Trao lại con tại Ba Vì: Gấp gáp sẽ hỏng việc

Việc trao lại con giữa 2 gia đình tại Ba Vì cần được thực hiện từ từ, tránh gây hoảng loạn, chấn động tâm lý cho trẻ.

Liên quan đến vụ trao nhầm con ở Bệnh viện Ba Vì, hai nữ hộ sinh để xảy ra sự việc trên đã bị tạm dừng công tác chuyên môn là đỡ đẻ và tắm cho trẻ sơ sinh, đồng thời điều chuyển sang làm các công việc hành chính để chờ kết luận của cơ quan chức năng, xử lý theo quy định.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, tất cả những việc đó là về mặt pháp luật. Điều quan trọng lúc này là việc trao lại con giữa 2 gia đình. Mục tiêu không phải là oán trách những người hộ sinh tại Bệnh viện Ba Vì mà mục tiệu chính là làm thế nào để giải quyết việc này trên tinh thần vị tha, khoan dung và tốt nhất cho 2 cháu.

Cha mẹ của cả 2 bên gia đình đều đang có những trăn trở sau 6 năm nuôi con người khác. Họ băn khoăn liệu gia đình bên kia nuôi con như thế nào, con có được chăm sóc yêu thương hay không. Tâm lý đó ám ảnh 2 bên gia đình sẽ gây nguy hiểm cho 2 cháu bé, khiến cho 2 bé mất phương hướng, chấn động tâm lý.

Hiện tại, một trong 2 bên gia đình vẫn chưa đồng ý trao lại con. Chuyên gia Nguyễn Anh Chất cho rằng, đây là tâm lý bình thường của người làm mẹ. Đặc biệt, chị H phải nuôi con một mình và chịu nhiều những tổn thương do việc trao nhầm con này gây ra.

“Thật ra, cả 2 bên gia đình đều có tâm lý muốn nhận lại con ruột của mình vì dù sao đó là “máu mủ ruột già”. Song đối với người mẹ đã chăm sóc yêu thương con suốt 6 năm thì để chấp nhận việc đứa con mình nuôi nấng không phải là con ruột là điều không hề dễ dàng”, chuyên gia An Chất nói.

Bé H cùng bố mẹ nuôi dưỡng mình 6 năm nay là vợ chồng anh Sơn. Ảnh: Báo Gia đình và Xã hội.

Trong trường hợp, một gia đình không trao lại con sẽ vi phạm pháp luật, nên các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc nhưng không được “đao to búa lớn” mà cần phải có trao đổi tình nghĩa.

Còn theo chuyên gia tâm lý - TS Phan Quốc Việt, bên cạnh cơ quan chức năng, chị H cũng cần có sự hỗ trợ từ phía người thân. Trong gia đình, ai là người chị yêu quý và nể trọng nhất sẽ là người đưa ra những lời khuyên, hỗ trợ về tâm lý để chị bình tĩnh, hiểu vấn đề.

Ngoài ra, việc trao lại con giữa hai gia đình cần được thực hiện chuyển giao dần dần. Các bé vẫn sẽ ở với bố mẹ nuôi nhưng một tuần sẽ cho về với bố mẹ đẻ một lần, rồi tăng dần lên số ngày. Việc này sẽ tạo thói quen cho trẻ, dần dần chúng sẽ quen với việc đó.

“Giống như việc đói thì phải cho ăn lại từ từ, từng chút một thì việc này cũng cần có thời gian để trẻ thích nghi”, TS Việt cho biết.

Khi về nhà mới, trẻ thích ai thì nên để người đó chăm sóc, chơi và gần gũi với bé. Song tốt nhất, 2 gia đình nên thường xuyên ăn cơm, đi chơi, tiếp xúc với nhau để trẻ cảm thấy gần gũi và coi cả 2 đều là gia đình của mình.

Phạm Dung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/trao-lai-con-tai-ba-vi-gap-gap-se-hong-viec-618396.ldo