Trao đổi với Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Khi rượu, bia đang uống người!

Nghị trường và dư luận dậy sóng bởi phát ngôn ủng hộ ngành sản xuất bia, rượu của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Việc sử dụng tràn lan như hiện nay khiến nhiều người ví von, “rượu, bia đang uống người, chứ không phải người đang uống rươu, bia”. Những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, những hệ luy khác trong xã hội đang khiến người dân trông đợi, dư luận đặc biệt quan tâm Dự luật Phòng chống tác hại của bia rượu, đang được thảo luận ở kỳ họp Quốc hội lần này.

Nghị trường và dư luận dậy sóng bởi phát ngôn ủng hộ ngành sản xuất bia, rượu của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Nghị trường và dư luận dậy sóng bởi phát ngôn ủng hộ ngành sản xuất bia, rượu của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phát biểu về dự thảo luật này, đại ý: Rượu là quốc hồn, quốc túy, có trong văn chương nghệ thuật. Tai nạn giao thông hiện nay, đừng đổ vấy cho bia, rượu, phải đánh vào hành vi người tham gia giao thông, chứ không đánh vào hành vi uống rượu.

“Tôi có thể đại diện cho nhóm bảo vệ ngành bia, rượu Việt Nam để nó đóng góp tích cực, phát triển tích cực. Tôi không e ngại điều đó”, Đại biểu Dương Trung Quốc thẳng thắn.

Dư luận lập tức dậy sóng, cho rằng quan điểm bảo vệ ngành sản xuất bia, rượu của ông Quốc là không vững, đặc biệt gắn trong bối cảnh hiện nay. Nhiều người cho rằng, có việc vận động hành lang để ông Quốc phát biểu bảo vệ ngành này trong khi dự luật đang được thảo luận theo hướng siết việc sử dụng bia, rượu.

Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc có tiếng ở diễn đàn Quốc hội bởi những phát ngôn thẳng thắn, sâu sắc trước một số vấn đề nóng mà cử tri quan tâm. Khi một dự luật được đưa ra bàn thảo thì mọi ý kiến được đón nhận, miễn nó không đi ngược lợi ích người dân, lợi ích quốc gia và không vi hiến.

Những ý kiến suy diễn cho rằng, ông Quốc có “mắc mớ” với ngành bia rượu để phát ngôn như vậy là chưa có cơ sở. Chúng ta có quyền trao đổi trước khi dự luật chính thức được thông qua trên cơ sở dân chủ, tôn trọng sự khác biệt.

Vậy, trao đổi vài ý với Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Thứ nhất, ông Quốc nói, đừng đổ vấy nguyên nhân gây tai nạn giao thông cho bia rượu. Đồng ý là không nên đổ vấy.

Rượu, bia chỉ là đồ uống, nó không gây họa, gây hại nếu người sử dụng biết đủ liều lượng và đúng nơi, đúng lúc. Việc tài xế gây tai nạn giao thông là do anh ta (hoặc tác nhân khách quan), không phải do rượu. Vậy, để hạn chế tai nạn giao thông thì cần nâng cao trình độ, kỹ năng, đạo đức, sức khỏe… cho tài xế. Việc này nằm ở phạm trù giáo dục, văn hóa, không chỉ hạn chế rượu, bia là xong (đó là chỉ là phần ngọn).

Tuy nhiên, việc cấm (ở một số tình huống, hoàn cảnh), hoặc hạn chế rượu, bia lưu hành trong cộng đồng cũng sẽ giúp quản lý xã hội tốt hơn, giải quyết các vấn đề gốc đỡ phức tạp hạn.

Nếu ma túy, rượu, bia xuất hiện tràn lan thì nguy hại cho xã hội và cho thấy sự yếu kém của việc quản lý. Như vậy thì việc cấm tài trợ, quảng cáo đối với các hãng bia, rượu cũng là cách hạn chế người dân tiếp cận, sử dụng bia, rượu; hạn chế kích thích uống bia, rượu trong cộng đồng, qua đó góp phần hạn chế tai nạn giao thông (cùng với các giải pháp toàn diện liên quan đến con người – tài xế).

Ở các nước hạn chế bia, rượu, các bộ phim có hình ảnh diễn viên sử dụng bia, rượu, thuốc lá thường có dòng chữ cảnh báo. Các nhà làm phim cũng phải chịu kiểm duyệt hình ảnh trong việc phổ biến quảng cáo, bia rượu. Nếu chúng ta có chế tài mạnh hạn chế sử dụng, bia rượu thì cũng giảm bớt tệ nạn này, góp phần thay đổi hành vi uống rượu của người dân theo hướng văn minh, tôn trọng pháp luật.

Thứ hai, ông Quốc nói, rượu đã có trong thơ, trở thành văn hóa, quốc hồn quốc túy. Ông dẫn chứng để thấy bia rượu không có gì xấu.

Đúng, cái gì cũng có hai mặt. Thuốc bổ uống nhiều cũng thành thuốc độc. Thuốc độc sử dụng có liều lượng cũng thành thuốc bổ. Cái này y học đã chứng minh.

Rượu cũng vậy, biết uống thì tốt, không biết uống thì hại. Phúc họa từ miệng mà vào, ra. Tuy nhiên, rượu vào thơ văn, không phải là cứu cánh để chúng ta bảo vệ nó ở một giai đoạn phát triển mà tình hình sử dụng bia, rượu có mối liên hệ mật thiết với những vụ tai nạn thảm khốc.

