Tranh thủ việc vắng khách do dịch Covid, Thái Lan mở chiến dịch dọn sạch rác, nhựa ở bãi biển

Mỗi năm, xác hàng trăm sinh vật biển dạt vào bờ biển Thái Lan do chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường hoặc do ăn phải rác nhựa.

Ngư dân Anan Jaitang vốn thường hay vứt những chiếc lưới nilon rách ra bờ biển sau khi chúng bị những con cua kẹp hỏng và không thể sửa nữa. Do đó phần lớn những chiếc lưới nilon rách này đều trôi dạt ra biển, ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái tại Thái Lan.

May mắn thay, giờ đây Anan cùng những ngư dân Thái Lan khác đã có cách tốt hơn để tài chế lưới nilon rách nhờ dịch Covid-19.

Một dự án cộng đồng tại Thái Lan mới đây đã trả 10 Baht, tương đương 0,32 USD/kg cho những tấm lưới nilon rách nhằm tái chế lại thành những vật dụng như gậy nhựa, mặt nạ bảo hộ nhựa hay thậm chí là những chai nhựa khử trùng.

"Nếu không ai mua những tấm lưới đánh cá của chúng tôi, có lẽ chúng sẽ chất đống thành núi", ngư dân Anan, vốn vứt đi khoảng 36 chiếc lưới đánh cá mỗi quý cho biết.

Hiện nay anh Anan cũng hơn 100 ngư dân đang tham gia chương trình bảo vệ môi trường EJF của chính phủ.

Với khoảng 50.000 tàu đánh cá nhỏ và 10.000 tàu chở hàng, Thái Lan hiện đang là nước có ngành đánh bắt cá lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu cho môi trường biển.

Mỗi năm, xác hàng trăm sinh vật biển dạt vào bờ biển Thái Lan do chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường hoặc do ăn phải rác nhựa. Số liệu của chính phủ cho thấy khoảng 74% xác rùa biển và 89% xác bò biển (Dugong) trôi dạt vào Thái Lan trong khoảng 2015-2017 là do chịu tổn thương quá nặng từ những chiếc lưới đánh cá bỏ đi.

Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc (UN) cho biết hàng năm có khoảng 640.000 tấn lưới đánh cá bị vứt ngoài biển, qua đó tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái.

Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm tại Thái Lan nhân dịp dịch Covid-19 ít du khách, chính quyền Bangkok đã thành lập hãng Qualy chuyên mua lưới đánh cá vứt đi thu thập được từ dự án EJF nhằm tái chế và kinh doanh các sản phẩm sau đó.

Đây là một động thái khá quyết liệt của chính phủ Thái Lan khi thông thường các dự án môi trường khác chỉ thu mua và xuất khẩu sang nước thứ 3 để tái chế.

Trong mùa đại dịch Covid-19, Qualy đã tái chế khoảng 700 kg lưới cá rách để làm mặt nạ bảo hộ, chai nhựa đựng nước rửa tay hay các gậy nhựa dùng để bấm thang máy và ATM nhằm hạn chế tiếp xúc.

"Chúng tôi đã bán được hơn 1000.000 gậy nhựa trong mùa đại dịch", Giám đốc marketing Thosaphol Suppametheekilwat của Qualy nhận định.

Mặc dù từ chối đưa ra những số liệu tài chính cụ thể nhưng Giám đốc Thosaphol khẳng định hoạt động kinh doanh tái chế lưới cá đang sinh lợi nhuận với doanh số đến từ Châu Âu, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong.

"Mua lưới đánh cá rách sẽ hỗ trợ cuộc sống của ngư dân mà lại tái chế được ra các sản phẩm hữu dụng. Đặc biệt chúng còn giúp bảo vệ môi trường", Giám đốc Thosaphol nói.

Phía dự án EJF cho biết họ đã thu mua được hơn 1,3 tấn lưới đánh cá bị rách kể từ khi chương trình được cho chạy thử nghiệm từ 2 tháng trước đây, đồng thời sẽ mở rộng dự án ra toàn bộ vùng biển Thái Lan từ nay đến cuối năm.

Đối với những ngư dân như Anan, chương trình không chỉ mang thêm thu nhập mà còn tạo dựng niềm vui cho bản thân anh khi đóng góp điều gì đó cho xã hội.

"Tôi đã thấy những sản phẩm tái chế và thực tự hào khi góp phần làm ra nó. Ít nhất chúng giúp ích cho xã hội và bảo vệ môi trường", anh Anan nói sau khi thấy những chiếc gậy nhựa tái chế.

AB

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tranh-thu-viec-vang-khach-do-dich-covid-thai-lan-mo-chien-dich-don-sach-rac-nhua-o-bai-bien-52020107152637234.htm