Transerco kiến nghị sớm xây dựng đường dành riêng cho xe buýt: Thiếu khả thi

Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vừa kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội sớm xây dựng phương án và tổ chức triển khai các tuyến đường ưu tiên, đường dành riêng cho xe buýt. Đồng thời, tổng rà soát nhằm hợp lý hóa và chỉnh trang hệ thống hạ tầng xe buýt (điểm dừng, nhà chờ, điểm đầu cuối) để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ xe buýt.

Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội

Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội

Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ý tưởng làm đường riêng cho xe buýt đã được đề xuất nhiều nhưng thiếu khả thi, không phù hợp với hạ tầng giao thông như Hà Nội.

Không khéo lại ùn tắc hơn

- Ông đánh giá sao về việc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải thành phố sớm xây dựng đường dành riêng cho xe buýt?

- Việc nghiên cứu để cải thiện chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian của xe buýt là đáng hoan nghênh. Đây là ý tưởng đã được nói đến nhiều. Chúng ta đã thử nghiệm triển khai 1 tuyến BRT dành cho buýt nhanh nhưng đến nay không hiệu quả. Nay lại đề xuất làm đường riêng cho xe buýt, tôi e là không giải quyết được nạn ùn tắc mà lại còn làm tắc hơn.

Nếu dành cho xe buýt thường một làn đường riêng rất dễ hỗn loạn như xe buýt BRT. Tổ chức giao thông trên hầu hết các tuyến phố của Thủ đô hiện nay theo hình thức hỗn hợp, xe máy đi chung làn với ô tô, xe buýt. Nếu chúng ta không tính toán kỹ phương án thực hiện thì rất có thể tình trạng ùn tắc giao thông sẽ trở nên phức tạp hơn.

- Ở các nước họ đều có làn cho xe buýt, chắc hẳn chúng ta cũng áp dụng?

- Nếu là đường có 4 - 5 làn xe đi lại rộng thênh thang thì việc mở làn riêng cho xe buýt là cần thiết. Nhưng cơ sở hạ tầng của Hà Nội hiện còn nhiều điểm hạn chế, có khoảng gần 60% mặt đường cắt của đường giao thông ở nước ta là 7 - 11m. Chính vì thế, chúng ta không thể áp dụng việc dành đường cho xe buýt riêng.

Chúng ta phải nhớ bài học từ mô hình xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, chúng ta chưa thể ưu tiên quá cho xe buýt trong khi loại hình này hoạt động hiệu quả còn thấp. Việc sử dụng làn đường ưu tiên cho xe buýt như các nước trên thế giới là cần thiết nhưng không phải tại thời điểm hiện tại.

Ở các quốc gia khác trên thế giới, sở dĩ họ có thể áp dụng thành công mô hình làn đường ưu tiên cho xe buýt bởi lẽ hệ thống giao thông công cộng của họ rất phát triển. Hệ thống của họ gồm giao thông mặt đất, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao... trong khi phương tiện giao thông công cộng ở nước ta chỉ chiếm từ 8 - 10%.

Ảnh minh họa/ INT

- Hình như trước đây chúng ta cũng đã có làn riêng cho xe buýt?

- Cách đây khoảng 10 - 15 năm ở đường Nguyễn Trãi đã có làn dành riêng cho cho xe buýt. Nhưng rồi lưu lượng xe đi lại ít nên đã phải xóa bỏ. Muốn người dân đi xe buýt nhiều thì phải có nhiều chuyến, tốc độ nhanh, hạ tầng tốt hơn…

- Nhưng khi có đầu tư hạ tầng tốt hơn thì các vấn đề đó sẽ được cải thiện?

- Nếu làm sẽ phải đầu tư một số tiền rất lớn. Nhưng liệu nó có hiệu quả không, tương xứng với đầu tư? Ví dụ đầu tư 1 tỷ đồng thì ít ra phải thu hút thêm được vài nghìn lượt người đi. Chứ lại chỉ lác đác thêm được vài ba người là không ổn. Nghĩa là nó phải tương xứng với số tiền đầu tư. Hiện, số người sử dụng xe buýt rất thấp. Đầu tư cả nghìn tỉ đồng chỉ để chuyên chở một số lượng khách vừa phải thì rõ ràng đó không phải là bài toán đầu tư hiệu quả.

Tiền vào túi ai?

- Tức là cần thử nghiệm, nếu hiệu quả mới nhân rộng?

- Nếu có điều kiện thì thử nghiệm trên một tuyến nào đó. Không nên thực hiện đại trà ngay. Bởi nếu đầu tư thì sẽ là số tiền cực lớn, trong khi hiệu quả lại chưa chắc chắn. Chỉ lo là tung tiền ra mà không hiệu quả, rồi tiền vào túi ai cũng không biết. Bài học từ nhiều ý tưởng giao thông cho thấy chúng ta làm gì cũng phải thận trọng. Không thể bê nguyên xi mô hình của một nước nào để áp dụng được.

- Liệu có giải pháp nào khác?

- Với mật độ tham gia giao thông đông như hiện nay thì đáng ra cần phải có tàu điện ngầm. Tới đây, đường sắt trên cao đi vào hoạt động thì xe buýt hãy cứ di chuyển như hiện nay. Khi áp lực đi lại được chia sẻ cho đường sắt trên cao thì việc xe buýt lưu thông bình thường sẽ không ảnh hưởng gì.

Không cần phải có đường riêng cho xe buýt làm gì. Hiện đường Thủ đô quá chật, mặt cắt nhỏ, các phương tiện quá nhiều, nên nếu xe buýt chạy đường riêng thì phương tiện khác không biết đi đường nào.

- Theo ông vì sao người dân chưa mặn mà với phương tiện công cộng?

- Có rất nhiều lý do. Hạ tầng giao thông Hà Nội phức tạp, ngõ ngách rất dài, nếu đi xe buýt thì phải đi bộ rất xa mới có điểm đón. Các điểm dừng đỗ lại cách nhau xa, các tuyến xe buýt chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Xe buýt đi tốc độ chậm, vòng vèo nên rất mất thời gian… Rồi vỉa hè thì không có mà đi, trời nắng nóng, bụi bặm khiến việc đi xe buýt rất vất vả. Trong khi đó nếu đi xe công nghệ, người ta được đón ở tận cửa nhà, đưa đến tận điểm cần đến.

- Theo ông, với đà phát triển này, giao thông đô thị Hà Nội sẽ thay đổi sau bao nhiêu năm nữa?

- Phát triển giao thông công cộng là điều cần phải làm, trước sau gì cũng phải làm. Điều Hà Nội đang cần nhất là sớm tạo ra mạng lưới kết nối các phương thức vận tải công cộng. Đừng mải mê đầu tư những thứ kém hiệu quả. Hãy tập trung đầu tiên vào giao thông đô thị, vì hiệu quả nó tạo ra cho xã hội là vô cùng lớn. Và thiệt hại của nó gây ra nếu không được đầu tư bài bản, cũng là trở ngại rất lớn cho sự phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/transerco-kien-nghi-som-xay-dung-duong-danh-rieng-cho-xe-buyt-thieu-kha-thi-4069150-b.html