Trao đổi góp phần làm sáng rõ phân biệt về 'Thập niên' và 'Thập kỷ'

Sau khi đăng ý kiến 'Cần phân biệt sự khác nhau giữa Thập niên và Thập kỷ' trên trang facebook cá nhân và trên vanhien.vn ngày 21/11/2020 của Vũ Xuân Bân đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, góp phần làm sáng rõ phân biệt thuật ngữ Hán Việt về 'Thập niên' và 'Thập kỷ' để sử dụng một cách chuẩn xác.Để hiểu rõ hơn về 'thập niên' và 'Thập kỷ', xin mời đọc thêm bài của Hà Thuy Như phát trên vanhien.vn ngày 23/11/2020':

Trước hết xin trân trọng cảm ơn bạn đọc đã trao đổi về dùng hai thuật ngữ này. Trên cơ sở trao đổi, góp ý của bạn đọc, xin tổng hợp, tiếp thu góp ý đúng đắn và có ý kiến như sau:

Tất cả đều thống nhất “Thập niên” là 10 năm, không có ý kiến gì khác.

Còn “Thập kỷ” thì có nhiều trao đổi, cách hiểu khác nhau về chữ “kỷ” mà đồng nghiệp Hà Thụy Như trong bài “Chuyện chưa bao giờ cũ” phát trên vanhien.vn ngày 23/11/2020 đã liệt kê ý kiến của các bạn NB Yến Minh, Sy Huynh Nguyễn…Trong đó, đáng chú ý là ý kiến của đồng nghiệp Le Quoc Minh (để tham khảo): “Kỷ” (chữ Hán: 紀) khi được dùng để đo lường thời gian, tùy người, tùy thời mà có các cách hiểu như sau về “kỷ”:

- Mười hai năm là một kỷ.

- Mười năm là một kỷ.

- Một nghìn năm trăm năm là một kỷ.

- Mỗi một đời vua của một vương triều là một kỷ.

- Chỉ khoảng thời gian tương đối dài. Ví dụ: thế kỷ, thiên niên kỷ (còn gọi là thiên kỷ), trung thế kỷ.

Như vậy, chữ “kỷ” có nhiều nghĩa, khi dùng phải rất cân nhắc, có khi phải mở ngoặc, đóng ngoăc giải nghĩa thêm cho chuẩn xác.

‘Thập’ là 10 có nghĩa là “Thập niên” nên chữ ‘Thập’ đi liền với chữ ‘kỷ’ thì cũng có ý kiến cho là 100. Vì chữ “kỷ” đa nghĩa, khi dùng “thập kỷ” để chỉ 10 năm sẽ dễ dẫn đến hiểu nhầm như đồng nghiệp Le Quoc Minh liệt kê nghĩa của từ “kỷ” nêu trên. Đồng môn TS Nguyễn Việt góp ý khi viết “nên chọn chữ nghĩa để tránh hiểu lầm”.

Theo đồng nghiệp Hà Như Thuy thì “Trong ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết của người Việt ) có một tỷ lệ không nhỏ từ gốc Hán đã được Việt hóa thành các từ Hán Việt . Trong lịch sử nước ta đã có một nền văn tự trước Hán vì thế tiếng Việt có nội lực và sức sống mạnh mẽ mà người Hán đã không đồng hóa được. Người Việt hiện nay, số người biết Hán cổ, Hán hiện đại không nhiều nhưng không vì thế mà không sử dụng các từ Hán Việt để làm giàu ngôn ngữ theo kiểu Tam tự Kinh như :Lục - sáu , tam - ba, gia- nhà, quốc - nước, tiền - trước, hậu - sau , ngưu- trâu, mã - ngựa, khuyển - chó, dương - dê ... tùy theo từng ngữ cảnh không theo một quy tắc nào”.

Do đó, khi dùng từ Hán Việt để chỉ khái niệm 10 năm thì nên dùng “Thập niên” hay dùng hẳn từ thuần Việt là “10 năm” thì chuẩn hơn dùng “Thập kỷ”. Hy vọng rằng sau trao đổi này góp phần để bạn đọc và công chúng hiểu rõ thêm thuật ngữ Hán Việt “Thập niên” và “Thập kỷ” mà cân nhắc chữ nghĩa sử dụng chuẩn xác hơn, tránh để hiểu nhầm, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

“Chuyện chưa bao giờ cũ !”

