Trao cả thanh xuân cho học trò vùng sâu, vùng xa

Bằng niềm đam mê, yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy giáo Lò Văn Quang và cô giáo Nguyễn Thị Sao Mai đã dành cả thanh xuân của mình cho học trò nghèo vùng sâu, vùng xa. Thầy Quang, cô Mai là 2 trong 99 nhà giáo trẻ tiêu biểu được T.Ư Đoàn tuyên dương năm 2020.

Thầy giáo Lò Văn Quang trong bộ quần áo mưa, đôi ủng, trang phục không thể thiếu trong suốt 10 năm ở vùng sâu, vùng xa. ẢNH: NVCC

Thầy giáo Lò Văn Quang trong bộ quần áo mưa, đôi ủng, trang phục không thể thiếu trong suốt 10 năm ở vùng sâu, vùng xa. ẢNH: NVCC

10 năm mặc quần áo mưa, đi ủng đến trường

Thầy giáo Lò Văn Quang, SN 1988, hiện đang là giáo viên tại trường Tiểu học Khong Hin (xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Thầy Quang có 10 năm gắn bó với học sinh vùng sâu, vùng khó khăn đặc biệt, trong đó, 7 năm tại trường Tiểu học Nậm Din, 3 năm tại trường Tiểu học Khong Hin.

Suốt 10 năm nay, trang phục đến trường của thầy Quang luôn có một bộ quần áo mưa và đôi ủng, dù bất kể trời mưa hay nắng. “Hình ảnh quen thuộc đến nỗi, bắt gặp chúng tôi đi ngoài đường, ai cũng biết đó là thầy cô giáo đang công tác ở Mường Khong”, thầy Quang nói. Lý giải về điều này, thầy Quang bộc bạch: “Từ nhà tôi tới trường khoảng 20km, chủ yếu đường đất, dốc núi, trời mưa thì lầy lội, trơn trượt; nắng thì bụi mù mịt. Vì vậy, chúng tôi luôn phải mặc bộ quần áo mưa bảo hộ đỡ bẩn ; cặp sách cũng luôn bọc túi ni lông. Nhiều hôm nắng nóng 38, 39 độ C, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn phải mặc, nếu không bụi phủ kín cả người”. Chưa kể, mùa mưa lũ, nước lũ chia cắt các con suối, các thầy cô giáo ở Khong Hin cùng nhau cõng xe máy vượt suối tới trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Sao Mai cùng học sinh trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Liên. ẢNH: NVCC

Dù bản thân vất vả, khó khăn là vậy nhưng thầy giáo Lò Văn Quang luôn trăn trở, đau đáu lo cho học sinh, vì các em thiếu thốn, thiệt thòi đủ đường. Kể về học sinh của mình, thầy giáo trẻ nghẹn giọng: “Trường có 67/462 học sinh bán trú nhưng do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, nhà trường phải thuê gầm nhà sàn của các hộ dân cho các em ở. Nhà công vụ của trường được tận dụng, cơi nới cả 4 phía để làm bếp ăn; nơi sinh hoạt, ăn bán trú cho học sinh, thầy cô giáo; kê giường ngủ và làm thư viện. Thương học sinh, thầy cô giáo chúng tôi tranh thủ mọi khoảng thời gian dạy dỗ, chăm sóc các em như con của mình”.

Ngoài giờ học trên lớp, thầy Quang thường xuyên trò chuyện, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh, vừa làm, vừa hướng dẫn các em một số kĩ năng cơ bản: vệ sinh cá nhân, giặt giũ quần áo, chăn màn, cắt tóc, cắt móng tay móng chân,… “Tôi cũng là người dân tộc thiểu số (dân tộc Thái - PV). Tuổi thơ đói nghèo, lớn lên bằng củ sắn, củ mài. Vì vậy, hàng ngày, tôi luôn nhắc nhở các em học sinh phải tự ước cho mình một công việc cụ thể. Tôi luôn truyền cho các em tinh thần học hỏi, nỗ lực không ngừng, với thông điệp để vượt qua đói nghèo, có cuộc sống tốt hơn cho bản thân, gia đình và quê hương chỉ có duy nhất một con đường, đó là học”, thầy giáo Lò Văn Quang chia sẻ.

