Tránh tình trạng thao túng, lũng loạn thị trường chứng khoán

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 6/6, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Sửa đổi Luật Chứng khoán là cần thiết

Tờ trình dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày nêu rõ: Đánh giá thực tiễn thi hành Luật Chứng khoán cho thấy, quy mô thị trường chứng khoán ngày càng phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thảo luận tại phiên họp tổ chiều 6/6

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thảo luận tại phiên họp tổ chiều 6/6

Thị trường chứng khoán đã hỗ trợ cho việc thực hiện công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước được thuận lợi hơn và ngày càng công khai, minh bạch, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành cho thấy Luật Chứng khoán đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Chính phủ thấy rằng, việc sửa đổi Luật Chứng khoán ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 10 năm thi hành Luật Chứng khoán, đáp ứng yêu cầu phát triển tất yếu của thị trường chứng khoán nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) bao gồm 10 chương, 136 điều. So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 97 điều, bổ sung 31 điều, bãi bỏ 31 điều và giữ nguyên 08 điều.

Thảo luận tại tổ về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Dành (Bình Dương) đồng tình cao với việc nâng điều kiện vốn điều lệ tối thiểu đã góp đối với công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Đại biểu phân tích, việc nâng vốn điều lệ cũng là tăng yêu cầu tiêu chuẩn đối với những doanh nghiệp đủ điều kiện lên sàn, đảm bảo cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, điều này cũng phù hợp với tình hình phát triển quy mô của nền kinh tế thời gian qua.

Cần có đánh giá đầy đủ hơn

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Sóc Trăng đề nghị, dự thảo luật quy định rõ tránh tình trạng thao túng, lũng loạn thị trường chứng khoán. Ông cho rằng, qua quá trình vận hành có những bất cập, ví dụ một thời chúng ta giữ nguồn tiền trong thị trường chứng khoán giữ bí mật cho nhà đầu tư và không truy đến tận gốc nguồn mua cổ phiếu. “Như thế bị "bệnh" lấy tiền của ngân hàng đi góp vốn, sở hữu chéo, gây động tác là vốn thực vào nền kinh tế chỉ 1 đồng nhưng hệ số ảo làm cho nguồn lực nền kinh tế bị thất thoát. Khi phân phối lại nguồn lực của nền kinh tế mà dựa trên số liệu ảo thì không đạt được yêu cầu phát triển”- Đại biểu Nguyễn Đức Kiên phân tích.

Góp ý về tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong dự án Luật, đại biểu Lê Công Nhường- Bình Định nêu ý kiến: Trong điều 51 thiết kế về tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với chứng khoán tôi thấy chưa rõ, đề nghị sau này ra Chính phủ làm rõ hơn từng loại hình của doanh nghiệp nắm giữ bao nhiêu cần có quy định rõ. Giao dịch chứng khoán là giao dịch thường xuyên phải có những biện pháp kỹ thuật để giám sát khi mua bán vượt quá tỷ lệ cho phép. Ngoài ra, thị trường chứng khoán càng lớn sẽ có nhiều "tin tặc" lấy tài khoản vì vậy cần bổ sung thêm điều khoản trong Luật để bảo vệ các giao dịch.

Bên cạnh đó, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, một số ý kiến lại không đồng tình việc tăng vốn công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ, do e ngại đây sẽ là rào cản với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu vốn trên thị trường chứng khoán.Vì lẽ đó, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá đầy đủ tác động về kinh tế, xã hội về quy định này.

Dự luật sửa đổi Luật Chứng khoán sẽ được thảo luận ở hội trường ngày 13/6.

Lan Anh- Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tranh-tinh-trang-thao-tung-lung-loan-thi-truong-chung-khoan-120761.html