Tránh xáo trộn xã hội khi thay đổi phương thức quản lý cư trú của công dân

Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) lần đầu tiên đưa ra kỳ họp Quốc hội (QH) lần này thu hút sự chú ý của dư luận xã hội. Vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm sự tác động lớn liên quan giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành khi chuyển phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân. Liệu bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy sẽ ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước không?

Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) lần đầu tiên đưa ra kỳ họp Quốc hội (QH) lần này thu hút sự chú ý của dư luận xã hội. Vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm sự tác động lớn liên quan giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành khi chuyển phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân. Liệu bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy sẽ ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước không?

Qua thảo luận tại tổ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Ngô Thị Kim Yến (TP Ðà Nẵng) và nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với những nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH. Theo đó, việc phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân (ÐDCN) được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ðây là xu thế tất yếu tại nhiều quốc gia, nhất là trước tác động to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin trở nên phổ biến, rộng rãi trong tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, các thủ tục hành chính của công dân. Các đại biểu QH nêu một số vướng mắc cần làm rõ về thời gian để Việt Nam hoàn thành việc cấp số ÐDCN. Báo cáo thẩm tra đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, nêu sau bốn năm thực hiện Luật Căn cước công dân, chúng ta mới thực hiện được hơn 18 triệu mã số ÐDCN. Với mốc dự kiến tháng 12-2020 sẽ khó hoàn thành việc xác lập số ÐDCN cho toàn bộ công dân Việt Nam và nêu thực tế tình hình cơ sở hạ tầng công nghệ ở cấp công an phường, xã nhiều địa phương trên cả nước liệu bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu mục tiêu đề ra trong dự thảo luật.

Về vấn đề này, nhiều đại biểu nêu quan điểm cần phải có sự đánh giá, tổng kết đối với việc cấp số ÐDCN, qua đó phân tích làm rõ hơn kết quả thực hiện vừa qua và đưa ra những giải pháp cụ thể, thuyết phục khi luật sửa đổi đi vào cuộc sống. Theo đại biểu, Bộ Công an nên tập trung xác lập số ÐDCN theo lộ trình ở từng địa bàn để sớm hoàn thiện và dễ quản lý, nhất là tại địa bàn người dân vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Về trường hợp xóa đăng ký thường trú (Ðiều 25 dự thảo luật), nhiều ý kiến tán thành quy định của dự án luật về xóa đăng ký thường trú trong trường hợp công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ hơn 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào, hoặc không khai báo tạm vắng với công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài. Tuy nhiên, khi thực hiện việc này, nhiều đại biểu đề nghị cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá tác động mức độ ảnh hưởng của các bên có quyền lợi liên quan, tránh phát sinh khiếu nại, tranh chấp. Hơn nữa, lưu ý đến việc địa phương thay đổi địa giới hành chính và có thay đổi thông tin của công dân, do đó cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân biết, thực hiện.

Dự kiến tháng 6-2021 sẽ đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành, tuy nhiên, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú cần bảo đảm tiến độ hoàn thành việc xây dựng, vận hành, bảo đảm nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện. Ðể bảo đảm tính khả thi của luật, đến thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, cơ sở dữ liệu này phải được xây dựng xong, đồng bộ, đưa vào vận hành và bảo đảm kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú từ trung ương đến cơ sở. Bên cạnh đó, cần làm rõ và quy định ngay trong luật trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước; việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu về cư trú của tổ chức, cá nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân.

Qua nghiên cứu những nội dung mới trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi), dư luận xã hội và cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm việc bỏ sổ hộ khẩu có liên quan hộ gia đình. Cho đến nay, hộ gia đình vẫn là chủ thể độc lập và tham gia vào các hoạt động liên quan nhiều quy định pháp luật như dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình... Nhiều người lo lắng việc xóa đăng ký thường trú trong trường hợp công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ hơn 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài, đề nghị Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan cân nhắc. Từ thực tiễn, khi xóa đăng ký thường trú của công dân rất có thể phát sinh các mối quan hệ giữa chính quyền và công dân, giữa công dân và công dân, giữa công dân và cơ quan, tổ chức… Trong quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân, sổ hộ khẩu trong nhiều trường hợp cũng là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch dân sự nhằm xác thực thông tin về nhân thân và nơi cư trú của bên sử dụng dịch vụ. Khi không còn sổ hộ khẩu thì việc thực hiện các giao dịch này có thể sẽ gặp khó khăn vì các bên không thể tự mình truy cập Cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết. Chung quanh nội dung này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng đã khẳng định: Trong quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân, sổ hộ khẩu trong nhiều trường hợp cũng là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch dân sự như mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại... nhằm xác thực thông tin về nhân thân và nơi cư trú của bên sử dụng dịch vụ…

Tại kỳ họp vừa qua, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Công an Tô Lâm ghi nhận những ý kiến thảo luận, đề nghị của nhiều đại biểu Quốc hội (QH) về một số nội dung của dự án luật quan tâm. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự án luật. Cung cấp thêm thông tin, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay, Bộ Công an đã cấp được khoảng 16 triệu số định danh và căn cước công dân (CCCD). Từ nay đến ngày 1-7-2021 (dự kiến ngày Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực), cơ quan chức năng phải hoàn thành cấp CCCD cho khoảng 50 triệu người. Trong vòng một năm, Bộ Công an hoàn toàn có cơ sở để hoàn thành cấp CCCD khi luật có hiệu lực.

Trước nhiều ý kiến của cử tri và đại biểu QH băn khoăn việc bỏ hộ khẩu, lãnh đạo Bộ Công an cho biết: Qua rà soát, có 167 văn bản liên quan sổ hộ khẩu. Khi luật có hiệu lực, một số văn bản trong số này sẽ hết hiệu lực. Bộ Công an sẽ đề xuất Chính phủ điều chỉnh quy định nhằm tạo thuận lợi cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính, và các giao dịch khác, khi có sự thay đổi về phương thức quản lý. Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) tiếp tục được hoàn chỉnh trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp sau.

VĂN CHÚC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/44989902-tranh-xao-tron-xa-hoi-khi-thay-doi-phuong-thuc-quan-ly-cu-tru-cua-cong-dan.html