những khủng hoảng nhất định về văn hóa, tinh thần, làm thay đổi tư duy, nhận thức khiến nhiều người bị nhầm lẫn giữa giá trị với hiện tượng.

Vị chuyên gia cho rằng, chính vì khi cái cũ bị tổn thương nhưng chưa mất đi, trong khi cái mới được hình thành nhưng chưa hoàn thiện đã dẫn tới những đảo lộn về giá trị đạo đức, luân lý xã hội thay đổi theo hướng có tiền sẽ lên ngôi, ít tiền bị coi thường.

Từ tâm lý như vậy nên người ta có thì phải khoe để chứng minh đẳng cấp, chứng minh vị thế, còn những người có được ít tiền, hoặc không có nhưng muốn oai thì cũng phải cố khoe cho bằng bạn, bằng bè.

"Những người giàu có nhờ tài năng, trí, đức thì phải biết phân biệt được bản chất với hiện tượng, không bị choáng ngợp bởi những giá trị vật chất ảo, không huyễn hoặc bản thân làm màu trước thiên hạ", PGS Nguyễn Văn Nam nói.

Đáng tiếc, trong số những người giàu có bằng tài năng, bằng trí tuệ thì vẫn có những người giàu lên nhờ chụp giật, cơ hội, nhờ làm ăn gian dối...

Khi sự giàu có không đi liền với trình độ, văn hóa, đạo đức thì xã hội ngày càng phải chứng kiến nhiều hình ảnh "trái mắt", phản cảm, thiếu văn minh. Vị chuyên gia cho biết, hiện tượng trên có ở trong mọi lĩnh vực của đời sống từ kinh tế, văn hóa, xã hội cho tới cả giáo dục.

Lấy ví dụ trong kinh doanh, ông nói rằng khi xã hội chạy theo đồng tiền, giá trị đạo đức bị xem nhẹ thì những kiểu làm ăn gian dối, lừa đảo sẽ ngày càng phổ biến.

Điển hình phải nhắc đến tập đoàn kinh doanh BĐS của Alibaba. Bằng cách nào đó họ đã phô trương thanh thế, phô trương quyền lực, tài chính nhưng giá trị thực không có vì thế mà hàng nghìn khách hàng chính là người dân đang phải lãnh hậu quả.

"Đây là một ví dụ của kiểu làm ăn, kinh doanh thiếu đạo đức, coi thường pháp luật. Nhưng khách hàng bị mắc bẫy cũng còn do bị hoa mắt, bị choáng ngợp bởi những kiểu quảng cáo hoành tráng, ba hoa mà quên tìm hiểu về giá trị thật", PGS Nguyễn Văn Nam nói.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, giá trị của doanh nghiệp là chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh. Một doanh nghiệp kinh doanh đàng hoàng sẽ phải luôn coi trọng lợi ích của khách hàng, lấy khách hàng làm trọng, khách hàng là gốc.

Còn ở giới trí thức, vị chuyên gia cho biết có không ít người vỗ ngực khoe oai, khoe bằng cấp, khoe địa vị, thậm chí còn lớn tiếng dạy đạo đức nhưng trở về với gia đình lại lộ rõ bản chất là người con bất hiếu, thiếu phần đạo hạnh.

"Người ta có thể sẵn sàng bỏ ra cả tiền triệu, tiền tỉ mua đồ cho bồ, đưa gái đi chơi nhưng lại quên mua quà cho bố mẹ. Họ khoe có hai ba cái nhà nhưng vẫn về tranh đất, tranh nhà với anh chị em, đuổi bố mẹ ra đường...", vị chuyên gia kể.

Lại cũng có những người nếu xét về bằng cấp xã hội thì được gọi bằng ông nọ, ông kia, nhưng xét về năng lực thì chỉ đứng cùng hàng công nhân. Nguyên nhân là do cơ chế chuyển đổi còn lộn xộn, xã hội chưa hình thành được những thước đo chuẩn mực nên mọi giá trị, lối sống, cách ứng xử giữa con người với con người cũng bị đảo lộn.

Cho đến giới trẻ cũng vậy, kiểu khoe khoang không còn là hiếm. Hình ảnh một thanh niên ăn vận bảnh bao, đi xe SH nhưng lại nhổ ngay nước bọt vào một cô gái vì chưa kịp nhường đường khiến dư luận bức xúc. Hay, mới đây là 3 nam thanh niên to khỏe lao vào đánh một nữ phụ xe buýt vì bị nhắc nhở chửi bậy... là một minh chứng cho thấy sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức, lối sống. Đây là mặt trái của việc nhiều tiền, nhiều của nhưng xem nhẹ giá trị văn hóa, đạo đức.

"Được chiều chuộng từ bé, được đáp ứng từ bé thì khi lớn lên cũng sẽ sống ích kỷ, vô tâm, đứng trên đầu người khác", PGS Nguyễn Văn Nam lo ngại.

Người giàu Việt tăng nhanh: 'Bỗng nhiên thành chúa'

Vị chuyên gia cho biết, việc khoe giàu sang, khoe tiền bạc, địa vị chỉ là những giá trị ảo nhất thời, khi nền kinh tế tiệm cận dần với cơ chế thị trường mọi nhìn nhận sẽ thay đổi.

"Đánh giá con người không chỉ dựa trên sự hào nhoáng, khoe khoang bề ngoài mà cần nhìn vào bản chất thực sự, tiềm năng ẩn giấu bên trong.

Tôi từng được tiếp xúc với một bà cụ, vẻ ngoài ăn mặc nhếch nhác, lôi thôi nhưng khi vào nhà mới thấy người ta giàu cỡ nào. Hàng thùng tiền, thùng vàng được cất giữ, thậm chí nhiều giao dịch ngân hàng lớn nhưng chưa một lần được bà khoe ra.

Đó mới là những con người giàu có thật sự", vị chuyên gia nhận định.

Nguyễn Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/trao-luu-khoe-giau-khoe-sang-it-tien-bi-coi-thuong-3389916/