Trao đổi về mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online

Thông thường, khi muốn làm thẻ ngân hàng, mở tài khoản thì cần phải ra trực tiếp quầy giao dịch của ngân hàng để làm thủ tục. Điều này mất nhiều thời gian, chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ, vấn đề này đã được khắc phục, mang lại nhiều tiện ích khi khách hàng có thể làm qua hình thức trực tuyến điện tử (online).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định về hoạt động này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; trong đó, bổ sung quy định tổ chức phát hành thẻ có thể bằng phương thức điện tử.

Hoạt động phát hành thẻ tại các ngân hàng Việt Nam

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và internet, sự ra đời của hình thức thanh toán trực tuyến đã giúp người tiêu dùng có thể quản lý chi tiêu và tài chính một cách đơn giản và nhanh chóng. Thanh toán trực tuyến hay thanh toán online (thanh toán điện tử) được hiểu là dịch vụ thanh toán dựa trên sự hỗ trợ của máy tính, điện thoại thông minh có kết nối internet đặc biệt là qua thẻ ngân hàng.

Thẻ ngân hàng là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, ra đời từ phương thức mua bán hàng hóa bán lẻ và phát triển gắn liền với việc ứng dụng công nghệ tin học trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Thẻ được phát hành bởi các ngân hàng hoặc một số công ty tài chính, để thực hiện các giao dịch theo các điều kiện và điều khoản được các bên thỏa thuận. Đây là phương thức mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng khi thanh toán mua sắm hàng hóa, dịch vụ hay rút tiền mặt tại ngân hàng hoặc tại các máy rút tiền tự động. Hiện nay, thẻ ngân hàng ngày càng được sử dụng phổ biến trong các giao dịch như chuyển khoản, rút tiền hay thanh toán khi mua sắm.

Có 3 loại thẻ ngân hàng chính: Thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và thẻ trả trước với tính năng sử dụng và đặc điểm hoàn toàn khác nhau. Cả 3 loại thẻ này đều là thẻ thanh toán, hay thẻ vật lý. Một số ngân hàng còn phát hành thẻ ảo (thẻ phi vật lý) chỉ sử dụng online như thanh toán trực tuyến mà không biểu hiện dưới hạng thẻ vật lý.

Thẻ ghi nợ (Debit card) là loại thẻ liên kết trực tiếp với tài khoản thanh toán tại ngân hàng, được sử dụng theo cơ chế nạp tiền trước và chi tiêu sau, trong phạm vi số tiền có trong tài khoản ngân hàng. Có nghĩa là, người sử dụng chỉ có thể thanh toán, chuyển khoản, rút tiền mặt tại ATM… khi có tiền trong thẻ và là tiền của người sử dụng nạp vào chứ không phải đi vay ngân hàng. Do đó, thẻ ghi nợ không có hạn mức tín dụng mà chỉ có hạn mức chuyển khoản theo ngày. Người sử dụng thẻ không phải lo lắng về thời hạn thanh toán, lãi suất như thẻ tín dụng. Thẻ ghi nợ hiện nay được phân loại theo hạng thẻ gồm: thẻ chuẩn và thẻ hạng cao hơn như thẻ ghi nợ hạng vàng.

Thẻ ATM là thẻ có chức năng tương tự thẻ ghi nợ, sử dụng để rút tiền mặt từ tài khoản cá nhân thông qua ATM trong phạm vi số tiền có trong tài khoản. Ngoài ra, thẻ ATM được dùng để chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, kiểm tra tài khoản, mua thẻ từ máy rút tiền tự động ATM. Thẻ ATM dùng để chi tiêu trong nước thông qua tổ chức chuyển mạch thẻ nội địa.

Đối với thẻ tín dụng (Credit card), đây là một công cụ thanh toán không dùng tiền mặt, là loại thẻ ngân hàng cho phép khách hàng chi tiêu trước, trả tiền sau trong một khoảng thời gian nhất định. Ngân hàng sẽ cung cấp cho khách hàng một hạn mức chi tiêu. Khách hàng sử dụng hạn mức đó để thanh toán các hóa đơn hàng hóa tại các điểm máy POS hoặc mua hàng trực tuyến. Khách hàng không phải nạp tiền vào tài khoản thẻ tín dụng, bởi thực chất khách hàng đang vay tiền để tiêu dùng mà ngân hàng cung cấp thông qua thẻ. Để mở thẻ, người sử dụng cần phải chứng minh năng lực tài chính hoặc tài sản có giá trị. Dựa vào đó, ngân hàng sẽ xác định khả năng trả nợ của chủ thẻ và đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp. Những loại thẻ tín dụng được sử dụng phổ biến hiện nay: Thẻ hạng chuẩn, thẻ hạng vàng, thẻ bạch kim, thẻ tư nhân, thẻ doanh nghiệp, thẻ nội địa, thẻ quốc tế.

