Tránh tình trạng mạnh ai nấy làm

Mít Thái 'siêu sớm', loại cây trồng đang được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mở rộng diện tích sản xuất.

Loại cây này dễ trồng, mau cho thu nhập nên nông dân trồng xen canh hoặc chuyển đổi diện tích lúa sang trồng mít. Các chuyên gia cảnh báo, muốn trồng lâu bền, đặc biệt là đảm bảo đầu ra ổn định, nông dân phải tham gia chuỗi liên kết, tránh trồng tràn lan, thiếu liên kết...

Tỉnh Vĩnh Long có hơn 500 hécta trồng mít Thái tập trung chủ yếu tại huyện Bình Tân, Trà Ôn và thị xã Bình Minh. Những tháng đầu năm 2019, người dân huyện Bình Tân trồng mới hơn 60 hécta, Trà Ôn 40 hécta và thị xã Bình Minh hơn 30 hécta… Với giống mít này, trái loại 1 hiện có giá khoảng 30.000 đồng/kg. Với mức này, được lãi cao nên nhiều người đổ xô lên liếp, trồng mít.

Tại xã Nguyễn Văn Thảnh và xã Thành Lợi (huyện Bình Tân), nhiều nông dân cải tạo vườn tạp trồng xen canh cây mít Thái. Nhiều hộ còn thuê đất ruộng đang trồng lúa để lên liếp trồng loại cây ăn trái này.

Ngành nông nghiệp Vĩnh Long khuyến khích người dân chuyển dịch giống cây trồng theo hướng nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập nhưng tránh trồng ồ ạt, dẫn đến cung vượt cầu.

Tại Đồng Tháp, không chỉ riêng các huyện có lợi thế phát triển cây ăn trái chuyển sang trồng mít, mà cả những khu vực nội đồng, vùng thượng nguồn như: Tháp Mười, Tam Nông, Tân Hồng, nông dân cũng chuyển diện tích lúa sang trồng mít, và giống mít Thái hiện được nhiều người chọn trồng.

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, diện tích trồng mít toàn tỉnh hiện đã trên 500 hécta. Khoảng 3 năm qua, giá lúa bấp bênh nên gia đình ông Nguyễn Văn Công ngụ xã Mỹ Quý (huyện Tháp Mười) tận dụng 2 công đất gò (1.000m²/công) trồng mít.

“Trái mít có giá nên mang lại hiệu quả kinh tế”, ông Công chia sẻ. Từ đầu năm 2019, nông dân xã Mỹ An cũng chuyển 100 hécta đất sản xuất lúa kém hiệu quả lên liếp trồng mít. Bình quân mỗi hécta trồng từ 800-1.000 gốc mít Thái, sau 3 đến 4 năm cho năng suất khoảng 50 tấn/ha/năm.

Tại tỉnh Tiền Giang, mít Thái siêu sớm được trồng nhiều tại các huyện Cái Bè, Châu Thành, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Riêng huyện Cái Bè có hơn 1.300 hécta. Cụ thể, xã Đông Hòa Hiệp có 114 hécta, xã Mỹ Đức Tây 167 hécta, xã Mỹ Đức Đông 106 hécta...

Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo ngành nông nghiệp rà soát, có giải pháp đối với việc người dân tự chuyển đổi diện tích từ đất lúa sang trồng sầu riêng, mít một cách ồ ạt, đặc biệt phía Bắc quốc lộ 1.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, với giá mít hiện nay, diện tích trồng mít sẽ tiếp tục tăng nên nhà vườn cần cân nhắc kỹ. Thực trạng này không chỉ ở Tiền Giang, mà cả vùng ĐBSCL. Người dân tự ý phá vỡ quy hoạch, chuyển đổi cây trồng do nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố thị trường chi phối rất lớn.

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, hiện nay rất nhiều nông dân ở Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang… tập trung trồng mít Thái. Chuyện trồng mít của người dân miền Tây không còn để ăn nữa, mà đang tính đến kinh tế.

Bởi đặc điểm của giống mít này chịu sống mỗi cây cách nhau chỉ khoảng 3-3,5m nên mỗi hécta có thể trồng khoảng 1.000 cây. Mỗi cây chỉ cần cho 10 trái/năm thì người trồng sẽ thu được 50kg/cây. Với mức giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí, người trồng có thể cầm chắc lợi nhuận bạc tỷ/mỗi hécta.

“Nông dân muốn trồng lâu bền phải tham gia chuỗi liên kết, tránh trồng tràn lan, thiếu liên kết sẽ gặp khó khăn. Hiện nay, việc xuất khẩu mít Thái hầu hết đi Trung Quốc. Trong khi Malaysia trồng giống mít khác (kiểu như mít nghệ), chủ yếu xuất đi châu Âu và Trung Đông. Chất lượng mít Thái ngon, Việt Nam cũng có thể cạnh tranh với các loại mít khác và mở rộng thị trường, không phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”, PGS-TS Nguyễn Minh Châu khuyến cáo và chia sẻ thông tin.

Như Anh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/tranh-tinh-trang-manh-ai-nay-lam-544834/