Trao giải cuộc thi viết 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu' năm 2019

Chiều 9/9, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ tổng kết, trao giải cuộc thi năm 2019 và phát động cuộc thi năm 2020 cuộc thi viết 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu'.

Được biết, năm 2019 là năm thứ hai Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” và giao cho Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực tổ chức cuộc thi.

Cuộc thi nhằm ghi nhận, tôn vinh những tấm gương thầy giáo, cô giáo có thành tích, việc làm tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học, giáo dục học sinh...

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trao giải Nhất cho cô giáo Lường Thị Thu Trang.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trao giải Nhất cho cô giáo Lường Thị Thu Trang.

Phát động và nhận bài dự thi từ tháng 5/2019, Ban Tổ chức cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2019 đã nhận được gần 70.000 bài dự thi của các tác giả từ khắp mọi miền Tổ quốc (nhiều hơn gần 10.000 bài so với năm 2018). Đây là số lượng bài rất lớn, cho thấy cuộc thi có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường; đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân đối với nội dung của cuộc thi.

Phần lớn các tác giả dự thi là không chuyên, nhưng cũng có một số tác giả là nhà văn hoặc hội viên hội văn học, nghệ thuật của các địa phương. Mỗi một tác phẩm dự thi là một câu chuyện, một kí ức, một kỉ niệm, cảm xúc đẹp và đáng trân trọng về hình ảnh người thầy. Có thể thấy, hình ảnh thầy cô giáo được thể hiện qua các góc nhìn đa chiều, đa diện; song dù ở góc độ nào, mối quan hệ nào thì các tác phẩm dự thi đều là những hình ảnh thật đẹp, thật đáng trân trọng.

Một trong những tác phẩm để lại dấu ấn đặc biệt là câu chuyện ghi lại kỉ niệm về người thầy giáo chủ nhiệm (đã mất) ở ngôi trường vùng cao tỉnh Lào Cai qua lời kể của mẹ. Câu chuyện là những kí ức dung dị, thân thương nhưng cũng đầy xúc cảm và giàu sức nhân văn, lan tỏa.

Ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao giải tập thể 2 đơn vị xuất sắc: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định.

Ban Giám khảo cuộc thi đã chọn được 234 bài vào vòng Chấm chung khảo. Sau đó, trên cơ sở kết quả chấm và ý kiến thống nhất của các thành viên Ban Giám khảo, Ban Tổ chức đã trao giải cho 2 tập thể có số lượng bài dự thi nhiều nhất (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định) và 12 cá nhân (gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 6 giải Khuyến khích).

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, cuộc thi có nội dung nhân văn, ý nghĩa giáo dục sâu sắc, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận, biểu dương đánh giá cao sự nỗ lực và tinh thần làm việc nghiêm túc của Ban Tổ chức cuộc thi và chúc mừng thành tích của các tập thể, cá nhân được trao giải.

Khẳng định vị thế, vai trò vô cùng quan trọng của người thầy, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, số bài dự thi lớn (gần 70.000 bài) đã thể hiện thầy cô và mái trường thực sự là một nguồn cảm hứng bất tận với người cầm bút. Trong số hơn 200 tác phẩm vào chung kết chỉ có rất ít tác phẩm được trao giải (2 giải tập thể, 12 giải cá nhân) thể hiện tính nghiêm túc, chất lượng của giải thưởng.

Dịp này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng chính thức phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2020 và hy vọng cuộc thi sẽ có số lượng bài dự thi lớn hơn nữa với nội dung phong phú hơn, đa dạng và sinh động hơn, cơ cấu giải thưởng phù hợp hơn để cùng bày tỏ sự tri ân các thầy cô giáo, mái trường, tri ân nghề dạy học.

Cô giáo Lường Thị Thu Trang (Trường Trung học phổ thông số 1 Bảo Thắng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) giành giải Nhất cuộc thi với tác phẩm “Thầy ơi!”. Tác phẩm là câu chuyện cảm động ở ngôi trường vùng cao của tỉnh Lào Cai. Những ký ức dung dị thân thương thông qua những tiết học, những bài giảng nhân hậu giàu ý nghĩa. Từ mái trường ấy đã có bao đứa trẻ học sinh vùng cao trưởng thành.

Chia sẻ cảm xúc hồi hộp, xúc động khi nhận giải, cô giáo Lường Thị Thu Trang cho biết: "Ông bà ta có câu "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư"; một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Thầy cô không chỉ cho ta bội phần của một chữ; mà còn dạy dỗ, làm gương cho ta về cả lẽ sống, tình thương và trách nhiệm. Mỗi một kỷ niệm về thầy cô giáo cũng như ngôi trường mến yêu là một viên ngọc sáng lấp lánh tình yêu thương và là hành trang vào đời của mỗi cô cậu học trò.

Với tư cách là một tác giả được nhận giải trong ngày hôm nay, tôi vô cùng xúc động, hồi hộp và vinh dự bởi giá trị tinh thần vô giá mà cuộc thi mang lại. Tôi hy vọng giá trị nhân văn, tinh thần của cuộc thi sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn nữa tới tất cả các thế hệ học trò Việt Nam, để từ những mái tóc đã bạc màu hay đến những bước chân bỡ ngỡ vào trường học thì cũng luôn luôn trân trọng những khoảnh khắc bên thầy cô và mái trường mến yêu của mình".

P.T

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/trao-giai-cuoc-thi-viet-nhung-ky-niem-sau-sac-ve-thay-co-va-mai-truong-men-yeu-nam-2019-112766.html