Với thẻ trả trước (Prepaid card) không cần mở tài khoản ngân hàng để làm thẻ mà chỉ cần nạp tiền vào thẻ và chi tiêu trong giới hạn số tiền đã nạp. Thẻ trả trước được chia thành 2 loại chính là thẻ định danh (có đầy đủ thông tin chủ thẻ, có thể rút tiền tại ATM) và thẻ không định danh (có thể mở mà không cần CMND, không thể rút tiền tại ATM). Tuy nhiên thẻ trả trước có thể thực hiện nhiều giao dịch nhưng không thể chuyển khoản được.

Mở thẻ ngân hàng bằng hình thức trực tuyến

Nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Thông tư số 17/2021/TT-NHNN đã bổ quy định tổ chức phát hành thẻ có thể bằng phương thức điện tử; trong đó, quy định chủ thẻ chính là cá nhân hoặc tổ chức đứng tên thực hiện giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với tổ chức phát hành thẻ.

Tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa khi phát hành thẻ có BIN do NHNN cấp theo lộ trình chuyển đổi quy định tại Điều 27b Thông tư này. Tổ chức phát hành thẻ trong thời gian kiểm soát đặc biệt thực hiện lộ trình chuyển đổi theo quyết định của Thống đốc NHNN đối với từng trường hợp cụ thể.

Trước khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng, tổ chức phát hành thẻ yêu cầu chủ thẻ cung cấp đầy đủ các thông tin, giấy tờ cần thiết nhằm nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Trường hợp phát hành thẻ cho người nước ngoài, tổ chức phát hành thẻ yêu cầu khách hàng cung cấp các giấy tờ cần thiết để xác minh thời hạn cư trú tại Việt Nam gồm: hộ chiếu, thị thực, giấy chứng nhận miễn thị thực nhập cảnh, giấy chứng nhận tạm trú hoặc thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú, hợp đồng lao động hoặc quyết định trúng tuyển, hoặc các giấy tờ khác chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam. Các giấy tờ cần thiết của khách hàng khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ là bản chính hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao được chứng thực hoặc bản sao cấp từ sổ gốc theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp xuất trình bản chính để đối chiếu, tổ chức phát hành thẻ phải xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính. Trường hợp giấy tờ là bản sao điện tử, tổ chức phát hành thẻ phải có giải pháp, công nghệ để thu thập, kiểm tra và đối chiếu, đảm bảo bản sao điện tử có nội dung đầy đủ, chính xác và khớp đúng so với bản chính theo quy định của pháp luật.

Tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức trực tuyến. Tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định tại Điều 10a của Thông tư số 17/2021/TT-NHNN; đồng thời, tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của tổ chức phát hành thẻ.

Cụ thể gồm các bước tối thiểu sau:

Thứ nhất, thu thập thông tin, giấy tờ cần thiết trước khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng nhằm nhận biết khách hàng và xác định hạn mức giao dịch của thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh, thẻ tín dụng theo quy định.

Thứ hai, thực hiện kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hang.

Thứ ba, cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng thẻ được phát hành bằng phương thức điện tử.

Thứ tư, cung cấp cho khách hàng hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ theo các nội dung quy định và thực hiện giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng bảo đảm quy định về pháp luật giao dịch điện tử.

Thứ năm, thông báo tên tổ chức phát hành thẻ, tên hoặc nhãn hiệu thương mại của thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực (hoặc thời điểm bắt đầu có hiệu lực) của thẻ, tên chủ thẻ, phạm vi và chức năng sử dụng của thẻ, các điều cấm theo quy định pháp luật khi sử dụng thẻ cho khách hàng.

