Trào lưu dàn dựng video 'quay lén' để nổi tiếng tại Trung Quốc

Nhiều người trẻ Trung Quốc dàn dựng các video, hình ảnh 'quay lén', 'chụp lén' với mong muốn trở thành hiện tượng mạng và kiếm tiền từ sự nổi tiếng đó.

“Những cô gái đẹp, sành điệu ngập tràn phố Trung Quốc”, “Con gái Trung Quốc dạo này ai cũng là 'nữ thần' thì phải?”, “Bước xuống phố là bắt gặp toàn mỹ nhân”... là loạt tiêu đề video được lan truyền khắp các diễn đàn, lôi kéo hàng triệu lượt nhấp chuột của dân mạng.

Trong các clip dài từ vài ba phút đến 15 phút, những chàng trai, cô gái xinh đẹp ở đất nước tỷ dân tự tin sải bước dọc những con phố sầm uất, không để ý có người đang “quay lén” mình.

Nếu có “phát hiện” ống kính, một số người nhìn vào máy quay mỉm cười, số khác ngại ngùng quay mặt đi, nhiều người còn chủ động làm dáng ngộ nghĩnh, đáng yêu để thu hút người xem.

Tất cả trông như thể một tình huống ngẫu nhiên.

Thực tế, đa phần những sản phẩm đó chỉ là dàn dựng.

Những cô gái, chàng trai đó không phải vô tình mà lọt vào “mắt xanh” của các nhiếp ảnh gia thời trang tại những khu phố đông đúc.

Zing.vn trích dịch bài viết trên What’s on Weibo về trào lưu dàn dựng các video bị “quay trộm”, “chụp lén” trên đường phố với mong muốn được nổi tiếng nhờ mạng xã hội của người trẻ Trung Quốc.

Xu hướng trên là một phần của “Wanghong economy” - ngành công nghiệp kiếm tiền qua mạng Internet đang bùng nổ những năm gần đây ở nước này.

Những hình ảnh được dàn dựng như thể các cô gái vô tình được nhiếp ảnh gia ghi lại.

Những hình ảnh được dàn dựng như thể các cô gái vô tình được nhiếp ảnh gia ghi lại.

"Diễn sâu" để nổi tiếng

Không phải một người cứ xinh đẹp, tài năng là sẽ có cơ hội được “khai quật” hay trở thành đề tài khiến người ta “trầm trồ” trên mạng xã hội.

Vì vậy, nhiều người trẻ Trung Quốc muốn trở nên nổi tiếng hoặc công ty đứng sau họ sẽ tự tổ chức các buổi chụp hình thời trang (thường gọi là “Fashion shoot”).

Những chàng trai, cô gái sau đó sẽ đăng lên trang cá nhân đoạn video dàn dựng và nói rằng mình vô tình được phát hiện bởi các nhiếp ảnh gia đường phố.

Bằng cách đó, những người mẫu tự do và công ty đứng sau họ lôi kéo công chúng theo dõi tài khoản Weibo, Douyin, Xiaohongshu hay WeChat và biến những nền tảng mạng xã hội này thành sân khấu riêng của họ.

Theo People Daily, chỉ tính ở Hàng Châu đã có hơn 200 nhiếp ảnh gia thực hiện công việc chụp ảnh người mẫu trong các cuộc “trình diễn đường phố” được dàn dựng.

Nhiếp ảnh gia có thể kiếm từ 20.000 đến 30.000 nhân dân tệ (khoảng 2.900 USD-4.300 USD) từ mỗi dự án. Người mẫu được trả lương cao hơn.

Trào lưu chụp ảnh đường phố đã có ở đất nước tỷ dân cách đây nhiều năm. Sự biến tướng của nó bị "phát giác" vào khoảng những năm 2015, 2016.

Nhiều người mong có thể nổi tiếng qua những đoạn hình ảnh xinh đẹp trên đường phố.

Thời điểm đó, video của những người ngoài cuộc ghi lại cảnh các nhiếp ảnh gia và người mẫu đang cố tình xây dựng tình huống, cảnh quay như thể họ vô tình lướt qua nhau khiến dư luận bất ngờ.

Gần đây, xu hướng này nở rộ ở một số khu vực trung tâm mua sắm Yintai ở Hàng Châu hay Taikoo Li của Thành Đô.

Một địa điểm đặc biệt thu hút nhiều nhiếp ảnh gia đường phố phải kể đến là khu Sanlitun ở Bắc Kinh. Đây là nơi các tay “săn” ảnh từ lâu đã tập trung quanh các cửa hàng của Apple hay Uniqlo với ống kính lớn, cố gắng bắt lấy những hình ảnh người đi lại với trang phục ấn tượng.

