Trao cơ chế, Quốc hội mong Đà Nẵng phát huy vai trò kết nối

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng sáng 23/5/2020, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cùng với việc trao cơ chế đặc thù cũng cần trao thêm các nhiệm vụ để thành phố phát huy được vai trò kết nối khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng theo hướng: xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường).

Cụ thể, cấp thành phố gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND); chính quyền địa phương ở các quận là UBND quận, các phường là UBND phường.Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường tại thành phố bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Quốc hội thảo luận về làm rõ những cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển

Quốc hội thảo luận về làm rõ những cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển

Cùng đó Chính phủ đề xuất 3 chính sách đặc thù về quản lý tài chính - ngân sách cho Đà Nẵng. Một là, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2021 -2026, Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách thành phố để bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.

Hai là, thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND thành phố được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách.

Ba là, HĐND thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Như vậy, nếu Nghị quyết trên được thông qua tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội đang diễn ra, Đà Nẵng sẽ là thành phố thứ ba trực thuộc Trung ương sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được trao các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện phát triển nhanh hơn, phát huy vai trò kết nối của thành phố. Hiện Hải Phòng và Cần Thơ là hai thành phố trực thuộc Trung ương cũng đang xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù tương tự.

Trong thảo luận, câu chuyện tạo cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển cho các địa phương, đặc biệt là các thành phố trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng là cần thiết và cần được ủng hộ song phải tiến hành trong một không gian chính sách tổng thể để không tạo ra “hội chứng” địa phương nào cũng xin cơ chế đặc thù như ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp).

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Tạ Văn Hà (Bạc Liêu) tán thành việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng nhưng trong Nghị quyết tới đây cần xác định rõ nên có điều khoản trong nghị quyết là Đà Nẵng phải làm gì để khi có Nghị quyết rồi, thành phố khi đã có Nghị quyết phải khác đi, phát triển hơn.

Phân tích cụ thể hơn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề xuất khi ra nghị quyết phải giao thêm nhiệm vụ cho Đà Nẵng để tại thêm kết nối được khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên họp sáng 23/5/2020

Một số đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi việc tạo cơ chế đặc thù là cần thiết song bày tỏ sự băn khoăn việc xin một cái đặc thù khác với các quy định hiện được ban hành, phải chăng chính các quy định của luật hiện hành có những chỗ, những điểm nào đó không phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, tại sao các đô thị lớn được trao các cơ chế chính sách đặc thù trong khi nhiều địa phương khác không có được vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển, cho thu hút đầu tư cũng đang rất cần những cái “đặc thù” đó để phát triển tốt.

Mong muốn Nghị quyết có những nội dung sát thực tiễn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) thẳng thắn nêu vấn đề cơ chế đặc thù của cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay nhìn chung giống nhau, chưa nổi bật lên lợi thế tạo đột phá của từng địa phương.

Chưa kể đến việc thể thức văn bản về cơ chế đặc thù không giống nhau, Hà Nội thì đủ cả luật, nghị quyết, nghị định trong khi TP Hồ Chí Minh gồm nghị quyết và nghị định và tới đây Đà Nẵng là nghị quyết.

Đại biểu Mai mong Quốc hội, Chính phủ cần lưu ý vấn đề này và đề nghị rà soát dựa trên thế mạnh của các thành phố để đề ra cơ chế đặc thù, từ đó tạo được đột phá để phát triển, tránh đi theo lối mòn, công thức.

Quang Lộc - Đình Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trao-co-che-quoc-hoi-mong-da-nang-phat-huy-vai-tro-ket-noi-137826.html