Thông tư số 17/2021/TT-NHNN cũng quy định rõ tổ chức phát hành thẻ được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc phát hành thẻ bằng phương thức trực tuyến; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu quy định như sau:

Đầu tiên, có giải pháp, công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng (là các yếu tố, đặc điểm sinh học gắn liền với khách hàng thực hiện định danh, khó làm giả, có tỷ lệ trùng nhau thấp như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói và các yếu tố sinh trắc học khác) với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên giấy tờ cần thiết. Điều này nhằm nhận biết khách hàng theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, theo yêu cầu của tổ chức phát hành thẻ hoặc với dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác hoặc bởi tổ chức được cung ứng dịch vụ định danh và xác thực điện tử.

Tiếp theo, có biện pháp kỹ thuật để xác nhận việc khách hàng đã được định danh đồng ý với nội dung tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ; Xây dựng quy trình quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro, trong đó có biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trước, trong và sau khi phát hành thẻ cho khách hàng; biện pháp để kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng đảm bảo khách hàng thực hiện giao dịch thẻ được phát hành bằng phương thức trực tuyến là chủ thẻ chính. Quy trình quản lý, kiểm soát rủi ro phải thường xuyên được rà soát, hoàn thiện dựa trên những thông tin, dữ liệu cập nhật trong quá trình cung ứng dịch vụ.

Cuối cùng, lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết theo thời gian đối với các thông tin, dữ liệu nhận biết khách hàng trong quá trình khách hàng phát hành và sử dụng thẻ, như: thông tin nhận biết khách hàng; các yếu tố sinh trắc học của khách hàng; âm thanh, hình ảnh, bản ghi hình, ghi âm; số điện thoại thực hiện giao dịch; nhật ký giao dịch. Các thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Thời gian lưu trữ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Tổ chức phát hành thẻ căn cứ điều kiện công nghệ áp dụng khi nhận biết và xác minh khách hàng để đánh giá rủi ro, quyết định áp dụng hạn mức giao dịch của khách hàng mở bằng phương thức trực tuyến nhưng phải bảo đảm tổng hạn mức giao dịch (bao gồm rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán) của thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước định danh hoặc thẻ tín dụng của một khách hàng không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam trong một tháng và không thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế.

Bên cạnh đó, tổ chức phát hành thẻ được quyết định áp dụng hạn mức giao dịch của thẻ mở bằng phương thức trực tuyến cao hơn hạn mức quy định cụ thể; đồng thời, được thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế khi thực hiện một trong các biện pháp sau: tổ chức phát hành thẻ áp dụng công nghệ để kiểm tra, đối chiếu đặc điểm sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học công dân thông qua cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tổ chức phát hành thẻ áp dụng giải pháp cuộc gọi ghi hình (video call) để thực hiện thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình phát hành thẻ đảm bảo hiệu quả như quy trình nhận biết, xác minh thông tin khách hàng qua phương thức gặp mặt trực tiếp.

Trong đó, giải pháp video call phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu sau: đảm bảo an toàn, bảo mật; độ phân giải cao; tín hiệu liên tục; cho phép tương tác âm thanh, hình ảnh với khách hàng theo thời gian thực để đảm bảo nhận diện người thật; lưu trữ toàn bộ dữ liệu âm thanh, hình ảnh hoặc bản ghi hình, ghi âm trong quá trình phát hành thẻ cho khách hàng; sau khi Tổ chức phát hành thẻ đã thực hiện việc nhận biết, xác minh thông tin khách hàng thông qua gặp mặt trực tiếp chủ thẻ chính là cá nhân.

Ngoài ra, NHNN cũng quy định việc phát hành thẻ bằng phương thức trực tuyến không áp dụng với các đối tượng tại điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 16 Thông tư này. Tổ chức phát hành thẻ chỉ phát hành thẻ bằng phương thức trực tuyến cho khách hàng cá nhân là người nước ngoài theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Thông tư này đối với thẻ ghi nợ. Việc cấp tín dụng qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ được thấu chi ngoài việc tuân thủ quy định tại Điều này còn phải thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 17/2021/TT-NHNN.