Trên ứng dụng có tên Douyin, các clip ngắn về thời trang đường phố rất phổ biến, đi kèm với nó là một liên kết cho phép người dùng mua trang phục giống như các cô gái trong video.

Dù có nhiều mặt trái, khoản lợi nhuận khổng lồ vẫn thu hút ngày càng nhiều người trẻ, công ty, thương hiệu chọn đầu tư làm các video này.

Làm marketing bằng cách “dắt mũi” dư luận

Với sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội, đôi khi chỉ với một tấm ảnh, nhiều người có thể bỗng dưng nổi như cồn và cuộc sống hoàn toàn thay đổi chỉ sau một đêm.

Điển hình có thể kể đến “chàng ăn mày đẹp trai nhất Trung Quốc” Trình Quốc Vinh với độ nổi tiếng lan sang nhiều nước châu Á hồi năm 2010.

Bức hình anh trong bộ đồ cũ nặng nề nhưng lại được phối khá đẹp, cộng với biểu cảm phong trần, dáng đi có nét lãng tử giúp người đàn ông đến từ Ninh Ba chiếm "spotlight" trên mạng suốt thời gian dài.

Sự nổi tiếng dễ dàng dẫn đến việc dàn dựng hình ảnh nhằm “dắt mũi” công chúng để kiếm tiền ngày càng phổ biến.

Không riêng các cá nhân muốn nổi tiếng, nhiều công ty thời trang, mỹ phẩm cũng chọn cách dàn dựng tương tự để sản phẩm của mình được công chúng biết tới nhiều hơn.

Nhiều người dễ dàng nổi tiếng qua những hình ảnh độc, lạ trên mạng.

Năm 2017, trên mạng xã hội xứ Trung lan truyền video một cô gái trẻ bị người phụ nữ trung niên mắng chửi thậm tệ trên tàu điện ngầm ở Bắc Kinh vì mặc trang phục cosplay hở hang.

Câu chuyện thu hút sự chú ý của truyền thông và cư dân mạng thời điểm đó. Đa số ý kiến đứng về phía cô gái, ủng hộ thái độ bình tĩnh của cô trước lời chỉ trích nặng nề từ đối phương.

Cuối cùng, công chúng “ngã ngửa” phát hiện đó chỉ là một video được dàn dựng để quảng cáo cho thương hiệu thực phẩm đông lạnh được in phía sau lưng người phụ nữ lớn tuổi kia.

Năm 2015, bức ảnh chàng trai xếp 50 gói bỉm trẻ em thành trái tim khổng lồ để cầu hôn bạn gái đang mang bầu làm mưa làm gió trên các diễn đàn mạng. Trong một túi bỉm có chiếc nhẫn kim cương.

Thực tế, màn cầu hôn này được tài trợ bởi chính công ty bỉm mà anh ta sử dụng.

Wanghong - xu hướng “hái ra tiền”

Influencer marketing (tạm dịch: Tiếp thị bằng người có sức ảnh hưởng) đang bùng nổ ở Trung Quốc. Năm 2018, ngành công nghiệp này mang về lợi nhuận khổng lồ 17,16 tỷ USD.

Cả trào lưu nhiếp ảnh đường phố và dàn dựng video gây sốc để quảng cáo đều là một phần của “Wanghong economy” - trào lưu kiếm tiền dựa vào những người nổi tiếng trên mạng.

Trở thành một “wanghong” là công việc kiếm tiền dễ dàng: Càng nhiều lượt nhấp chuột, số người xem càng cao, họ càng kiếm được khoản lợi lớn.

Sử dụng KOLs để quảng bá sản phẩm được xem là lựa chọn thông minh vì những người này có lượng theo dõi "khủng" trên tài khoản cá nhân.

Giá cả tùy thuộc vào độ nổi tiếng và sức ảnh hưởng của từng người. Ví dụ, stylist Xiao P từng ra giá 11.060 USD cho mỗi lần sản phẩm được nhắc tên trên bài đăng Weibo của mình.

Theo thống kê của nền tảng marketing PARKLU, mỗi sản phẩm được giới thiệu trên bài đăng của KOLs sẽ có giá dao động khoảng 8.700 USD.

Trong một cuộc khảo sát trực tuyến của Tencent, có đến 54% người trẻ trong độ tuổi đại học ước mơ trở thành ngôi sao mạng xã hội.

Khoảnh khắc tình tứ trên phố đi bộ của đôi trẻ Trung Quốc Đại Thí Thí - Hạ Duệ Hàm nổi tiếng mạng xã hội Trung Quốc nhờ loạt hình ảnh "tình bể bình" trên phố đi bộ.

Đinh Phạm
Ảnh: Sina, Weibo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trao-luu-dan-dung-video-quay-len-de-noi-tieng-tai-trung-quoc-post960604.html