Trao giải 2 cuộc thi về 'Vòng tay Công đoàn' và phòng, chống ma túy

Chiều nay (27/12), tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Lễ trao giải cho hai cuộc thi: Cuộc thi viết 'Vòng tay Công đoàn' lần thứ IV và Cuộc thi 'Sáng tạo sản phẩm truyền thông về phòng chống ma túy'.

Tham dự chương trình có: Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn - Trưởng ban Tổ chức;... Đặc biệt, chương trình còn có sự tham gia của các đại biểu và các tác giả đoạt giải trên cả nước.

Sự kiện này là một dấu mốc quan trọng, khẳng định vai trò không thể thiếu của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác phòng, chống ma túy.

Lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc

Với Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn”, đây là sáng kiến được khởi xướng bởi Tạp chí Lao động và Công đoàn, bắt nguồn từ những câu chuyện cảm động về sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ và tổ chức Công đoàn dành cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ những vòng tay ấm áp đó, nhiều người đã vượt qua được những thử thách, vươn lên trong cuộc sống một cách vững vàng và bền bỉ.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trao giải cho các tác giả đạt giải.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trao giải cho các tác giả đạt giải.

Cuộc thi năm nay đã thu hút hơn 1.700 tác phẩm dự thi, cho thấy sức lan tỏa và sự quan tâm của cộng đồng đối với các hoạt động của tổ chức Công đoàn. Từ hơn 1.700 tác phẩm dự thi, Ban Giám khảo vòng sơ khảo đã chọn ra 35 tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng chung khảo. Ban Giám khảo vòng chung khảo đã làm việc nghiêm túc và công tâm để chọn ra các tác phẩm đạt giải cao nhất.

Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 5 giải Khuyến khích và 3 giải Chuyên đề. Những tác phẩm đạt giải đều thể hiện sự sáng tạo, cảm xúc chân thực và mang đậm dấu ấn nhân văn sâu sắc, khắc họa rõ nét vai trò và những đóng góp của tổ chức Công đoàn trong đời sống của người lao động.

Sự hưởng ứng rộng khắp của các cấp Công đoàn trên cả nước là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của cuộc thi. Nhiều LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn khu công nghiệp, Công đoàn ngành địa phương đã có văn bản triển khai cuộc thi về cơ sở, động viên và khuyến khích cán bộ Công đoàn, người lao động tham gia dự thi. Một số LĐLĐ tỉnh, thành phố còn tổ chức cuộc thi với tên gọi và nội dung phù hợp ở địa phương mình như LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên.

Ngành Giáo dục tiếp tục dẫn đầu về số lượng bài dự thi, cùng với LĐLĐ thành phố Hà Nội, LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh, Công đoàn các ngành Điện lực, Quốc phòng và Dệt May. Đặc biệt, cuộc thi năm nay ghi nhận sự tham gia tích cực và đạt chất lượng cao của Công đoàn Ngân hàng, điều mà một số cuộc thi trước chưa xuất hiện nhiều.

Ông Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn, Trưởng ban Tổ chức trao giải cho các tác giả đạt giải.

Ông Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn, Trưởng ban Tổ chức trao giải cho các tác giả đạt giải.

Ông Trần Duy Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn - Trưởng ban Tổ chức cho biết: “Một nét mới đáng chú ý trong Cuộc thi lần thứ IV là xuất hiện một số bài dự thi có nội dung về Công đoàn bảo vệ người lao động, mặc dù đây là một nội dung khá khó và nhạy cảm. Điều này cho thấy sự trưởng thành và tinh thần trách nhiệm cao của các tác giả. Nhìn chung, chất lượng tổng thể của Cuộc thi lần thứ IV cao hơn các cuộc thi trước, cho thấy sự tiến bộ của các tác giả qua ba lần tổ chức cuộc thi”.

Nỗ lực vươn lên của người lao động

Các tác phẩm đạt giải cao nhất đều mang những vẻ đẹp riêng, mỗi câu chuyện là một lát cắt về cuộc sống, về những khó khăn và sự nỗ lực vươn lên của người lao động. Tác phẩm “Mãi vòng tay ấy” của tác giả Đỗ Thị Quỳnh Giang là câu chuyện của một cán bộ Công đoàn nữ ở Yên Bái - người vốn xưa nay đi chăm sóc, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; nay đến lượt mình rơi vào hoàn cảnh tưởng không thể khó khăn hơn, đã nhận được sự chia sẻ lớn lao của cán bộ Công đoàn và cả cộng đồng. Câu chuyện này như một vòng tay “kép”, là “vòng tay trong vòng tay” và đây là một trong những lý do cơ bản để tác phẩm được Ban Tổ chức, Ban Giám khảo lựa chọn trao giải Nhất.