Không có gì là bất biến, mọi sự vật hiện tượng đều mang tính lịch sử. Đưa ra khỏi hoàn cảnh của nó để so sánh với một hoàn cảnh khác đã là sai lệch rồi.

Quán cóc, chợ cóc đã từng đi vào các bài hát về Hà Nội, như “quán quóc liêu xiêu một câu thơ” (bài hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa). Câu thơ này chỉ đúng khi Hà Nội “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, đi lên từ “làng lúa làng hoa”. Thế nhưng, khi Việt Nam hòa nhập quốc tế, hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ, phải vào siêu thị hoặc các cửa hàng đủ uy tín để khách có thể truy xuất và khiếu kiện nếu không đảm bảo chất lượng, thì quán cóc trở thành cản trở phát triển.

Ở góc độ quản lý đô thi, quán cóc vỉa hè đang trở thành câu chuyện nhức nhối về giao thông và trật tư an toàn xã hội. Hà Nội, TP HCM ra quân hành động quyết liệt để trả vỉa hè cho người đi bộ. Vậy thì thơ văn, đôi khi chỉ mang tính ước lệ về hình ảnh, nó mang tính lịch sử, thậm chí là hoàn cảnh sáng tác rất cụ thể của tác giả (và mang tính chủ quan), chứ không phải căn cứ cho sự tồn tại khi xã hội đang có những thay đổi về văn hóa, quản lý và hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay.

Kể cả luật, hiến pháp cũng phải sửa đổi để theo kịp thực tiễn. Thực tiễn và hiện tại chúng ta sống là mệnh lệnh tối cao cho những thay đổi, sửa chữa theo hướng làm cho xã hội tốt đẹp lên.

Cung cấp thêm ý kiến và vài con số về rượu, bia

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, cấm quảng cáo, tài trợ đối với các hãng bia, rượu, các doanh nghiệp quảng cáo sẽ chịu thiệt hại “ghê gớm”. Ông Hiếu dẫn chứng: Khoảng 4 - 5% doanh thu của doanh nghiệp bia chi cho quảng cáo. Với doanh số ước tính 10.000 tỷ đồng của Habeco, 34.000 tỷ đồng của Sabeco, 21.000 tỷ đồng của Heniken thì chi phí quảng cáo là rất lớn.

Có những con số khác, hằng năm các doanh nghiệp bia, rượu nộp ngân sách Nhà nước khoảng 50.000 tỷ đồng, nhưng Nhà nước lại chi 65.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả từ bia, rượu. So sánh hai con số này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải cấm các nhãn hàng bia, rượu quảng cáo, tài trợ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, tỷ lệ sử dụng bia, rượu ở Việt Nam đang ở mức báo động. Bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn mỗi năm. Năm 2017, người Việt đã uống 305 triệu lít rượu bia, tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương 161 triệu lít cồn. Dự báo đến năm 2025, mức tiêu thụ bình quân của mỗi người Việt Nam là 7 lít cồn một năm.

“Uống rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân tử vong sớm và tàn tật trên thế giới”, ông Sơn nhấn mạnh.

Đó là những thống kê con số nhìn từ góc độ kinh tế và bệnh tật. Nhưng có nhiều tác hại từ bia, rượu mà chúng ta chưa đo đếm, thống kê một cách chi tiết, đó là những băng hoại đạo đức, xuống cấp các giá trị sống từ gia đình, cộng đồng. Những hệ lụy từ các vụ án, những va chạm, xô lệch trong các mối quan hệ đời sống của người dân. Cũng như những thiệt hại kinh tế, công việc, niềm tin liên quan rượu, bia xảy ra ở công sở, gia đình và cộng đồng.

Đặc biệt, nhức nhối nhất là tai nạn giao thông có nguyên nhân từ sử dụng bia, rượu. Các vụ tai nạn thảm khốc xảy ra gần đây đã khiến nhiều người xuống đường với khẩu hiệu “Đã uống bia rượu – Không lái xe”.

Ai có người nhà là bố, anh, em… nghiện rượu sẽ thấu hiểu được những hậu quả về kinh tế, tình cảm, tâm lý… do bia, rượu gây ra. Cũng phải thừa nhận với nhau rằng, hiếm có đất nước nào trên thế giới như Việt Nam mà rượu tràn lan, ai cũng có thể tiếp cận, và rượu sử dụng ở mọi dịp, đủ các cung bậc cảm xúc để tìm đến bia, rươu, và khủng khiếp nhất là văn hóa ép rượu “không uống không tôn trọng nhau”, “không say không về”, “uống cho tàn canh gió lạnh”, “uống cho chó ăn chè”…

Đã có ý kiến cần xử lý hình sự (bỏ tù) những người uống rượu bia (kể cả chưa gây tai nạn) lái xe. Chỉ xử phạt tiền thì không thay đổi được hành vi.

Chúng ta đang bàn về giảm, hạn chế tác hại của bia, rươu. Phát huy được mặt tốt của bia, rượu; giảm việc nó gây hại. Cái gì gây hại cho tính mạng con người, cho tình cảm, văn hóa con người thì nên hạn chế, thậm chí loại bỏ. Vậy, việc hạn chế tác hại của bia, rượu, chẳng có gì sai về lý luận và thực tiễn hiện nay cả.

Cái gì tốt đẹp cho dân thì làm thôi!

/**/

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/trao-doi-voi-dai-bieu-quoc-hoi-duong-trung-quoc-khi-ruou-bia-dang-uong-nguoi-d143984.html