Về thỏa thuận việc cấp tín dụng cho chủ thẻ, Thông tư quy định: Các hạn mức và sự thay đổi hạn mức sử dụng thẻ, bao gồm cả hạn mức thấu chi (đối với thẻ ghi nợ) và hạn mức tín dụng; lãi suất, phương thức tính lãi tiền vay, thứ tự thu hồi nợ gốc và lãi tiền vay (đối với thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ được thấu chi); thời hạn cấp tín dụng, mục đích vay, thời hạn trả nợ, mức trả nợ tối thiểu, phương thức trả nợ, phí phạt khoản nợ quá hạn (nếu có). Thỏa thuận về việc cấp tín dụng cho chủ thẻ có thể được nêu trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ hoặc tại văn bản thỏa thuận riêng.

Tổ chức phát hành thẻ phải có quy định nội bộ về cấp tín dụng qua thẻ tín dụng phù hợp với quy định pháp luật về đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng, trong đó quy định cụ thể về đối tượng, hạn mức, điều kiện, thời hạn cấp tín dụng, thời hạn trả nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mức trả nợ tối thiểu, lãi suất áp dụng, phương thức tính lãi tiền vay, thứ tự thu hồi nợ gốc và lãi tiền vay, phí phạt khoản nợ quá hạn, mục đích vay, quy trình thẩm định và quyết định cấp tín dụng qua thẻ theo nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng, các biện pháp áp dụng thu hồi nợ để đảm bảo trách nhiệm các bộ phận tại Tổ chức phát hành thẻ trong quá trình thu hồi nợ.

Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều 1 của Thông tư số 26/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017 của NHNN Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN).

Cụ thể, đối với chủ thẻ chính là tổ chức đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán được sử dụng thẻ ghi nợ. Tổ chức là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh. Chủ thẻ là tổ chức được ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân sử dụng thẻ của tổ chức đó hoặc cho phép cá nhân sử dụng thẻ phụ theo quy định tại Thông tư này.

Để mở thẻ trực tuyến thì chủ thẻ phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết theo yêu cầu của Tổ chức phát hành thẻ khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin mà mình cung cấp. Khi sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ được thấu chi, chủ thẻ phải sử dụng tiền đúng mục đích và thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho Tổ chức phát hành thẻ các khoản tiền vay và lãi phát sinh từ việc sử dụng thẻ theo hợp đồng đã giao kết với Tổ chức phát hành thẻ. Đối với thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh phát hành bằng phương thức điện tử không thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 10a Thông tư số 17/2021/TT-NHNN.

Để việc phát hành và sử dụng thẻ mở trực tuyến được thực hiện đúng quy định thì tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ thực hiện các biện pháp cần thiết để cập nhật, kiểm tra, rà soát, đối chiếu và nhận biết khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ. Tổ chức thanh toán thẻ phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa áp dụng đối với ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán của Tổ chức thanh toán thẻ theo lộ trình chuyển đổi quy định tại Điều 27a Thông tư này. Tổ chức thanh toán thẻ trong thời gian kiểm soát đặc biệt thực hiện lộ trình chuyển đổi theo quyết định của Thống đốc NHNN đối với từng trường hợp cụ thể. Tổ chức phát hành thẻ, Tổ chức thanh toán thẻ có thể từ chối thanh toán thẻ khi có nghi ngờ về tính trung thực, mục đích giao dịch của chủ thẻ theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Như vậy, theo Thông tư số 17/2021/TT-NHNN, tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức trực tuyến, giúp khách hàng cá nhân dễ dàng mở thẻ tại nhà khi thực hiện đầy đủ các quy định.

Tài liệu tham khảo:

1. Ngân hàng Nhà nước (2021), Thông tư số 17/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng;

2. Ngân hàng Nhà nước (2016), Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng;

3. Lương Hạnh (2022), Thanh toán trực tuyến là gì? Những hình thức nào đang “xưng vương” tại Việt Nam, https://marketingai.vn/thanh-toan-truc-tuyen-la-gi-nhung-hinh-thuc-nao-dang-xung-vuong-tai-viet-nam;

4. Thanh toán điện tử và các hình thức thanh toán điện tử phổ biến nhất hiện nay, https://einvoice.vn/tin-tuc/thanh-toan-dien-tu

(*) ThS. Nguyễn Thị Đoan Trang, ThS. Nguyễn Khánh Thu Hằng - Trường Đại học Duy Tân.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 04/2022.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/trao-doi-ve-mo-the-ngan-hang-bang-hinh-thuc-online-347495.html