Tác phẩm “Không bỏ lỡ tương lai” của tác giả Nguyễn Thị Thu Xuân, Nhà máy Z121 Phú Thọ lại cho thấy một khía cạnh không thường thấy của “vòng tay Công đoàn”. Bị đổ vỡ hôn nhân theo cách khắc nghiệt, tác giả tuyệt vọng, thậm chí định buông xuôi; những lúc đó, Công đoàn luôn theo sát, động viên, giúp chị ổn định, lấy lại niềm tin trong cuộc sống. Điều đặc biệt hơn, Công đoàn đã đứng ra làm “bà mối”, vun vén hạnh phúc cho chị. Đây là nét ý nghĩa đặc sắc của “Vòng tay Công đoàn” toát lên qua tác phẩm.

Bà Vũ Thị Giáng Hương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam trao giải cho các tác giả đạt giải.

Bà Vũ Thị Giáng Hương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam trao giải cho các tác giả đạt giải.

Tác phẩm “Ai đến lau khô dòng lệ chảy” của tác giả Nguyễn Thị Kim Tường, Trường THPT Vinh Lộc, Phú Lộc, Huế thực sự là một bài viết cảm động, có thể khiến người đọc rơi nước mắt. Phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối một cách bất ngờ, mọi thứ như sụp đổ với tác giả. Song, may mắn thay, nhờ gia đình, bạn bè, người thân, đặc biệt là “những tấm lòng bồ tát” của các cán bộ công đoàn, chị được ghép thận và trở lại với cuộc sống, với công việc hằng ngày; lại được “ngắm mỗi bình lên” và tiếp tục ước mơ giản dị được dạy dỗ các học trò nên người…

Thành công của Cuộc thi “Vòng tay Công đoàn” lần thứ IV là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, sự ủng hộ của các cấp Công đoàn trên cả nước và sự nhiệt tình của các bạn viết chuyên và không chuyên, cán bộ Công đoàn và người lao động. Đây là tiền đề vững chắc để tin tưởng rằng cuộc thi sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công hơn nữa trong tương lai.

Chung tay vì một cộng đồng không ma túy

Nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong công tác phòng, chống ma túy, được sự chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và thực hiện Kế hoạch số 89/KH-TLĐ ngày 10/6/2024 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về thực hiện Dự án tăng cường phòng, chống ma túy cho công nhân lao động tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất năm 2024, Kế hoạch số 98b/KH-TLĐ ngày 4/7/2024 về việc Tổ chức Cuộc thi sáng tạo các sản phẩm truyền thông về phòng, chống ma túy, Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ và Tạp chí Lao động và Công đoàn đã phối hợp tổ chức cuộc thi sáng tạo các sản phẩm truyền thông về phòng, chống ma túy.

Ông Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn, Trưởng ban Tổ chức trao giải cho các tác giả đạt giải.

Ông Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn, Trưởng ban Tổ chức trao giải cho các tác giả đạt giải.

Trong gần 3 tháng diễn ra cuộc thi (từ 28/7 - 10/10/2024), đã có 1.125 tác phẩm tham dự, bao gồm 498 bài viết, 418 Infographic, 188 video và 21 chùm ảnh.

Các tác phẩm dự thi phong phú về thể loại và nội dung, thể hiện sự sáng tạo, tâm huyết và trách nhiệm của người lao động trong công tác phòng, chống ma túy. Đặc biệt, thể loại video thể hiện sự đầu tư công phu từ khâu xây dựng kịch bản, tổ chức diễn xuất đến tài năng và sự sáng tạo. Một số video được xây dựng theo kiểu phim hoạt hình, phù hợp với đối tượng mục tiêu như giáo viên mầm non, xây dựng video phù hợp cho học sinh mẫu giáo, hay cơ sở cai nghiện ma túy Ninh Bình truyền thông cho người đi cai. Infographic và chùm ảnh sử dụng công nghệ AI cũng thể hiện sự năng động và sáng tạo của người lao động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Cuộc thi đã khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hậu quả, tác hại của ma túy; phát huy ý tưởng sáng tạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, người lao động trong công tác phòng, chống ma túy; lựa chọn ra các sản phẩm truyền thông cụ thể, có chất lượng, có tính cổ động, tuyên truyền cao làm sản phẩm tuyên truyền về phòng, chống ma túy trong đoàn viên, người lao động.

Tuệ Lâm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/trao-giai-2-cuoc-thi-ve-vong-tay-cong-doan-va-phong-chong-ma-tuy-182458.html