Sau khi Nhà báo Vũ Xuân Bân đăng bài: Cần phân biệt sự khác nhau giữa Thập niên và Thập kỷ nói về dòng chữ "THẬP KỶ HƯƠNG SẮC" của Ban tổ chức cuộc thi chung kết Hoa Hậu Việt Nam ( HHVN) đã xuất hiện nhiều cách hiểu khác nhau về hai từ Thập niên và Thập kỷ. Điều này cho thấy đã có sự không thống nhất trong sử dụng hai từ THẬP NIÊN và THẬP KỶ để chỉ độ dài của thời gian kéo dài nhiều năm qua không theo một chuẩn thống nhất nào. Đây chính là một lỗ hổng của quản lý Nhà nước khi chưa có Luật về tiếng nói và chữ viết thống nhất trong cả nước

Trên các phương tiện truyền thông lâu nay sử dụng hai từ Thập niên, Thập kỷ nhiều lần không chính xác. Ví dụ khi nhắc đến thời gian 10 năm nhưng lại nói là thập niên nhưng cũng có khi lại nói là thập kỷ.

Trong ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết của người Việt ) có một tỷ lệ không nhỏ từ gốc Hán đã được Việt hóa thành các từ Hán Việt . Trong lịch sử nước ta đã có một nền văn tự trước Hán vì thế tiếng Việt có nội lực và sức sống mạnh mẽ mà người Hán đã không đồng hóa được. Người Việt hiện nay, số người biết Hán cổ, Hán hiện đại không nhiều nhưng không vì thế mà không sử dụng các từ Hán Việt để làm giàu ngôn ngữ theo kiểu Tam tự Kinh như :Lục - sáu , tam - ba, gia- nhà, quốc - nước, tiền - trước, hậu - sau , ngưu- trâu, mã - ngựa, khuyển - chó, dương - dê ... tùy theo từng ngữ cảnh không theo một quy tắc nào.

Nhìn lại ý kiến của tác giả Vũ Xuân Bân cho rằng: Qua MC truyền hình cũng như các phương tiện truyền thông tường thuật thì không biết mọi người hiểu như thế nào nhưng tôi hiểu là "10 năm hương sắc" chứ không phải là "100 năm"? Do vậy, nếu dùng thuật ngữ "Thập kỷ hương sắc", tức là "100 năm hương sắc" là không chuẩn. Vì Báo Tiền Phong bắt đầu tổ chức thi Hoa hậu đầu tiên vào năm 1988 đến nay mới 32 năm thì không thể nói là "Thập kỷ" (100 năm) mà phải dùng "Thập niên (10 năm) hương sắc" mới chuẩn.

Còn tra tư liệu được biết: Có tài liệu cho rằng cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam do chính người Việt đứng ra tổ chức là một cuộc thi mang tên Miss Sài Gòn được tổ chức vào năm 1865 thì cũng cách nay 155 năm. Đây là cuộc thi sắc đẹp dành cho tất cả các cô gái Việt Nam ở Sài Gòn và những vùng lân cận. Tuy là lần đầu tổ chức nhưng cuộc thi đã thu hút gần 100 cô gái đăng ký dự thi. Và kết quả chung cuộc người đoạt được vương miện và trở thành hoa khôi Nam kỳ là cô Ba Thiêụ̣ .

Còn Ban tổ chức cuộc thi HHVN thì lý giải chọn THẬP KỶ HƯƠNG SẮC là "vì cuộc thi năm nay đánh dấu hành trình 10 năm ấn tượng gần đây của cuộc thi HHVN qua chặng đường 32 năm. Những thập kỷ đầu tiên HHVN đã lan tỏa vẻ đẹp chuẩn mực và truyền thống thì thập kỷ 2010-2020 cuộc thi đã thành công trong việc nâng tầm nhan sắc Việt khi tôn vinh vẻ đẹp hiện đại, trí tuệ và lòng nhân ái của người phụ nữ Việt Nam". Lược bỏ những mỹ từ của đại diện Ban tổ chức cuộc thi chung kết HHVN thì thấy họ đã xác định thời gian 10 năm ( 2010-2020) là thập kỷ mà thực chất chỉ là thập niên ( Niên- Năm) mà ta vẫn hay nói Niên khóa hay Năm học . Trong trường hợp này Ban tổ chức dùng "Thập kỷ Hương Sắc" là không phù hợp với cách hiểu thông thường.

Trong Hán tự có khái niệm như: Nhất kỷ - Chỉ khoảng thời gian 12 năm thì hiểu theo cách gọi "THẬP KỶ HƯƠNG SẮC" của Ban tổ chức cuộc thi chung kết HHVN thì đây là hương sắc của 120 năm !

