Tránh tình trạng 'tiền nào của nấy' về chất lượng điều trị trong ngành Y tế

Chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế cho GS.TS Nguyễn Thanh Long...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế cho GS.TS Nguyễn Thanh Long.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế cho GS.TS Nguyễn Thanh Long.

"Bộ Y tế cần tập trung chính sách và công cụ quản lý không để tình trạng thương mại hóa quá mức, tránh tình trạng tiền nào của nấy về chất lượng điều trị" là lưu ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế cho GS.TS Nguyễn Thanh Long diễn ra chiều 15/11 tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của GS.TS Nguyễn Thanh Long: "Đồng chí tân Bộ trưởng Y tế – GS.TS. Nguyễn Thanh Long là một người lãnh đạo có trình độ, kinh nghiệm và đã trải qua nhiều vị trí từ công tác chuyên môn đến công tác quản lý trong ngành y tế.

Đặc biệt khi dịch Covid-19 xảy ra và bùng phát, với rất nhiều kinh nghiệm trong công tác dự phòng và phòng, chống dịch, đồng chí đã nhanh chóng phát huy vai trò tham mưu cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia nhiều quyết sách quan trọng góp phần vào thành công trong cuộc chiến với Covid-19".

Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cần chỉ đạo ngành Y tế thực hiện tốt các nhiệm vụ.

Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu được Thủ tướng giao cho ngành Y tế là kiểm soát tốt dịch Covid -19, không để dịch quay trở lại, đồng thời kiểm soát tốt các dịch bệnh truyền nhiễm khác như bạch hầu, sốt xuất huyết, cúm mùa, dịch tả sau lũ… không để dịch chồng dịch.

Hai là hoàn thiện cơ chế chính sách, kể cả cơ chế tài chính để nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ khám chữa bệnh, với yêu cầu dễ tiếp cận dịch vụ y tế hơn, phải giảm chi phí hơn nữa trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Ba là tập trung cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế, cần kiểm soát tốt hơn nữa về chi phí y tế, quản lý tốt dược phẩm, vật tư trang thiết bị y tế, công khai minh bạch trong quản lý cấp phép đấu thầu mua sắm thuốc, công khai giá thuốc, giá trang thiết bị, giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc không để người dân và người bệnh mù mờ với giá dịch vụ y tế, do đó công khai minh bạch là cần thiết.

Bốn là nâng cao chất lượng công tác an toàn thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn trường học, khu công nghiệp. Ngành Y tế phải huy động toàn xã hội tham gia, giám sát cơ chế, quy trình về vấn đề này tốt hơn nữa.

Năm là mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, quan tâm đến các đối tượng chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt, người có công, đảm bảo mọi người dân được chăm sóc sức khỏe bình đẳng.

Theo Thủ tướng, chúng ta đã có tiến bộ đáng mừng là người dân được bao phủ bảo hiểm y tế đến nay đã đạt 91%. Thời gian tới, ngành Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân tốt hơn nữa.

Sáu là chấn chỉnh hoạt động xã hội hóa nguồn lực trong phát triển y tế tại các bệnh viện công lập. Thủ tướng khẳng định, xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho y tế là chủ trương đúng đắn. "Bộ Y tế cần tập trung chính sách và công cụ quản lý không để tình trạng thương mại hóa quá mức, tránh tình trạng tiền nào của nấy về chất lượng điều trị. Xã hội hóa nguồn lực là cần thiết nhưng làm thế nào để công khai minh bạch giám sát được", Thủ tướng lưu ý.

Cùng với đó, Thủ tướng cho rằng, y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống khám chữa bệnh từ xa phải được thúc đẩy hơn nữa cả về số lượng và chất lượng để tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận tốt dịch vụ chăm sóc khám chữa bệnh.

Hiện nay, nước ta có 1.500 cơ sở khám chữa bệnh từ xa nhưng Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế cần sơ kết, tổng kết, nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn hơn nữa. Bác sỹ phải vừa giỏi chuyên môn y khoa nhưng đồng thời cũng giỏi về công nghệ thông tin để chuẩn đoán chính xác.

Bên cạnh đó, bác sỹ gia đình hay các hình thức khác cần được huy động để giảm thiểu chi phí xã hội thông qua chất lượng ở từng gia đình, tại cơ sở. Việc tầm soát, phát hiện sớm các loại bệnh cũng phải chú trọng. "Vì sao ung thư, tiểu đường tăng quá nhanh? Chúng ta phải trả lời câu hỏi này, các bệnh không truyền nhiễm đang đè nặng lên vai người dân dẫn đến giảm tuổi thọ.

Tuổi thọ trung bình của người dân chúng ta hiện nay là cao ở châu Á nhưng mức độ sống khỏe, sống lâu thì thấp so với thế giới. Tôi được biết, chúng ta chỉ khoảng trên 60 tuổi là bắt đầu ốm đau bệnh tật còn thọ thì sau đó cũng bệnh nặng kéo dài rất nhiều, cái này có phải câu hỏi đặt ra với ngành y tế hay không? Sống lâu, sống khỏe chứ không phải sống lâu sau đó sống yếu sống ốm, cho nên việc tầm soát phát hiện sớm các loại bệnh là rất quan trọng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tám là nâng cao nội lực y tế nước nhà phát triển hài hòa cả đông y và tây y trên nền tảng ứng dụng công nghệ mới. Chín là đổi mới toàn diện công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế cả về chuyên môn nghiệp vụ và y đức. Cuối cùng, Thủ tướng lưu ý, ngành Y tế cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ mới trong y học, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y.

Nhận nhiệm vụ mới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định trong thời gian tới ngành Y tế sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân theo hướng công bằng, hiệu quả.

Đồng thời, ngành sẽ đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, công tác phòng, chống dịch bệnh; đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân; đổi mới toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế; tăng cường đầu tư, đổi mới tài chính y tế…

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, ngành Y tế sẽ phát triển mạnh mẽ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; triển khai quyết liệt chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, sinh năm 1966, có học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ Y học, được Quốc hội phê chuẩn vào chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 12/11 và sau đó được Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/tranh-tinh-trang-tien-nao-cua-nay-ve-chat-luong-dieu-tri-trong-nganh-y-te-20201115183834436.htm