Trao cơ hội bình đẳng để phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên

Hiện nay, phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đang gặp phải nhiều rào cản xã hội đối với việc hưởng thụ và phát triển, từ đó, tạo khoảng cách lớn đối với phụ nữ người Kinh. Trao cơ hội bình đẳng là giải pháp giúp họ chủ động học tập, hòa nhập và vươn lên mạnh mẽ. Đó là nhận định chung của các đại biểu tham dự Hội thảo chính sách 'Thách thức và giải pháp để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau', được tổ chức ngày 12-8, tại Hà Nội. Báo Biên phòng lược ghi một số ý kiến tâm huyết của đại biểu.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: “Hướng tới cải cách thể chế và tạo cơ hội nhiều hơn phụ nữ DTTS”.

Với những đặc điểm giới và định kiến xã hội đã tồn tại qua nhiều thế hệ, phụ nữ và trẻ em gái DTTS luôn ở vị trí yếu thế hơn trong gia đình và ngoài xã hội. Họ đang phải đối mặt với nhiều sự phân biệt đối xử, chịu bất bình đẳng kép về dân tộc và giới. Điều này ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi và vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Có nhiều hạn chế, khó khăn đặt ra đối với phụ nữ DTTS, bên cạnh nguyên nhân khách quan như về điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, vấn đề địa lí tự nhiên, phong tục, tập quán, còn liên quan tới nhận thức các cấp, các ngành và hơn hết là nguồn lực. Để đảm bảo công bằng, các chính sách cần hướng tới những cải cách thể chế và tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ DTTS, nhất là những nhóm phụ nữ DTTS nghèo ở những vùng xa xôi, cách trở nhất. Cần thay đổi cách tiếp cận, coi đối tượng người phụ nữ DTTS là đối tượng để phát huy nguồn lực, góp phần vào sự phát triển chung của vùng.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam: “Trao quyền cho phụ nữ DTTS, thông qua đó đạt mục tiêu bình đẳng giới”.

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với nguyên tắc “Không bỏ ai ở lại phía sau” thì nỗ lực chấm dứt bất bình đẳng giới ở các vùng DTTS phải được xây dựng dựa trên các cam kết hiện có của Việt Nam về bình đẳng giới. Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ người dân Việt Nam trong hành trình quan trọng này. Liên hợp quốc đưa ra một số khuyến nghị như sau: Trước hết, cần nâng quyền cho phụ nữ DTTS, thúc đẩy bình đẳng giới. Chấm dứt bất bình đẳng giới sẽ giúp chúng ta thúc đẩy sự phát triển cho khu vực này. Bên cạnh đó, việc vận động chính sách ủng hộ lồng ghép giới, với những chỉ tiêu cụ thể để theo dõi; các cam kết về bình đẳng giới đều cần khung cụ thể, đo lường và đánh giá được. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cho hệ thống giáo dục, xã hội, sinh kế... để phát triển khả năng của phụ nữ DTTS...

Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP: “BĐBP đồng hành cùng phụ nữ nơi biên giới”.

Để thúc đẩy phong trào và phát huy vai trò của phụ nữ các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, Bộ Tư lệnh BĐBP đã kí kết nhiều chương trình phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho hội viên phụ nữ, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, củng cố lòng tin của đồng bào các DTTS nói chung và chị em phụ nữ DTTS ở khu vực biên giới nói riêng với Đảng, Nhà nước và Quân đội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

BĐBP đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng ở khu vực biên giới. Điển hình như: Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đến nay, BĐBP đã hỗ trợ 110 xã, xây dựng gần 9.000 tổ, câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, giúp hơn 1.200 gia đình hội viên thoát nghèo; huy động hơn 50 tỉ đồng, hỗ trợ xây dựng 235 nhà “Mái ấm tình thương”, 29 mô hình sinh kế...

Ngoài ra, phát động cán bộ, chiến sĩ BĐBP nhắn tin ủng hộ với tổng số 66.088 tin nhắn, trị giá trên 1,3 tỷ đồng... BĐBP đã đỡ đầu 2.546 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Đối với công tác giáo dục: BĐBP phối hợp tổ chức 39 lớp tập huấn cho 1.959 cán bộ hội và 62 lớp xóa mù chữ cho 1.310 chị em phụ nữ các dân tộc... Ngoài ra, quân y các đồn Biên phòng và các tổ hội phụ nữ cơ sở đã phối hợp y tế địa phương khảo sát, phân loại sức khỏe cho 30.000 cháu; tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 1 triệu người, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Hoa, Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: “Phụ nữ DTTS gặp phải nhiều rào cản xã hội”.

Đó là khó tiếp cận được hệ thống giáo dục phổ thông, tỷ lệ đi học đúng cấp có sự khác biệt giữa các dân tộc và thấp hơn nhiều so với người Kinh, đặc biệt ở bậc trung học phổ thông. Có 3 dân tộc có tỷ lệ nữ học bậc trung học phổ thông dưới 10% và có tới 16 dân tộc có tỷ lệ chỉ ở mức dưới 20%. Một số dân tộc có tỷ lệ nữ đi học rất thấp như Chứt, Mảng, Stiêng, Mông, Dao... Đồng thời, phụ nữ DTTS còn khó tiếp cận các dịch vụ y tế, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Trong khi đó, phụ nữ DTTS sinh nhiều con, sinh sớm, sinh dày; tảo hôn; tỷ lệ mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên ở vùng DTTS đặc biệt cao. Phụ nữ một số DTTS chưa sử dụng thẻ bảo hiểm y tế do không thông thạo tiếng phổ thông, e ngại khi đi khám chữa bệnh và phải phụ thuộc vào chồng khi làm các thủ tục khám chữa bệnh. Thêm vào đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trẻ dưới 5 tuổi của DTTS là 22%, cao hơn gần 7% so với bình quân chung cả nước. Ngoài ra, phụ nữ DTTS phải đối mặt với gánh nặng lao động, bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em gái... Trong khi đó, họ chưa được tiếp cận với các kênh thông tin do không biết tiếng phổ thông, mù chữ.

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/trao-co-hoi-binh-dang-de-phu-nu-dan-toc-thieu-so-vuon-len/