Còn theo cách hiểu của NB Yến Minh trên facbook thì 1 Thập kỷ = 10 năm, 1 Thế kỷ = 100 năm, 1 thiên nhiên kỷ = 1000 năm. là một thực tế chưa thống nhất cách hiểu giữa Niên và Kỷ. Hay bạn Sy Huynh Nguyễn dẫn chứng :Theo quy ước của lịch Gregory: 1 Thiên niên kỷ = 10 Thế kỷ = 1000 năm. Một thế kỷ = 10 thập kỷ = 100 năm. Một Thập kỷ = 10 năm = 3652 ngày thì vẫn nhầm lẫn giữa Niên và Kỷ . Hay bạn Lê Quốc Minh cũng dẫn ra một cách hiểu Kỷ” (chữ Hán: 紀) khi được dùng để đo lường thời gian, tùy người, tùy thời mà có các cách hiểu như sau về “kỷ”: - Mười hai năm là một kỷ.- Mười năm là một kỷ.- Một nghìn năm trăm năm là một kỷ.- Mỗi một đời Vua của một vương triều là một kỷ.- Chỉ khoảng thời gian tương đối dài. Ví dụ: thế kỷ, thiên niên kỷ (còn gọi là thiên kỷ), trung thế kỷ.

Quan điểm của tôi đồng ý với các bạn rằng có nhiều cách hiểu về chữ Kỷ nhưng ở đây Ban tổ chức xác định rất rõ 10 năm (2010 -2010) là 10 năm thành công trong việc nâng tầm nhan sắc Việt hơn hẳn 20 năm trước đó về cả Hương và cả Sắc thì sao không nói MƯỜI NĂM HƯƠNG SẮC hay THẬP NIÊN HƯƠNG SẮC mà lại dùng THẬP KỶ HƯƠNG SẮC gây ra những hiểu lầm không đáng có

Một ví dụ điển hình về việc Việt hóa các câu nói có nguồn gốc Hán Văn là vận dụng các câu nói của Quản Trọng nước Tề trong sách Quản Tử để diễn đạt một quan điểm giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc, Thập niên chi kế mạc như thụ mộc. Chung thân chi kế mạc như thụ nhân Nhất thu nhất hoạch giả, cốc dã. Nhất thu thập hoạch giả, mộc dã, Nhất thu bách hoạch giả, nhân dã.

Tạm dịch: Kế một năm, chi bằng trồng lúa, Kế 10 năm, chi bằng trồng cây. Kế trọn đời, chi bằng trồng người, Trồng một, gặt một, ấy là lúa. Trồng một, gặt mười, ấy là cây, Trồng một, gặt trăm, ấy là người.

Ý nghĩa của câu nói này còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng trong một biến thể khác vào ngày 13 tháng 9 năm 1958 tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người " .

Rõ ràng là Chủ tịch Hồ Chí Minh một người giỏi Hán học đã dùng rất chính xác Niên = Năm , 10 năm là Thập niên. Quản Trọng một danh sỹ nước Tề cũng không dùng: Thập kỷ chi kế mạc nhân như thụ mộc mà vẫn dùng: Thập niên chi kế mạc nhân như thụ mộc để có nghĩa là : Kế mười năm chi bằng trồng cây.

Từ một vấn đề tưởng như cũ nhưng rất mới này, tôi đề nghị các cơ quan truyền thông nên dùng các từ thuần Việt: 10 năm thay cho thập niên, 100 năm cho 1 thế kỷ, 1000 năm cho Thiên niên kỷ như chúng ta đã dùng rất hiệu quả khi nói về sự kiện "NGHÌN NĂM THĂNG LONG HÀ NỘI" mà không dùng THIÊN NIÊN KỶ THĂNG LONG HÀ NỘI.

Việc sử dụng ngôn ngữ là một khoa học chính xác mà các cơ quan truyền thông không thể xem nhẹ vì sẽ được coi là chuẩn mực có vai trò tạo ra thói quen trong sử dụng ngôn ngữ. Quan điểm của Nhà báo Vũ Xuân Bân không chỉ là quan điểm của một cá nhân mà là trách nhiệm về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tiếng Việt vô cùng phong phú hoàn toàn có thể diễn đạt các tình huống. Nếu phải sử dụng những từ đã được Việt hóa quen thuộc phù hợp với cách hiểu thông dụng sẽ tạo ra hiệu ứng tốt thay cho việc sính dùng chữ nhưng không chính xác mà tiền nhân gọi là " hay chữ lỏng" là điều nên tránh.

Vũ Xuân Bân

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/trao-doi-gop-phan-lam-sang-ro-phan-biet-ve-%E2%80%9Cthap-nien%E2%80%9D-va-%E2%80%9Cthap-ky%E2%80%9D-80914