Trao giải cuộc thi 'Bí quyết sống khỏe'

Ngày 29/8, Báo Khoa học và Đời sống đã tổ chức lễ trao giải Cuộc thi 'Bí quyết sống khỏe' lần thứ 5.

Ban tổ chức trao giải cho các nhân vật. ảnh PT

Cuộc thi “Bí quyết sống khỏe” là hoạt động thường niên được tổ chức 5 năm nay của Báo Khoa học và Đời sống nhằm tăng cường sự gắn kết với bạn đọc, phổ biến những kinh nghiệm, bí quyết chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần.

Đây là diễn đàn để các độc giả có thể trao đổi kinh nghiệm giữ gìn sức khỏe của mình, từ luyện tập, ăn uống, lối sống... Mỗi độc giả có thể tự viết về mình hoặc viết về những nhân vật mình biết, “những người sống quanh ta”…

Được sự đón nhận nhiệt liệt của các độc giả, cuộc thi "Bí quyết sống khỏe" lần thứ 5 tiếp tục thành công ngoài mong đợi của Ban tổ chức với hàng ngàn lá thư gửi về tòa soạn. Mỗi lá thư là một chân dung, kinh nghiệm quý trong việc gìn giữ, bảo vệ sức khỏe nhưng không hề phức tạp, ngược lại rất đời thường, gần gũi, dễ nhớ, dễ áp dụng. Đặc biệt, cuộc thi tựa như một sân chơi để mọi người có thể gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với nhau, xóa đi khoảng cách địa lý mọi miền Tổ quốc.

Trong số hàng ngàn bài dự thi, Ban tổ chức đã chọn ra được 157 bài viết xuất sắc nhất lần lượt đăng tải trên Báo, Ban tổ chức đã chọn được 10 bài xuất sắc, nhân vật có bí quyết hay, được nhiều bạn đọc gọi điện, viết thư trao đổi, hưởng ứng để trao giải.

Tại sân chơi Bí quyết Sốngkhỏe 2018, ThS.BS Nguyễn Năng Viện – chuyên gia về các bệnh lý hô hấp đã chỉ “bí quyết” cho người cao tuổi rằng: “Ngoài việc đi khám sức khỏe định kỳ hay tái khám theo lịch hẹn của BS khi mình có các bệnh mạn tính thì đừng ngại ngùng, đừng sợ phiền con cháu, đừng “tự ái”... khi thấy người mình có gì khó chịu thì cách đơn giản hãy đến các Trạm y tế địa phương hay hỏi các BS, Y tá gần nhà để nhờ họ tư vấn giúp xem là bệnh này thì mình nên đi khám ở đâu? Chữa thế nào cho đúng, không nên tự đi mua thuốc uống rất nguy hại cho sức khỏe.

Cơ thể con người là một khối thống nhất, các bộ phận của cơ thể đều liên quan đến nhau. Nếu răng yếu, khi ăn sẽ không nhai được rất dễ gây sặc, hóc thức ăn, nếu không được cứu chữa kịp thời có thể gây tắc đường thở, viêm phổi, viêm phế quản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hô hấp; Ăn nhiều trứng không phải là nguyên nhân gây nhiều đàm; tập thể dục buổi sáng sẽ tốt hơn buổi tối… Bên cạnh đó phải có độ ăn uống hợp lý và luyện tập thường xuyên, có như vậy mới nâng cao sức khỏe và phòng bệnh cho bản thân”

P.Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/trao-giai-cuoc-thi-bi-quyet-song-khoe-20180830092602012.htm