Trao giải cuộc thi viết về những tấm gương thầy cô tâm huyết, yêu nghề

Nhân vật trong tác phẩm dự thi Cuộc thi viết 'Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác' năm học 2020-2021 phần lớn là các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì học trò.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức trao giải Nhất cho tác giả Trần Tuấn Ngọc, Báo Lào Cai với Tác phẩm "Người thầy mang bếp lửa ấm đến vùng cao"- Ảnh: VGP/Nhật Nam

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức trao giải Nhất cho tác giả Trần Tuấn Ngọc, Báo Lào Cai với Tác phẩm "Người thầy mang bếp lửa ấm đến vùng cao"- Ảnh: VGP/Nhật Nam

Chiều 29/4, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2020-2021. Cuộc thi do Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) tổ chức.

Năm học 2020-2021, cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ IV tiếp tục thu hút số lượng lớn người tham gia với chất lượng bài dự thi được nâng lên rõ rệt.

Kể từ thời điểm phát động (tháng 5/2020) đến khi kết thúc nhận bài (28/02/2021), Ban Tổ chức đã nhận được gần 8.000 tác phẩm dự thi đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Người tham gia là những cây bút chuyên và không chuyên, trong đó phần lớn là những người đã, đang công tác trong ngành giáo dục và học sinh, sinh viên.

Nhân vật trong tác phẩm chiếm phần lớn là các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì học trò, cùng với đó là tấm gương người học giàu nghị lực, ham học hỏi, có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện…

Ban Giám khảo cuộc thi đã chọn được 93 bài vào vòng Chấm chung khảo. Trên cơ sở kết quả chấm và ý kiến thống nhất của các thành viên Ban Giám khảo, Ban Tổ chức đã quyết định trao 14 giải (gồm giải cá nhân và tập thể), bao gồm một giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba; 5 giải Khuyến khích; một Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải; 2 giải cho Tập thể có số lượng bài dự thi nhiều và đạt chất lượng tốt.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Qua 4 năm, cuộc thi luôn nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên trên cả nước, thực hiện được mục đích sâu sắc là lan tỏa những tấm gương học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành giáo dục; truyền cảm hứng cho thầy, trò nỗ lực phấn đấu làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Cho đến nay, cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thiết thực trong toàn ngành giáo dục, là dịp để nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, phong cách, tác phong làm việc đối với đông đảo giáo viên, học sinh, sinh viên trên mọi miền Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi trao giải cho 2 Sở GD&ĐT xuất sắc là Lạng Sơn và Lào Cai - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Chất lượng bài dự thi được đánh giá khá tốt, nội dung phong phú và có chiều sâu; nhiều tấm gương đẹp, mô hình hay, cách làm hiệu quả lần đầu được phát hiện. Có những bài dự thi gây ấn tượng mạnh bởi những câu chuyện đẹp, xúc động, được viết từ rung cảm mạnh mẽ, sâu sắc của tác giả với nhân vật.

Ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), đại diện Ban Giám khảo chung khảo cuộc thi chia sẻ: “Trực tiếp tham gia chấm bài dự thi, chúng tôi nhận thấy hầu hết các bài dự thi đã đáp ứng các tiêu chí trong thể lệ. Có những tác phẩm được tác giả viết bằng cả tâm huyết, tình cảm và sự biết ơn để gửi tới thầy cô giáo của mình với những kỷ niệm đẹp đẽ về tình thầy trò, về mái trường mến yêu”.

Nhiều tình huống đời thực đã được tác giả thuật lại trong tác phẩm dự thi của mình bằng những từ ngữ, hình ảnh tràn đầy cảm xúc. Đó là những việc làm, tấm lòng của thầy cô giúp thay đổi suy nghĩ, hướng thiện cho học trò thân yêu hoặc những cảm nhận, cảm phục của thầy cô với học trò.

“Đây chính là những nét rất riêng của cuộc thi, tạo nên những điểm nhấn, với những màu sắc đặc trưng, dung dị mà chan chứa tình người”, ông Doãn Hồng Hà nhận xét.

Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, nhiều bài viết đã để lại xúc cảm sâu sắc cho người đọc bởi những hành động nhân văn cao cả hay những tấm gương tâm huyết, sáng tạo trong học tập và công tác.

Nhiều tác phẩm được viết bằng tay, nắn nót từng nét chữ, với cách trình bày rất đẹp và công phu. Điều đó thể hiện tình cảm, sự say mê, nhiệt huyết của các em học sinh và đội ngũ thầy cô đối với cuộc thi.

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/trao-giai-cuoc-thi-viet-ve-nhung-tam-guong-thay-co-tam-huyet-yeu-nghe/429579.vgp