Tránh 'vết xe đổ'

Sudan rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng kể từ sau khi Tổng thống A.Bashir bị phế truất. Liên minh châu Phi (AU) cũng như cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ bất ổn gia tăng ở Sudan đe dọa an ninh khu vực và kêu gọi các bên liên quan đối thoại nhằm tránh căng thẳng leo thang.

Đã có những cảnh báo về một “Mùa xuân A-rập” đến muộn ở Sudan, nếu không nhanh chóng bình ổn tình hình quốc gia Đông Phi này.

Tình hình Sudan trở nên căng thẳng sau các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ cuối năm 2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh và bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền. Căng thẳng bị đẩy lên nấc thang mới sau khi quân đội bắt giữ Tổng thống A.Bashir cùng hơn 100 quan chức dưới chính quyền của ông. Sau gần 30 năm cầm quyền, Tổng thống A.Bashir đã bị lật đổ và quân đội Sudan đứng lên thành lập Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) điều hành đất nước trong giai đoạn chờ thành lập và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự với thời gian ước tính kéo dài hai năm.

Tuy nhiên, việc phế truất Tổng thống A.Bashir và những lời cam kết chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự của TMC chưa thể xoa dịu sự giận dữ của người dân. Làn sóng biểu tình tiếp diễn ở thủ đô Khartoum. Cuộc biểu tình ngồi của hàng nghìn người đã bước qua ngày thứ 10 liên tiếp trước trụ sở Bộ Quốc phòng Sudan. Người dân tiếp tục đòi đáp ứng hàng loạt yêu sách, trong đó có yêu cầu giải tán Hội đồng quân sự và thay thế bằng một Hội đồng dân sự. Trước sức ép từ các cuộc tuần hành trên đường phố, người đứng đầu Hội đồng quân sự, Tướng A.Burhan phải cam kết sẽ thành lập một chính quyền dân sự, song ông không đưa ra bất cứ một lịch trình cụ thể nào. Sự bất bình của người dân và “sức nóng” từ các cuộc biểu tình có nguy cơ thổi bùng thành bạo lực xung đột.

Những diễn biến ở Sudan khiến các nước trong khu vực lo ngại nếu không được kiểm soát, bất ổn chính trị có thể sẽ cuốn quốc gia Đông Phi vào vòng xoáy xung đột như đã từng xảy ra với các nước Ai Cập, Libya, Tunisia trong “cơn lốc” của Mùa xuân A-rập năm 2011. AU, tổ chức có 55 nước thành viên, đã lên án mạnh mẽ “cuộc đảo chính” ở Sudan, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền chuyển tiếp do quân đội dẫn dắt là hoàn toàn trái ngược với nguyện vọng của nhân dân Sudan.

Hội đồng Hòa bình và An ninh (PSC) thuộc AU nêu rõ, nếu chính quyền quân sự ở Sudan không chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự trong vòng 15 ngày, AU sẽ đình chỉ “sự tham gia của Sudan trong tất cả các hoạt động của AU cho đến khi (nước này) khôi phục trật tự hiến pháp”. Trong lịch sử, AU cũng từng đình chỉ tư cách thành viên của Ai Cập và CH Trung Phi sau các vụ chính biến ở hai quốc gia này hồi năm 2013. Tuy nhiên, hiện cả hai nước này đã được khôi phục quy chế thành viên tại liên minh sau khi ổn định tình hình.

Trong động thái tháo gỡ bế tắc mới nhất, Trung tướng J.Sheikh, một thành viên của TMC, đã có cuộc gặp với Thủ tướng Ethiopia ở Addis Ababa, nơi đặt trụ sở của AU. Ông al-Sheikh khẳng định, Sudan đang trong tiến trình lựa chọn thủ tướng cho một chính phủ dân sự, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là con đường hướng tới hòa bình cho đất nước.

Người đứng đầu TMC, Tướng A.Burhan đã điện đàm với Quốc vương các nước A-rập Xê-út và Qatar, Tổng thống Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Nam Sudan; cùng Thủ tướng Ethiopia, nhằm kêu gọi sự ủng hộ đối với TMC trong “giai đoạn lịch sử và nhạy cảm” này. Bộ Ngoại giao Sudan kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ TMC trong quá trình tiến tới mục tiêu “chuyển giao dân chủ” ở nước này, trong bối cảnh Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) cùng nhiều quốc gia hối thúc một tiến trình chuyển tiếp hòa bình, đáp ứng nguyện vọng của người dân ở quốc gia Đông Phi.

Mặc dù quân đội đang điều hành đất nước Sudan cam kết sẽ nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự, song đông đảo người dân Sudan chưa thật sự tin tưởng vào lời hứa sau những gì đã xảy ra ở quốc gia này. Tình hình căng thẳng ở Sudan hiện nay là “đốm lửa nhỏ” bất ổn, có nguy cơ bị thổi bùng thành đám cháy lớn xung đột nếu các phe phái không chịu nhượng bộ, gạt bỏ bất đồng để đạt được tiếng nói chung.

Bài học nhãn tiền về các cuộc biểu tình lật đổ chính phủ cuốn các nước Bắc Phi vào vòng xoáy xung đột, bất ổn hồi năm 2011 vẫn còn nóng hổi. Cộng đồng quốc tế và khu vực kêu gọi các phe phái ở Sudan thực hiện những bước đi cần thiết nhằm hòa giải dân tộc, tránh đối đầu, giúp quốc gia Đông Phi tránh đi vào “vết xe đổ” của một số nước Bắc Phi vốn đã trải qua “Mùa xuân A-rập” bi thương và để lại nhiều hệ lụy.

HỒNG VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/39879002-tranh-%E2%80%9Cvet-xe-do%E2%80%9D.html