Công tác trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ đường, nhưng thầy giáo trẻ Lò Văn Quang luôn tràn đầy nhiệt huyết, thường xuyên có các sáng kiến đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học được công nhận ở cấp trường, cấp huyện. Năm học 2019-2020, thầy giáo Lò Văn Quang đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; năm 2018 đạt Huy chương Bạc tại Đại hội thể thao tỉnh Điện Biên môn Nhảy cao.

Trèo đèo, lội suối gọi học sinh đi học

Cô giáo Nguyễn Thị Sao Mai, SN 1992, có hơn 7 năm gắn bó tại điểm trường vùng đặc biệt khó khăn: Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Hoàng Liên (xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Đó là một hành trình trải qua đủ cung bậc cảm xúc của cô giáo trẻ, từ sốc, nản chí, đến nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ và bây giờ là yêu, muốn gắn bó cả sự nghiệp của mình với học sinh vùng khó.

Quê ở Bắc Giang, một mình lập nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, lại là mẹ đơn thân, thời gian đầu, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Sao Mai bị… sốc vì mọi thứ quá khắc nghiệt. Đường đi là đồi núi, trời mưa phải leo bộ 4km lên điểm trường, bùn đất bẩn bết hết quần áo; chỗ ở là nhà công vụ lụp xụp được ghép bằng các tấm gỗ, mùa đông gió lùa vào các khe hở lạnh thấu xương. Nhưng với cô Mai, khó khăn nhất là việc đến từng nhà vận động các em đi học. Trước đây, các em nghỉ học rất nhiều, có em nghỉ đi chăn trâu, lên nương, trông em, thậm chí là nghỉ chỉ để đi chơi. Cứ thấy học sinh nghỉ học, cô giáo Mai lại trèo đèo, lội suối đến thôn bản, vào từng nhà vận động, thuyết phục phụ huynh, học sinh. Có những lúc, cô giáo trẻ đã bật khóc, muốn bỏ cuộc vì không nhận được sự hợp tác của phụ huynh, học sinh.

Bên cạnh đó, một khó khăn nữa là bất đồng ngôn ngữ, do người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Dao. Để giao tiếp được với người dân một cách tốt nhất, cô Mai tự đi học chứng chỉ tiếng Mông. “Thời gian đầu, nhiều phụ huynh không hợp tác, cứ cho con nghỉ học tùy thích, không xin phép. Nhưng bằng sự kiên trì, nhẫn nại, tôi đã thuyết phục được họ, được học sinh, phụ huynh quý mến. Gần 4 năm nay, học sinh của tôi đã đến trường đều đặn. Con ốm, hay bận việc đột xuất, phụ huynh đều gọi điện thông báo, xin phép. Đó là một trong những niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi”, cô Mai chia sẻ.

Hiện nay, cô giáo Nguyễn Thị Sao Mai là giáo viên kiêm Tổng phụ trách Đội. Trong suốt hai năm học liên tiếp 2018-2019 và 2019 - 2020, cô Mai đạt danh hiệu “Giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh” và Liên đội trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Liên là Liên đội mạnh cấp tỉnh.

Để hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ đó, cô Mai phải nỗ lực gấp bội, thức khuya, dậy sớm và gần như không có ngày nghỉ. Ước mơ lớn nhất của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Sao Mai là làm sao các em học sinh vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ cơ sở vật chất đầy đủ, phục vụ việc học một cách tốt nhất.

Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tận tụy

Tối 19/11, tại Thủ đô Hà Nội, T,Ư Đoàn tổ chức lễ tuyên dương 99 “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương năm 2020. Dự chương trình có: ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; ông Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cống hiến của các nhà giáo trẻ đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Theo ông Trương Hòa Bình, 99 cá nhân được tuyên dương dịp này là những tấm gương sáng, đại diện cho hàng triệu giáo viên trẻ cả nước về tinh thần vượt khó, bản lĩnh vươn lên, đạt nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Đội.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình mong muốn các thầy, cô giáo tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu; không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất; chú trọng cải thiện năng lực, kỹ năng của học sinh, sinh viên, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẳng định “mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tận tụy, tự học và sáng tạo”, với sứ mệnh cao cả là truyền đạo lý làm người đến các thế hệ học trò, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhắn nhủ các nhà giáo trẻ: “Hãy luôn dành tình yêu thương, truyền ngọn lửa khát khao tri thức, khoa học, tư duy sáng tạo cho các thế hệ học trò”.

LƯU TRINH

Lưu Trinh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/trao-ca-thanh-xuan-cho-hoc-tro-vung-sau-vung-xa-1752474.tpo