Trào lưu khẳng định 'cái tôi' trong âm nhạc

Vài năm trở lại đây, trào lưu nghe nhạc Indie bỗng nhiên nở rộ và đặc biệt thịnh hành, không chỉ trên thế giới mà còn ở Việt Nam. Vậy Indie thật sự là gì?

Tại thị trường nhạc Việt, nhắc đến phong cách Indie thì không thể bỏ qua Lê Cát Trọng Lý.

Có thể hiểu đơn giản, indie là thế giới của những người yêu và muốn thể hiện gout âm nhạc riêng, mang đầy màu sắc và cá tính bản thân. Họ quay lưng với sự ồn ào của thị trường nhạc xô bồ ngoài kia. Họ mở lối đi riêng, tự sáng tác và hát chính ca khúc sáng tác, tất cả xuất phát từ niềm đam mê âm nhạc. Sự xuất hiện, thành công và dấu ấn của nhiều nghệ sĩ indie hiện nay là một tín hiệu đáng mừng cho sự nỗ lực và đi lên từ chính tài năng và niềm đam mê của mình.

So sánh với dòng nhạc Underground

Cần khẳng định ngay rằng, Indie không giống Underground - nơi mà những nghệ sỹ thường truyền tay nhau những bản nhạc tự phát, chơi nhạc không thiên về lợi nhuận - các nghệ sỹ Indie vẫn hoạt động "chơi nghệ thuật là 9 - tìm kiếm doanh thu là 10". Tuy nhiên, điều giúp dòng Indie tách biệt với số đông, tạo được một dấu ấn riêng đặc biệt hơn nửa thế kỷ, đó chính là từ "độc lập".

Khởi nguồn từ thập niên 60, Indie xuất phát từ Independent (độc lập). Trái với dòng Mainstream (chính thống, hay gọi nôm na theo từ ngữ hiện đại là thị trường). Đúng theo nghĩa đen của từ Indie, những nghệ sỹ theo dòng này thường là những ban nhạc tự phát, tự làm mọi việc từ thu âm, quảng cáo, và phát hành đĩa mà không thông qua các hãng đĩa đại gia (như Universal, Sony...). Indie không chỉ dừng lại như là một thể loại, mà nó còn là một nét văn hóa đặc trưng, đi kèm với phong trào DIY (Do-It-Yourself) ở phương Tây, nơi mà con người được giáo dục tính tự lập ngay từ bé.

Những sự thật ít người biết

Sự độc lập của các nghệ sĩ Indie thể hiện trong chính âm nhạc, cách thể hiện và cách mang bài hát đến với người nghe.

Sự độc lập của các nghệ sĩ Indie thể hiện trong chính âm nhạc, cách thể hiện và cách mang bài hát đến với người nghe.

Indie ngày nay vẫn mang tính chất vốn có của nó. Chỉ khác là nó đang dần chiếm thế thượng phong trong nền âm nhạc thế giới. Các nghệ sĩ indie xuất hiện ngày càng nhiều, họ nhanh chóng chiếm được nhiều tình cảm từ người hâm mộ và liên tiếp nhận các giải thưởng âm nhạc uy tín.

Các band nhạc indie hiếm khi nhận được sự hậu thuẫn từ công ty quản lý. Những sản phẩm của họ lần lượt ra đời nhờ vào những hợp đồng biểu diễn trong các quán bar, show diễn nhỏ ngoài trời, hệ thống đài phát thanh ở các trường đại học, hoặc thậm chí truyền miệng.

Trào lưu indie ngày càng lớn mạnh và ảnh hưởng sang cả Châu Á. Hẳn chúng ta còn nhớ cái thuở ban đầu xa lạ với những cái tên Buzz, Cherry Filter, Yozoh, No Brain,… của Kpop. Hiện nay, không quá khó để biết đến Nell, Urban Zakapa, Busker Busker, Epitone Project, 10cm… khi tên tuổi họ đã dần trở nên khá quen thuộc. Những ca khúc của họ đứng đầu các bảng xếp hạng nhiều tuần liền, dù họ không mang dáng dấp của những nghệ sĩ idol hay được trợ lực từ những hãng đĩa danh tiếng.

Người nghe nhạc có thể bắt gặp ở những ca khúc indie không phải là một cái gì đó quá triết lý và hàn lâm, không phải những bài hát chỉ để nghe một lần. Những sáng tác đó chứa thông điệp từ cuộc sống, tình yêu giữa con người với con người, rất gần gũi, bình dị, một chất nhạc lạ tai từ tận sâu người nghệ sĩ muốn được hát, thể hiện và cống hiến.

Những nghệ sĩ Indie tiêu biểu của Vpop

Tại thị trường nhạc Việt, nhắc đến phong cách Indie thì không thể bỏ qua Lê Cát Trọng Lý. Cô chính là một nghệ sĩ Indie được nhiều người yêu mến ở Việt Nam, đến nỗi người ta còn tưởng Lý đã trở thành một hiện tượng đại chúng. Nhưng điều này chỉ đúng khi Lý đồng ý sáng tác và hát những ca khúc quảng cáo; còn tất cả album hay buổi biểu diễn của Lý đều rất kín tiếng và luôn mang màu sắc của riêng cô.

Gần đây, những cái tên như Vũ, Thái Đinh hay Ngọt Band cũng chính là những đại diện thú vị cho Indie Việt. Họ sáng tác, hát, hoạt động nghệ thuật cho đại chúng nhưng mỗi ca khúc dường như gắn liền với cảm xúc của người nghệ sĩ, của bản thân họ chứ không hề chạy theo thị trường, thị hiếu khán giả.

Sự độc lập của họ thể hiện trong chính âm nhạc, cách thể hiện và cách mang bài hát đến với người nghe. Thực tế, âm nhạc luôn cần được lan truyền, quan trọng là đến cuối cùng họ có giữ được cái chất riêng ban đầu hay không.

Thiên Nhã

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/trao-luu-khang-dinh-cai-toi-trong-am-nhac-3903190-c.html