TRÁNH THU HÚT, ĐÃI NGỘ 'NHẦM' CÁN BỘ

Đội ngũ cán bộ, công chức là những người trực tiếp gánh vác công việc của cơ quan, địa phương; triển khai thực hiện, đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Thực tế cho thấy, trong xây dựng đội ngũ cán bộ, cùng với việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ... thì rất cần thực hiện tốt chính sách cán bộ.

Quán triệt, thực hiện chủ trương của Đảng về công tác chính sách đối với đội ngũ cán bộ, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 76/2019/NĐ-CP (Nghị định 76) về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, có hiệu lực từ ngày 1-12-2019. Nghị định 76 (thay thế Nghị định số 116/2010/NĐ-CP), có nội dung bao hàm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc áp dụng rất cụ thể, rõ ràng. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó có Nghị định 76 góp phần quan trọng giải quyết bài toán về thiếu hụt đội ngũ cán bộ có trình độ, chuyên môn cao ở vùng sâu, vùng xa; góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở tại những vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, để những nơi gian khó có thêm nguồn lực phát triển.

 Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều văn bản quy định chính sách thu hút, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng thực tế, việc triển khai các chính sách thu hút, đãi ngộ với đội ngũ cán bộ làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn, có nơi, có thời điểm còn bất cập, chồng chéo, khiến nguồn lực bị phân tán, kém hiệu quả; không những khó thu hút người có trình độ, năng lực về nơi thực sự cần, mà đâu đó còn xảy ra tình trạng trục lợi chính sách.

Để triển khai thực hiện tốt Nghị định 76 và các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác chính sách với đội ngũ cán bộ, các cơ quan chức năng cần phối hợp xây dựng văn bản hướng dẫn bảo đảm chặt chẽ, khả thi, không để những "lỗ hổng”, bất cập về cơ chế chính sách trong thu hút cán bộ. Thực tế những năm qua, không ít nơi còn xảy ra tình trạng cá nhân lợi dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, xung phong về nhận nhiệm vụ tại vùng đặc biệt khó khăn để được vào biên chế nhà nước, hoặc có vị trí công tác thuận lợi, được hưởng chính sách ưu đãi, sau một thời gian lại xin chuyển công tác về nơi có điều kiện tốt hơn. Một bộ phận cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tuyển dụng người nhà, người thân, dẫn đến không thu hút, phát huy được người tài, người thực sự có tâm huyết. Cùng với bảo đảm đúng, đủ, kịp thời chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút theo quy định của Nhà nước, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những đối tượng vụ lợi trong thực hiện chính sách này, bảo đảm cho chính sách đãi ngộ thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Được giao nhiệm vụ về công tác ở những nơi khó khăn gian khổ, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số... là môi trường để rèn luyện, thử thách đội ngũ cán bộ, công chức, cũng là điều kiện để họ thể hiện năng lực, sở trường, khả năng cống hiến. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị... cần thực hiện nghiêm quy định trong tuyển chọn cán bộ, công chức về công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm tuyển chọn thực sự khách quan, đúng người, đúng việc. Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế giám sát và tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của từng cán bộ trong quá trình công tác; kiên quyết sàng lọc, loại bỏ những cán bộ phẩm chất, năng lực yếu, làm việc không hiệu quả... không xứng đáng được hưởng chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tranh-thu-hut-dai-ngo-nham-can-bo-599860