Tranh thờ ông Táo tại tư gia Nam Bộ có đặc điểm gì?

'Chữ Thánh hiền' bản thân nó đã mang tính thiêng, nên đến ngày nay loại hình tranh chữ thờ ông Táo vẫn được người dân Nam Bộ sử dụng phổ biến.

Theo truyền thống ở Nam Bộ, nhà nào cũng có thờ gia thần. Gia thần tức những vị được thờ trong nhà, trong khuôn viên miếng đất, miếng vườn nhà. Đó có thể là những vị thiên thần, hay là những phúc thần với chức năng phù hộ độ trì cho già trẻ trong gia đình. Có một vị gia thần được thờ khá phổ biến đó là ông Táo. Theo quan niệm dân gian, đây là vị thần coi quản về bếp núc, củi lửa và cả tội phước của các thành viên trong nhà; trong số các thần bản gia thì Táo Quân là vị được coi là quan trọng nhất đại diện Ngọc Hoàng Thượng Đế coi xét mọi chuyện lớn nhỏ trong một năm của nhà đó.

Trang thờ (bàn thờ) ông táo ở Nam Bộ có khi được đặt ở dưới bếp, nơi nấu nướng của gia đình. Nhưng cũng có khi được đặt trang trọng trên cao ở nhà giữa, ngang hàng với bàn thờ ông bà độ mạng, nhất là trong các nhà khá giả.

Ở giữa trang thờ có bức tranh thờ. Tranh thờ ông Táo thường có bố cục đơn giản, các chữ được viết sao cho cân đối và đăng đối hai bên, trên, dưới. Các chữ ở giữa là nội dung chính để thờ nên được viết to hơn các chữ xung quanh. Có khi chỉ có dòng chữ thờ chánh ở giữa viết theo hàng dọc từ trên xuống.

 Tranh kiếng ông Táo Nam bộ

Tranh kiếng ông Táo Nam bộ

Về hệ thống chữ Nho được sử dụng trên bàn thờ ông Táo, do chịu ảnh hưởng ít nhiều của nền Nho học theo dấu chân lưu dân người Việt vào, tín ngưỡng dân gian cũng theo đó mà tiếp thu lối chữ tượng hình của người phương Bắc và lối chữ nôm na cải biên của người Việt để đưa vào trong hệ thống các thiết chế thờ tự một vị trí khá quan trọng của chữ nghĩa và trở thành một thành phần không thể thiếu trong các cơ sở thờ tự dân gian cũng như tại tư gia.

Về tên hiệu của ông Táo thờ ở Nam Bộ, có thể kể ra như: Định Phúc Táo Quân, Đông Trù Tư Mệnh, Táo Công, Thổ Táo…

Hai câu đối chữ Nho viết hai bên tên hiệu nêu lên chức năng của thần Táo theo quan niệm dân gian, phổ biến là các câu:

有 德 能 司 火

Hữu đức năng tư hỏa

無 私 可 達 天

Vô tư khả đạt thiên

Nghĩa là:

Có đức làm quan coi bếp lửa

Vô tư thông suốt chuyện trên trời

Hoặc:

Tranh thờ Đông Trù Tư Mệnh

受 勅 天 庭 封 司 命

Thụ sắc Thiên đình phong Tư Mệnh

承 傳 玉 帝 職 東 廚

Thừa truyền Ngọc Đế chức Đông Trù

Nghĩa là:

Thiên đình phong sắc thần Tư Mệnh

Ngọc hoàng cho giữ chức Đông Trù

Đôi khi có sự kết hợp giữa chữ và tranh hoặc trong chữ có tranh. Tuy nhiên, ở loại hình tranh thờ dạng chữ thì chữ vẫn là yếu tố chính và chiếm nhiều diện tích trong bố cục.

Nhu cầu hưởng thụ văn hóa của con người ngày càng cao làm cho nơi thờ ông Táo tuy đơn sơ nhưng cũng phải có đầy đủ “tiện nghi văn hóa” như một ngôi đền, miếu thực thụ, cũng phải có đối, liễn, hoành phi ca tụng công đức... dù nghèo không có điều kiện làm bằng danh mộc thì mực Tàu viết trên giấy hồng đơn cũng chẳng sao.

Tranh kiếng thờ Định phúc Táo Quân

Tuy có chút “chữ nghĩa” vào nhưng bản chất dân dã vẫn không thể lẫn vào đâu được. Đại loại đối liễn cũng không cần chữ nghĩa cao siêu, không cần thư pháp điêu luyện, miễn thể hiện được ước muốn của tín chủ, cộng đồng như cầu cho gia đình êm ấm, buôn may bán đắt, bình an mạnh giỏi... là được.

Xã hội phát triển sản sinh thêm nhiều nghề mới trong đó có nghề làm tranh thờ với đỉnh cao là tranh kiếng đã tạo nên nhiều nét đặc sắc và sức hấp dẫn cho phép các nghệ nhân thỏa sức sáng tạo và cho ra đời nhiều tác phẩm tranh chữ độc đáo. Mặc dù về sau này, tranh hình có phần phát triển mạnh hơn bởi hình vẽ có tính trực quan, bắt mắt hơn và những người biết chữ Nho ngày càng ít nhưng tranh chữ vẫn chiếm một vị trí nhất định của nó trong hệ thống tranh thờ dân gian. Có lẽ con chữ tượng hình ở một góc độ nào đó toát lên vẻ linh thiêng hơn và “chữ Thánh hiền” bản thân nó đã mang tính thiêng, nên đến ngày nay loại hình tranh chữ thờ ông Táo vẫn được người dân Nam Bộ sử dụng phổ biến.

Nguyễn Thanh Thuận

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tranh-tho-ong-tao-tai-tu-gia-nam-bo-co-dac-diem-gi-post1034841.html